Mới 12 tuổi, N.H.A. đã bỏ… ghe đi “bụi”. Ngày lang thang, đêm ngủ ở công viên và xem trộm cắp là nguồn nuôi sống bản thân. Cứ thế, A. lớn lên với bề dày “thành tích… trộm” và tương lai mịt mờ như đêm tối.
Mới 12 tuổi, N.H.A. đã bỏ… ghe đi “bụi”. Ngày lang thang, đêm ngủ ở công viên và xem trộm cắp là nguồn nuôi sống bản thân. Cứ thế, A. lớn lên với bề dày “thành tích… trộm” và tương lai mịt mờ như đêm tối.
Lúc chào đời, có lẽ A. không là niềm mong chờ của cha mẹ nên ký ức tuổi thơ trong A. là một chuỗi ngày buồn. Cha chối bỏ, mẹ mải mê với những cuộc tình “chóng đến rồi đi” nên A. và 4 anh em “cùng mẹ, khác cha” không có được sự quan tâm, dạy dỗ từ đấng sinh thành nói chi là đến trường học hành như chúng bạn.
Cuộc sống nghèo khó với từng ấy người sống chen chúc trong chiếc ghe nhỏ lênh đênh khắp nơi nên anh em A. “một chữ bẻ đôi” cũng không biết. Những lúc mẹ đưa anh em A. đến neo ghe tại bến sông cầu Lộ (TP Vĩnh Long) để đi bán vé số, A. và đứa em kế lên bờ lượm phế liệu bán kiếm tiền và thường lân la đến những điểm cờ bạc chờ “các cô chú” sai vặt để được nhận tiền thừa mua cơm, nước, thuốc hút,… Lớn thêm một chút, A. không chịu được cảnh ngột ngạt dưới ghe nên bỏ đi “bụi” khi mới 12 tuổi.
Ban ngày, A. đến “chờ việc” ở các sòng bạc, không ai gầy sòng thì lang thang cùng đám bạn “bụi đời choai choai” đi trộm cắp. Có tiền, tối A. vào các tiệm “net” vừa chơi game, vừa nghỉ qua đêm. Không tiền thì ra công viên, vỉa hè ngủ tạm. Cứ thế, A. lớn lên mà không biết ngày mai sẽ ra sao, kể cả mình đã bao nhiêu tuổi A. cũng không biết.
Do đó, mỗi khi A. và đám bạn “ăn trộm” bị bắt, cơ quan chức năng không có cơ sở xử lý nên chỉ giáo dục, răn đe rồi thả. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ trộm với giá trị tài sản “lần sau cao hơn lần trước” do A. và đồng bọn thực hiện trên địa bàn TP Vĩnh Long, cơ quan điều tra Công an TP Vĩnh Long đã trưng cầu giám định tuổi A. để xử lý.
Kết luận số 1566/C54B ngày 30/7/2013 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh xác định thời điểm tháng 7/2013, A. có độ tuổi từ 16 năm 6 tháng đến 17 tuổi. Vậy là những vụ trộm đủ định lượng xử lý hình sự do A. thực hiện trong thời gian này đã bị Công an TP Vĩnh Long khởi tố.
Tại phiên tòa sơ thẩm vào sáng 6/11/2013 tại TAND TP Vĩnh Long, xét xử hành vi trộm xe đạp, trong đó có một túi xách đựng 8 nhẫn vàng 24K và 3,4 triệu đồng (tổng trị giá hơn 77,5 triệu đồng) do A. lấy cắp, ông N.H.T. (cha A.) được triệu tập đến tòa với tư cách người giám hộ cho bị cáo. Nhưng suốt buổi xét xử, ông T. luôn tỏ ra khó chịu khi HĐXX hỏi đến.
Ông T. bảo: “Hồi đó, tôi đi cải tạo, mẹ nó có bầu sinh ra nó (bị cáo A.- PV) nên từ nhỏ nó không ở với tôi, mà tôi cũng không coi nó là con. Hổm rày, hết công an rồi tòa án mời hoài. Mai mốt có gì kêu mẹ nó chứ đừng kêu tôi nữa”.
Trước khi HĐXX vào nghị án, hỏi: “Ông là người giám hộ cho bị cáo có ý kiến gì không?” Ông T. cũng lắc đầu không một lời xin giảm nhẹ tội cho A. như nhiều bậc cha mẹ khác, làm những người dự khán có mặt tại tòa đều ngỡ ngàng. Còn A. đưa mắt nhìn cha rồi cúi đầu, đôi mắt đỏ hoe. Không biết A. khóc vì bị cha chối bỏ hay khóc vì những tháng ngày sắp tới sẽ phải thụ hình án phạt tù ở một nơi xa xôi nào đó.
Sau khi bị HĐXX tuyên 1 năm 6 tháng tù giam tội “Trộm cắp tài sản”, hơn một tháng sau, A. tiếp tục ra tòa cùng 6 bị cáo khác trong vụ án “Trộm và tiêu thụ đồ gian”. Do mẹ A. cũng bị khởi tố trong vụ án này nên TAND TP Vĩnh Long đã triệu tập ông T. đến giám hộ cho A. nhưng, phiên tòa đã bị hoãn vì ở phần thẩm tra lý lịch bị cáo, ông T. thẳng thắn từ chối “A. không phải con tôi”.
Cha từ chối, mẹ không thể giám hộ nên TAND TP Vĩnh Long đã mời cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến giám hộ cho A. tại phiên tòa được mở lại không lâu sau đó. Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long cũng chỉ định luật sư đến bào chữa cho A. và “đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt vì A. có hoàn cảnh đáng thương hơn trách”.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ và nguyên nhân khiến A. phạm tội cùng những chứng cứ liên quan khác, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên phạt A. 1 năm tù giam, tổng hợp bản án 1 năm 6 tháng tù giam trước đó, buộc A. phải chấp hành chung là 2 năm 6 tháng tù giam.
Đây quả là quãng thời gian khá dài đối với một thiếu niên mới bước vào tuổi 17 như A. Nhưng biết đâu, chính những tháng ngày sống trong trại giam, được giáo dục, cải tạo tốt, A. sẽ nhận ra đâu là tốt xấu để khi trở về sống có ích hơn.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin