Kỳ cuối: Loài vật gần gũi, trung thành cần được bảo vệ

10:04, 27/04/2014

Ở ĐBSCL, hầu như nhà nào cũng có một vài lần nuôi chó giữ nhà hay làm cảnh. Đây là con vật trung thành, gần gũi nên hiếm khi người chủ bán cho người khác làm thịt con vật yêu quý của mình. Vậy mà, ở các quán nhậu hay điểm bán thịt chó, khách hàng cần bao nhiêu họ cũng có đủ cung cấp.

>> Phóng sự điều tra: Hành trình thịt chó ra quán nhậu
>> Kỳ 2: Đột nhập “pháp trường xử trảm chó”

Ở ĐBSCL, hầu như nhà nào cũng có một vài lần nuôi chó giữ nhà hay làm cảnh. Đây là con vật trung thành, gần gũi nên hiếm khi người chủ bán cho người khác làm thịt con vật yêu quý của mình. Vậy mà, ở các quán nhậu hay điểm bán thịt chó, khách hàng cần bao nhiêu họ cũng có đủ cung cấp.

Có thể khẳng định một điều, nguồn thịt chó đó từ trộm cắp mà có và người buôn bán thịt chó vô tình tiếp tay cho bọn tội phạm.


Nhiều ý kiến của cộng đồng mạng kêu gọi không ăn thịt chó.

Thịt chó bán tràn lan và nguy cơ nhiễm bệnh

Tuy người dân không có thói quen nuôi chó bán vì kinh tế, nhưng thịt chó bán tràn lan từ nông thôn đến thành thị.

Ven QL53, đoạn gần cầu Ông Me, một điểm bán thịt chó lúc nào cũng đắt khách. “Bán ở đây khá lâu, khách quen đến mua, thịt chó bảo đảm chất lượng, tươi và chó không trúng độc thuốc Trung Quốc, có hại sức khỏe người dùng, bình quân mỗi ngày tiêu thụ từ 3- 4 con”- người bán thịt chó cho biết.

Tại một điểm treo bảng thu mua chó trên QL1 thuộc khu vực Phường 8 (TP Vĩnh Long), mỗi ngày họ mua vài con chó từ bọn trộm. Chủ yếu điểm này mua chó bán lại cho quán nhậu hoặc người dân đặt trước và mổ chó bán thịt lẻ ven đường.

Thịt chó trở thành món khoái khẩu của nhiều người, họ cho rằng bổ dưỡng, hợp với túi tiền và mỗi buổi chiều các quán nhậu thịt chó đều đông khách.

Các thực khách ăn ngon lành, không biết rằng thịt chó cũng nhiều nguy cơ độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguồn chó cung cấp ra thị trường đều từ trộm cắp của người dân và chó không nằm trong danh mục kiểm dịch của ngành chuyên môn.

Chó cũng có nhiều bệnh tiềm ẩn. Bệnh sán dại chó gây tác hại cho mắt, não, nội tạng người ăn. Tuy tỷ lệ mắc bệnh này không cao nhưng người nhiễm bệnh có thể tử vong.

Đó là chưa kể chó bị đánh bắt bằng bã, thuốc độc sẽ thấm vào nội tạng và thịt chó, người ăn phải rất dễ bị nhiễm độc tố, trường hợp bị nặng còn có thể hôn mê, liệt hô hấp dẫn đến tử vong. Chưa kể quy trình giết mổ, chế biến thịt chó cũng không hợp vệ sinh.

Cứ thử một lần “mục sở thị” nơi giết mổ chó, không ít người sẽ ngán miệng với dĩa thịt thơm phức trên bàn. Hầu hết các địa phương không có lò giết mổ chó. Những nơi giết mổ là ở phía sau quán, nước lẫn máu chó đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối; ruồi bu đầy thịt và nội tạng, trông rất ghê.

Những con chó bị ghẻ sau khi được cạo lông sẽ được tẩm màu và hóa chất. Chỉ cần qua công đoạn này thì dù chó có bệnh dại hay xà mâu lở loét gì cũng trở thành đĩa mồi ngon trên bàn nhậu. Chỉ có trời và người mổ, bán thịt chó mới biết chất lượng thịt ra sao!

Cần xử lý nghiêm

Lòng trung thành của con chó với chủ nuôi có lẽ ai cũng biết. Một nhà động vật học khẳng định: “Chó là loại động vật thông minh, trung thành nhất. Con người khi bần hàn, ốm yếu, bạn bè có thể bỏ nhưng chó thì luôn bên ta và chúng chấp nhận bảo vệ ta, tài sản ta…”.

Ở Nhật, người ta còn dựng bức tượng bằng đồng để tưởng niệm một chú chó, xem như biểu tượng lòng trung thành.

Chú chó tên Hachiko, hàng ngày nó ra nhà ga tiễn chủ đi làm và chiều nào cũng đón chủ cùng về. Một hôm, người chủ đột ngột qua đời tại nơi làm việc, nhưng ngày 2 buổi đúng giờ người ta thấy chú chó Hachiko đến nhà ga đón chủ suốt gần 10 năm trời ròng rã, cho đến khi gục chết tại nhà ga.

Năm 2013, Liên minh Động vật Châu Á (ACPA) được thành lập, mục đích bảo vệ và chấm dứt nạn buôn bán, trộm cắp chó. Thịt chó trở thành món ăn khoái khẩu với nhiều người nhưng cũng là nỗi ám ảnh, bất hạnh của chủ nuôi và chưa kể người ăn có nguy cơ về sức khỏe.

Bên cạnh đó, khâu giết mổ chó cũng rất dã man, như dìm nước, đập đầu, bắn súng chĩa, dây thòng lọng, tẩm bã độc,… Tại một số nước như Thái Lan, Hong Kong , Đài Loan đều nghiêm cấm buôn, bán thịt chó với mọi hình thức.

Ở ĐBSCL, nguồn thịt chó cung cấp cho các quán nhậu hầu hết đều từ trộm cắp của người dân nuôi và trộm chó đã trở thành vấn nạn. Chó là động vật nuôi giữ nhà, chúng mất đi sẽ kéo theo những tài sản khác cũng bị đe dọa, khiến người dân thêm lo lắng.

Trước nạn trộm cắp chó đang hoành hành, chính quyền địa phương đã tăng cường tuần tra, người dân làm cổng rào an ninh. Tuy nhiên, nạn trộm chó cũng không giảm, bởi nguồn thu nhập bất chính hấp dẫn, nên bọn chúng bất chấp pháp luật.

Một vấn đề nữa, là đa số công an xã- thị trấn khi bắt được đối tượng trộm chó thì xử lý phạt tiền rồi thả ra về, do giá trị tài sản không đủ định lượng truy tố hình sự. Bởi thế, người dân không khỏi bức xúc và khi bắt được bọn trộm chó, có khi họ đánh trước rồi mới báo công an sau.

Theo ACPA, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 con chó nhập lậu từ các nước lân cận về Việt Nam làm thịt.

Trước tình trạng bệnh dại có nguy cơ bùng phát, Cục Thú y đã yêu cầu các tỉnh biên giới cần tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, phòng chống việc vận chuyển kinh doanh chó và thịt chó nhập lậu.

Ngoài ra, Cục Thú y còn yêu cầu các tỉnh tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh dại, tính phi pháp hoặc vận chuyển, chó mèo lậu cũng như biện pháp phòng chống đến cộng đồng.

Bài, ảnh: NGỌC THUẬN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh