Hợp đồng cầm cố, chuyển nhượng đất theo kiểu “mạnh ai nấy viết”

03:04, 03/04/2014

Thấy gia đình mẹ khó khăn, đứa con gái muốn trả hiếu, cho mượn đất canh tác cải thiện cuộc sống. Sau đó, người mẹ cầm cố phần đất trên cho người khác. Khi vụ việc xảy ra tranh chấp, một bên nói cầm cố, còn một bên cho rằng chuyển nhượng đất. Điều đáng nói là hợp đồng cầm cố, chuyển nhượng đất của 2 bên đều làm giấy tay theo kiểu “mạnh ai nấy viết” và không có chứng thực của

Thấy gia đình mẹ khó khăn, đứa con gái muốn trả hiếu, cho mượn đất canh tác cải thiện cuộc sống. Sau đó, người mẹ cầm cố phần đất trên cho người khác. Khi vụ việc xảy ra tranh chấp, một bên nói cầm cố, còn một bên cho rằng chuyển nhượng đất. Điều đáng nói là hợp đồng cầm cố, chuyển nhượng đất của 2 bên đều làm giấy tay theo kiểu “mạnh ai nấy viết” và không có chứng thực của chính quyền địa phương.

Chị Lê Thị Kim Phượng (xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) trình bày: Năm 2002, chị có cho mẹ ruột là bà Trần Thị Kim Thành (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) mượn 2,5 công đất ruộng (2.500m2) tọa lạc tại ấp Ngã Chánh (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) canh tác.

Tuy nhiên, sau này, bà Thành lại cầm cố phần đất trên cho ông Võ Văn Rỡ (xã Hiếu Nhơn) với giá 20 triệu đồng. Theo hợp đồng (giấy viết tay) giữa 2 bên, ông Rỡ được canh tác phần đất trên trong 8 năm, bà Thành sẽ chuộc lại.

Tuy nhiên, ông Rỡ chỉ giao cho bà Thành 13 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ giao khi nhận được giấy quyền sử dụng đất mà bà Thành thế chấp cho ngân hàng vay vốn. Đến năm 2010, hết hợp đồng cầm cố, bà Thành chuộc lại 2,5 công đất, trả lại cho con canh tác. Tuy nhiên, ông Rỡ không đồng ý, nên chị Phượng (đại diện cho mẹ là bà Thành) kiện ra tòa giải quyết.

Ông Rỡ cho rằng: Trước đây, ông không biết phần đất do chị Phượng là chủ sở hữu mà nghĩ của bà Thành và chỗ quen biết nên ông không tìm hiểu rõ nguồn gốc của đất.

Năm 2002, ông nhận chuyển nhượng phần đất trên chớ không cầm cố như phía bà Thành trình bày. Sau này, ông chuyển nhượng lại phần đất trên cho đứa em ruột là chị Võ Thị Hà. Bởi thế, khi bà Thành đòi chuộc lại phần đất trên, ông không đồng ý…

Vụ việc tranh chấp giữa chị Phượng, bà Thành và ông Rỡ kéo dài, cấp cơ sở giải quyết không thành. Chị Phượng kiện ông Rỡ ra TAND Vũng Liêm để đòi lại đất.

Ông Rỡ đưa ra bằng chứng là tờ hợp đồng chuyển nhượng đất với bà Thành và bà Thành cũng có hợp đồng cầm cố đất với ông Rỡ (tất cả hợp đồng giấy tay, không có chứng thực của chính quyền địa phương).

Tuy nhiên, qua giám định chữ ký của bà Thành và ông Rỡ ở 2 hợp đồng trên đều là giả. Bà Thành và ông Rỡ cũng thừa nhận tự làm hợp đồng, ký tên, viết tên người làm chứng.

Tại phiên tòa xét xử, 2 bên đều giữ nguyên ý kiến phần đất 2,5 công đất thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên, xét hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng cầm cố đất của 2 đơn sự đều trái quy định của pháp luật nên vô hiệu.

Đối với ông Rỡ, giao tiền cho bà Thành chưa đủ (13/20 triệu đồng) nhưng vẫn canh tác đất hưởng lợi nhuận. Từ những chứng cứ khảo sát thực tế, hồ sơ có được, tòa quyết định buộc ông Rỡ phải giao 2,5 công đất tọa lạc tại ấp Ngã Chánh (xã Hiếu Nhơn) cho chị Phượng và bà Thành có trách nhiệm trả lại 13 triệu đồng tiền cầm cố đất trước đó cho ông Rỡ.

Hiện nay tình trạng tranh chấp đất xảy ra rất phổ biến, người dân thiếu hiểu biết những quy định pháp luật về đất đai. Qua vụ việc này, khuyến cáo người dân khi chuyển nhượng hay cầm cố đất cần tuân thủ những quy định của pháp luật, các giấy tờ hợp đồng phải có chứng thực để tránh trường hợp tranh chấp, vừa thiệt thòi vừa mất đi tình làng nghĩa xóm.

HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh