Ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) hàng hải và đường thủy nội địa.
Ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) hàng hải và đường thủy nội địa.
Phương tiện chở khách ngang sông, bến khách ngang sông, bến khách trong lòng hồ, tàu khách du lịch, nhà hàng nổi, tàu cao tốc cần được quản lý chặt chẽ để ngăn chặn TNGT. Ảnh: HÙNG HẬU
|
Để ngăn chặn các vụ TNGT hàng hải, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, đặc biệt là các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn kết cấu hạ tầng, điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển và vận tải đường thủy nội địa, công tác đăng kiểm an toàn kỹ thuật, đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho các chức danh trên tàu.
Siết chặt các điều kiện về an toàn trong hoạt động vận tải bằng tàu cao tốc, đặc biệt là tàu cao tốc cánh ngầm, đồng thời có quy định cụ thể về niên hạn sử dụng tàu cao tốc.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý vận tải, đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, đăng ký, đăng kiểm tàu biển, phương tiện vận tải thủy nội địa; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với chủ tàu, chủ phương tiện không thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm theo quy định, để xảy ra tai nạn hàng hải, đường thủy nội địa nghiêm trọng; chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa tuyệt đối không cho phép tàu, thuyền xuất bến khi chủ tàu không tuân thủ các quy định về an toàn và các quy định khác của pháp luật.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các sở giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị quản lý, khai thác cảng, bến, luồng tàu, phương tiện trong vận tải hàng hải và đường thủy nội địa; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát việc bảo đảm an toàn đối với các công trình hàng hải và đường thủy nội địa đang khai thác và thi công.
Xử lý nghiêm vi phạm, đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không thực hiện quy định về bảo đảm an toàn; để xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại các công trình đang thi công; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động trong công tác quản lý, bảo đảm ATGT hàng hải và đường thủy nội địa.
Chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT hàng hải và đường thủy nội địa trong mùa mưa bão, lũ, nhất là an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông, bến khách ngang sông, bến khách trong lòng hồ, tàu khách du lịch, nhà hàng nổi, tàu cao tốc.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với thanh tra giao thông và lực lượng biên phòng, huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh tuần tra lưu động, tập trung xử lý vi phạm liên quan đến phương tiện thủy nội địa có nguy cơ gây tai nạn cao như: chở quá tải, quá số người theo quy định, vi phạm quy định về trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa…
Bộ, ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra công vụ và tổ chức kiểm tra các đơn vị, cán bộ công chức thuộc lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải, giao thông đường thủy nội địa, đánh bắt thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong thực thi công vụ, đặc biệt là những trường hợp tiếp tay, bao che, dung túng các sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng…
HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin