Vĩnh Long có 4 tuyến sông đường thủy nội địa quốc gia là sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Măng Thít với tổng chiều dài 149km; đồng thời có 25 tuyến sông nội tỉnh với tổng số có 84 bến khách ngang sông đang hoạt động thường xuyên.
Vĩnh Long có 4 tuyến sông đường thủy nội địa quốc gia là sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Măng Thít với tổng chiều dài 149km; đồng thời có 25 tuyến sông nội tỉnh với tổng số có 84 bến khách ngang sông đang hoạt động thường xuyên.
Mặc dù Nghị định 93/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực nhưng hành khách qua sông vẫn chưa thực hiện mặc áo phao. Ảnh: HÙNG HẬU
|
Ngày 10/5/2012, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT quy định về việc trang bị và sử dụng phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Ngày 20/8/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa và có hiệu lực từ ngày 15/10/2013, để mọi người ý thức chấp hành mặc áo phao khi qua đò, bến khách ngang sông.
Mức xử phạt đối với hành khách và chủ phương tiện bến khách ngang sông theo Nghị định 93/2013/NĐ- CP, như sau:
Điều 54. Vi phạm quy định về vận chuyển người, hành khách
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000- 100.000đ đối với người sử dụng phương tiện không có động cơ sức chở đến 12 người để vận chuyển người, hành khách có một trong các vi phạm sau đây:
a) Không bố trí chỗ ngồi cho người, hành khách; để người, hành khách đứng trên phương tiện hoặc có hành vi khác làm mất an toàn của phương tiện; để người, hành khách ngồi trên mui hoặc hai bên mạn của phương tiện;
b) Xếp người, hành khách, hàng hóa, hành lý, xe đạp, môtô, xe máy, phương tiện khác làm nghiêng lệch phương tiện hoặc che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện;
c) Không có nội quy an toàn hoặc không phổ biến nội quy an toàn, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn cho người, hành khách trên phương tiện;
d) Chở động vật nhỏ mà không nhốt trong lồng, cũi hoặc chở động vật lớn cùng với người, hành khách trên phương tiện;
đ) Không có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định.
Điều 55. Vi phạm của hành khách
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000- 100.000đ đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện.
2. Phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
3. Phạt tiền từ 200.000- 500.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách;
b) Gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a khoản 3 điều này.
Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải còn quy định: chủ bến, thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện có quyền từ chối chở những hành khách không chấp hành mặc áo phao và đeo dụng cụ nổi khi đi qua phương tiện vận tải bến khách ngang sông.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là bến khách ngang sông, trong thời gian tới từng bước đi vào ổn định và chủ động phòng ngừa án và TNGT có thể xảy ra, Phòng Cảnh sát đường thủy lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Đồng thời kết hợp các lực lượng, tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời chủ bến, thuyền trưởng và người điều khiển phương tiện; đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trên tỉnh nhà.
CÔNG TẶNG (Đội trưởng Đội 2- PC68 CAVL)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin