Nhùng nhằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

07:10, 16/10/2013

Ký hợp đồng đặt cọc tiền chuyển nhượng đất, giá trị cả tỷ đồng, nhưng các điều khoản lại nhùng nhằng, không rõ ràng dẫn đến tranh chấp. 2 bên kiện nhau ra tòa và cả 2 bên đều chịu thiệt.

Ký hợp đồng đặt cọc tiền chuyển nhượng đất, giá trị cả tỷ đồng, nhưng các điều khoản lại nhùng nhằng, không rõ ràng dẫn đến tranh chấp. 2 bên kiện nhau ra tòa và cả 2 bên đều chịu thiệt.

Theo trình bày của 2 ông Lê Công Thạnh và ông Lê Minh Hoàng (bên A): Vào ngày 12/12/2012, 2 ông có ký hợp dồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 418 (giá 1 triệu đồng/m2) và thửa 419 (giá 500.000 đ/m2) thuộc tờ bản đồ số 2 (ấp Tân Thạnh, xã Tân Quới- Bình Tân) với bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh và ông Nguyễn Hữu Đức (bên B) tại Phòng Công chứng số 2 (tỉnh Vĩnh Long).

Theo bản hợp đồng, phía bà Thanh và ông Đức đồng ý chừa phần đất rộng 5m làm đường đi và phải làm các thủ tục đo đạc tách thửa theo yêu cầu chuyển nhượng.

Sau đó, phải lập các thủ tục chuyển nhượng cho ông Hoàng và ông Thạnh; nếu bên B không làm các thủ tục trên, cố tình trì hoãn hay thay đổi ý định chuyển nhượng vì bất cứ lý do gì thì phải bồi thường gấp đôi số tiền đặt cọc (1 tỷ đồng).

Tuy nhiên trong đơn phản tố, ông Đức và bà Thanh cho rằng, 2 người không phải là vợ chồng. 2 thửa đất trên là tài sản của ông Đức, còn bà Thanh chỉ đứng tên dùm nên trong hợp đồng đặt cọc có tên ông Đức là không đúng chủ thể giao dịch. Đối với phần đất rộng 5m làm đường đi, ông Đức cho rằng khi thỏa thuận cả 2 bên không xác định được ở vị trí nào.

Ngoài ra, ông Đức và bà Thanh cứ đinh ninh rằng phần đất trên có hình chữ nhật nhưng khi đo đạc thì có hình tứ giác, điều này sẽ làm tổn thất quyền lợi của ông, bà. Vì thế, ông Đức và bà Thanh yêu cầu ông Hoàng và ông Thạnh tiếp tục thương lượng.

Ý kiến về đơn phản tố của bị đơn, ông Thạnh và ông Hoàng cho rằng, khi ký hợp đồng, ông Đức và bà Thanh là người có đủ năng lực và hành vi, cả hai bên đã trực tiếp thỏa thuận và đến phòng công chứng xác định đây là tài sản chung do bà Thanh đứng tên (trong đơn phản tố, ông Đức cũng thừa nhận điều này). Việc ông Đức có tên trong hợp đồng là sự tự nguyện.

Như vậy chủ thể trong hợp đồng là hoàn toàn đúng. Riêng phần đất rộng 5m làm đường đi, cả hai phía đã đến Phòng Tài nguyên và môi trường Bình Tân yêu cầu tách thửa, khi đo đạc đã thống nhất sẽ nằm cập ranh đất của ông Hoàng và ông Thạnh.

Sau khi xem xét các tài liệu và chứng cứ, HĐXX TAND huyện Bình Tân xác định hợp đồng đặt cọc thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trong hợp đồng cũng ghi rõ, từ ngày hợp đồng được cơ quan thẩm quyền chứng nhận thì bên B phải tiến hành thủ tục tách thửa và chuyển nhượng. Bên B không thực hiện là vi phạm hợp đồng.

Về đơn phản tố của bị đơn cho rằng phần đất trên là tài sản riêng của ông Đức, bà Thanh chỉ đứng tên sở hữu nên ông Đức tham gia vào hợp đồng là không đúng chủ thể giao dịch thì không có căn cứ để chấp nhận, vì đây chỉ là hợp đồng đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Mặt khác, ông Đức cũng thừa nhận việc bà Thanh đứng tên dùm ông trong hợp đồng là do ông bà tự giải quyết. Bên A cũng không có lỗi làm nhầm lẫn nội dung hợp đồng.

Vì thế, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thạnh và ông Hoàng, buộc bà Thanh và ông Đức có nghĩa vụ liên đới trả cho ông Thạnh và ông Hoàng 1 tỷ đồng.

Theo HĐXX, đây là hợp đồng dân sự và thường xảy ra tranh chấp do người dân thiếu am hiểu pháp luật, chưa nghiên cứu kỹ các điều kiện trong hợp đồng, cũng như không lường trước được những phát sinh mà vội vàng đặt bút ký. Đến khi xảy ra tranh chấp phải kiện tụng thì thiệt cả đôi bên. Qua vụ việc này, người dân khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản cần tìm hiểu kỹ luật hoặc nhờ luật sư tư vấn.


TRUNG HƯNG- HOÀI NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh