Bia, rượu và... tai nạn giao thông!

02:12, 04/12/2013

Tình hình giao thông ngày càng phức tạp do số lượng phương tiện giao thông tăng đột biến nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của một số người dân còn hạn chế. Trong đó, việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông là việc làm hết sức nguy hiểm.

Tình hình giao thông ngày càng phức tạp do số lượng phương tiện giao thông tăng đột biến nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của một số người dân còn hạn chế. Trong đó, việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông là việc làm hết sức nguy hiểm.

Quan sát các tuyến đường trong tỉnh hiện nay cho thấy số hàng quán bán rượu, bia khá nhiều và thực khách ra vào các hàng quán này… luôn tấp nập. Bên cạnh đó là các lễ tiệc gia đình như cưới hỏi, ma chay, sinh nhật… luôn có sự hiện diện của rượu, bia.


Thường những người uống rượu say chở 3, không đội NBH chạy lạng lách bất chấp nguy hiểm đến tính mạng mình và người khác. Đôi khi còn chống người thi hành công vụ khi bị xử phạt về trật tự ATGT (ảnh minh họa).Ảnh: H.U


Và sau các bữa tiệc rượu, bia là biết bao hệ lụy, thường dễ thấy nhất đó là cảnh lái xe “bất cần đời”, vừa gây cản trở giao thông, vừa gây hoang mang, lo lắng cho những người khác đang cùng tham gia giao thông trên đường.

Tháng 4/2013, một vụ TNGT đã xảy ra tại đường vào xã Long Phước (Long Hồ) làm 2 người chết và 1 người bị thương nặng mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện đã uống rượu say điều khiển phương tiện lấn sang trái đường gây ra tai nạn. Hậu quả để lại sau vụ tai nạn hết sức lớn và không có gì bù đắp được vì đây là vụ án “không khởi tố” do người trực tiếp gây ra tai nạn cũng đã tử vong.

Chiều 17/8, Phạm Hữu T. (SN 1996, ngụ ấp Bình Tịnh A, xã Hòa Tịnh- Mang Thít) cùng nhóm bạn ngồi uống rượu tại một quán ăn ở đầu đường vào xã Hòa Tịnh (Khóm 1, thị trấn Long Hồ). Đến khoảng 22 giờ 30, T. lái môtô biển kiểm soát 64M1-2046 chở bạn là Tống Minh N. (SN 1992) chạy về hướng xã Hòa Tịnh để tìm chỗ đi vệ sinh.

Do đã uống rượu say nên T. đã để xe tông thẳng vào lan can cầu Hòa Tịnh. Sau cú va chạm mạnh, T. tử vong ngay tại chỗ, N. bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Đây cũng là một vụ án “không khởi tố” vì bị hại cũng chính là người gây ra tai nạn!

Cả 2 vụ tai nạn nói trên đều để lại những đau thương, mất mát cùng những hậu quả nặng nề mà nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia say gây ra. Bên cạnh thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng thì các trường hợp chấn thương sau tai nạn thường rất khó điều trị do nạn nhân đang trong tình trạng say rượu, không làm chủ được bản thân, không chịu hợp tác với nhân viên y tế.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Vũ– Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết trong tổng số ca bị TNGT phải vào cấp cứu ở bệnh viện thì có đến hơn 25% người bị tai nạn đã có uống rượu bia, những trường hợp này thường không chịu hợp tác với bác sĩ và nhân viên y tế gây khó khăn cho quá trình cấp cứu; mặt khác do tác động của rượu, bia nên rất khó chẩn đoán đúng hiện trạng sức khỏe dẫn đến hiệu quả cấp cứu và điều trị bị hạn chế, gây nguy hiểm cho người bệnh.

Xác định mức độ phức tạp và nguy cơ dẫn đến TNGT khá cao của việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, mới đây Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật giao thông của cán bộ, nhân viên, học sinh thuộc ngành mình.

Những lực lượng làm công tác đảm bảo ATGT như: thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an các xã- phường- thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát, khi phát hiện các trường hợp sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn vượt mức quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì phải xử lý nghiêm theo luật định.

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân vi phạm còn bị thông báo lỗi vi phạm về đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý để có hình thức giáo dục và xem xét thi đua cuối năm.

Thực tế trong giao tiếp, quan hệ ngày nay, đôi lúc việc sử dụng rượu, bia là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trước những hệ lụy không mong muốn mà rượu, bia đem lại như vừa nêu trên, mong rằng mọi người cần quan tâm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của chính mình và của mọi người mà không lạm dụng rượu, bia, nhất là khi tham gia giao thông.

Cần cương quyết “Không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia”. Hiện nay, phương tiện phục vụ giao thông đã rất đa dạng, mọi người có thể lựa chọn phương tiện phù hợp với điều kiện, khả năng, yêu cầu của mình để đi lại khi trong người đã có men rượu đểđảm bảo an toàn cho chính mình và những người khác cùng tham gia giao thông trên đường, lại không sợ bị vi phạm pháp luật.

“Đã uống rượu, bia thì không lái xe”- đó là khẩu hiệu hành động mà mọi người chúng ta cần quan tâm thực hiện để tránh những thiệt hại đáng tiếc từ hiểm họa TNGT do rượu, bia gây ra.

MINH TẤN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh