Nỗi lo TNGT ở đường nông thôn

11:03, 05/03/2014

Ngày nay, các tuyến đường nông thôn đã được bê tông hóa, nhựa hóa ngày càng nhiều, rẽ đi khắp các thôn xóm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn nông thôn liên tục gia tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Ngày nay, các tuyến đường nông thôn đã được bê tông hóa, nhựa hóa ngày càng nhiều, rẽ đi khắp các thôn xóm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn nông thôn liên tục gia tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Khi sửa chữa đường liên ấp, liên xã, đơn vị thi công không để biển báo công trình.

Vụ va chạm giao thông xảy ra vào lúc 13 giờ 50 phút chiều ngày 5/2 tại đoạn đường đan thuộc ấp An Thành (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn). Anh Nguyễn Văn Tiếp (SN 1960), điều khiển môtô biển số 64F1-021.44 trên đường đi chúc tết bà con về đến đoạn đường nói trên do không chú ý quan sát và không giữ khoảng cách an toàn với phương tiện cùng chiều phía trước nên khi môtô biển số 52HA-7622 của anh Dương Mộng Bảo (SN 1971, ngụ khu phố 2, thị trấn Trà Ôn), đang chạy cùng chiều phía trước dừng lại thì anh Tiếp đã không kịp “trở tay”, để xe tông thẳng vào phía sau xe anh Bảo. Hậu quả vụ va chạm làm cả 2 bị thương và 2 xe bị hư hỏngrất nặng.

Vụ lái môtô đâm vào người đi bộ xảy ra vào lúc 13 giờ 45 phút ngày 1/2/2014, tại hương lộ ấp Mỹ Lợi (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn). Theo hồ sơ vụ việc, anh Cao Vũ Hải (SN 1983, ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), sau khi uống rượu đã điều khiển môtô biển số 64T2-1738 trên đường về nhà.

Do không làm chủ được tốc độ và tay lái nên đã để xe tông vào người đi bộ ven đường là bà Quách Thị Tuyết (SN 1939, cùng ngụ tại địa phương), làm bà bị thương nhẹ. Riêng anh Hải bị thương rất nặng, phải đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP Cần Thơ tốn chi phí hàng chục triệu đồng.

Theo ban ATGT các địa phương, nguyên nhân trước hết là do hiểu biết pháp luật về trật tự ATGT của người dân còn hạn chế, chưa tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tỷ lệ người vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn cao, nhất là người điều khiển môtô, xe máy.

Trong khi đường giao thông nông thôn được mở rộng, nâng cấp bê tông hóa, nhựa hóa nhưng thiếu hệ thống biển báo và thiết bị ATGT, tầm nhìn tại những điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây trồng… Mặt khác, lực lượng bảo đảm trật tự ATGT còn rất mỏng…

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, cùng với việc đẩy nhanh, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng nông thôn mới, những tuyến đường nông thôn ngày một phát triển và được nâng cấp, mang lại bộ mặt khang trang cho các vùng quê đồng thời mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhất là trong vận chuyển hàng hóa, nông sản, thực phẩm… đi buôn bán, trao đổi.

Đường tỉnh, đường huyện, xã… thông suốt phục vụ vận chuyển hàng hóa dễ dàng cho khu vực nông thôn, song không nên vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh chở quá khổ, quá tải rất nguy hiểm thế này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn, trong đó có tình trạng điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức, chưa chấp hành đúng các quy tắc đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường.

Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông trên khắp các tuyến đường nông thôn thì không thể, có chăng là chỉ tập trung ở những tuyến đường chính, đông dân cư. Đây là một nỗi lo rất cần được chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm đúng mức.

Khi lưu thông trên đường, chúng ta vẫn còn thấy đây đó những trường hợp cố tình vi phạm như: không đội nón bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy; chở quá số người quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu; đã sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ quy định…

Những lỗi vi phạm đó đều là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT và hậu quả do TNGT
để lại!

Nhằm đảm bảo tốt tình hình trật tự ATGT ở những cung đường nông thôn, thời gian qua, công an các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phân công bố trí cán bộ cảnh sát giao thông chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các tuyến đường tỉnh, hương lộ trên địa bàn, kịp thời phát hiện, nhắc nhở cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó đã kéo giảm đáng kể các vụ vi phạm xảy ra.

Riêng đối với các tuyến quốc lộ đi ngang qua địa bàn nông thôn theo Thông tư số 65 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ: Đối với đoạn quốc lộ đi qua thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, nếu cảnh sát giao thông huyện phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông như: chạy xe lạng lách đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng; đua xe trái phép; đi ngược chiều đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển môtô, xe gắn máy chở quá số người quy định; điều khiển, ngồi trên môtô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội nón bảo hiểm thì được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật để hỗ trợ tuần tra kiểm soát giao thông cũng như xử lý đối với những hành vi còn lại chỉ có cảnh sát giao thông tỉnh mới được thực hiện.

Nhưng các đoạn quốc lộ này lại là nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, nguy cơ tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nhằm khắc phục hạn chế đó, vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt- Công an tỉnh, đã khẩn trương xây dựng kế hoạch chủ động phân công cán bộ phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tổ chức tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến đường này, nhằm mục đích đảm bảo ATGT cho những vùng nông thôn.

Song song đó là việc khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng các công trình và biển báo hiệu giao thông đường bộ để có hướng báo cáo, đề xuất các ngành chức năng nhanh chóng duy tu, sửa chữa cũng như kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua, nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho những tuyến đường nông thôn.

Đại tá Thái Văn Bền- Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt cho biết: Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt-Công an tỉnh, cũng vừa tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với công an các địa phương tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến quốc lộ đi qua khu vực thành phố, thị xã, thị trấn… Cụ thể là phân công cán bộ phòng kết hợp với cảnh sát giao thông huyện- thị- thành để giữ trật tự ATGT.

Theo thống kê toàn quốc, trong 2 tháng đầu năm, TNGT khu vực nông thôn chiếm gần 30% số vụ TNGT đường bộ. Riêng tỉnh Vĩnh Long, tai nạn và va chạm giao thông đường bộ xảy ra trên đường tỉnh, đường huyện, liên ấp… chiếm hơn 63% tổng số vụ.


Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh