Lợi dụng sự mất cảnh giác của chị Nguyễn Thị Lan Phương (SN 1970, xã Tân Hạnh- Long Hồ), Huỳnh Văn Công (SN 1974, xã Trung An- Vũng Liêm) ra tay cướp vé số. Trên đường bỏ chạy, hắn còn quay lại vẫy tay… chào bị hại. May mắn cho chị Phương, lúc này người đi đường đã truy đuổi và cùng với công an tuần tra vây bắt được tên cướp, trả lại cho chị 108 tờ vé số.
Lợi dụng sự mất cảnh giác của chị Nguyễn Thị Lan Phương (SN 1970, xã Tân Hạnh- Long Hồ), Huỳnh Văn Công (SN 1974, xã Trung An- Vũng Liêm) ra tay cướp vé số. Trên đường bỏ chạy, hắn còn quay lại vẫy tay… chào bị hại. May mắn cho chị Phương, lúc này người đi đường đã truy đuổi và cùng với công an tuần tra vây bắt được tên cướp, trả lại cho chị 108 tờ vé số.
Bị cáo Huỳnh Văn Công.
|
Ngày 2/12/2013, TAND huyện Long Hồ đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo Công về tội “Cướp giật tài sản”. Phiên tòa rất đông người đến dự và phần lớn là những người bán vé số. Họ đến dự khán với tâm trạng bức xúc và muốn được tận mắt nhìn kẻ bất lương bị pháp luật nghiêm trị.
Bởi chúng cướp vé số là cướp số tiền mồ hôi, công sức của người lao động nghèo phải vất vả phơi nắng đội mưa mới có, có khi còn lâm vào cảnh nợ nần nhiều năm. Thời gian qua, tình trạng cướp vé số, lừa đổi vé số trúng giả xảy ra khá nhiều, đẩy không ít người nghèo khó vào cảnh khốn cùng.
Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Long Phước) nói trong tâm trạng phẫn nộ: “Tui bán vé số hơn 1 năm nay, bị bọn cướp giật 3 lần, hết sạch vốn, phải nợ nần. Chúng là những thanh niên khỏe mạnh, nhưng không lo làm ăn mà đi cướp của người bán vé số nghèo khổ, nhẫn tâm cướp vé số của cả người già, khuyết tật, nên cần xử lý nghiêm…”
Bị cáo Công trước vành móng ngựa có lẽ vì xấu hổ với mọi người nên luôn cúi đầu, thỉnh thoảng quay lại nhìn như muốn bị hại tha thứ. Bị cáo lập bập trả lời thẩm vấn và cho rằng muốn kiếm tiền để trả nợ.
HĐXX hỏi: “Bị cáo là thanh niên khỏe mạnh sao không lao động để có tiền trả nợ?” Bị cáo Công ấp úng: “Tại… tại…” rồi không trả lời thành câu.
Chị Phương trình bày lại sự việc: “Hôm đó, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 5/9/2013, tui nhận vé số của đại lý rồi đi dọc theo QL53 bán. Đến khu vực ấp Phước Ngươn A (xã Tân Hạnh- Long Hồ), một thanh niên (Công) dừng xe lại hỏi dò vé số. Sáng sớm có khách sang trọng mở hàng nên cũng mừng trong bụng vì hôm nay sẽ mua may, bán đắt, đâu nghĩ hắn ta là kẻ cướp.
Anh ta ngồi trên xe dò vé số và cầm xấp 108 tờ vé số rồi giả làm rớt 1 tờ xuống đường nhờ tôi lượm lên dùm. Trước đây, cũng có một lần bị giật vé số nên tôi rất cảnh giác, lấy chân kẹp tờ vé số lên, hắn ta bất ngờ rồ ga chạy xe hướng Trà Vinh. Hắn ta chạy xe đi còn quay mặt lại vẫy tay chào như trêu ghẹo tôi nữa. Vụ việc xảy ra nhanh quá, tôi chỉ kịp hô lên “cướp, cướp…”.
Lúc này, may mắn có nhiều người đi đường đuổi theo cùng với Công an thị trấn Long Hồ đang tuần tra, bắt được hắn ta. May là trong túi hắn còn nguyên 108 tờ vé số. Hôm đó, mà không bắt được hắn, gia đình tui ăn cháo thay cơm, còn gánh thêm nợ nần…”
Chị Phương còn cho biết, vì gia đình nghèo, 2 vợ chồng cùng đi bán vé số sống qua ngày và đã 3 lần bị bọn cướp giật vé số. Mỗi lần bị giật phải thiếu nợ đại lý và đến nay vẫn chưa trả hết. Chị Phương yêu cầu tòa xử lý nghiêm đối với bị cáo Công mới đủ sức giáo dục, răn đe, để người nghèo làm nghề bán vé số bớt lo bị giật.
Theo nhận định của HĐXX, vụ án cướp giật tài sản, giá trị không lớn (hơn 1 triệu đồng) nhưng hành vi của bị cáo Công táo bạo, nguy hiểm ảnh hưởng đời sống của người nghèo bán vé số.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Công 3 năm tù tội “Cướp giật tài sản” và quyết định tịch thu chiếc xe gắn máy của Công dùng đi cướp sung vào công quỹ nhà nước. Một mức án nghiêm khắc và cũng là lời cảnh báo những đối tượng cướp giật. Tuy nhiên, người dân bán vé số cũng cần cảnh giác cao với những thủ đoạn cướp giật tương tự.
Thường mục tiêu của bọn cướp giật là người già, phụ nữ, người khuyết tật bán vé số. Thủ đoạn của chúng đi xe gắn máy và khi dò vé số vẫn để máy xe chạy. Khi người bán vé số lơ là, mất cảnh giác là chúng cướp rồi rồ ga chạy mất. Chiêu lừa đổi vé số trúng giả được chúng cạo dán rất tinh vi khó nhận ra và giá trị trúng giải vài trăm ngàn đồng. Thường đợi gần đến giờ xổ số, người bán vé số tranh thủ mời khách là chúng đổi vé số trúng và hứa sẽ mua hết vé số. Người bán vé số sơ ý, thiếu kiểm tra là sụp bẫy, đến khi phát hiện ra vé số giả thì chúng đã cao chạy xa bay…
|
Bài, ảnh: NGỌC THUẬN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin