Long Phước đón người lầm lỗi trở về

09:10, 10/10/2013

Thực hiện mô hình “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật được đặc xá, tù, trường, trại được tha về sớm hòa nhập cộng đồng và xã hội”, tháng 7/2012, xã Long Phước (Long Hồ) thành lập BCĐ do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Trưởng Công an xã làm phó ban trực và các ban ngành đoàn thể cùng tham gia.

Thực hiện mô hình “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật được đặc xá, tù, trường, trại được tha về sớm hòa nhập cộng đồng và xã hội”, tháng 7/2012, xã Long Phước (Long Hồ) thành lập BCĐ do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Trưởng Công an xã làm phó ban trực và các ban ngành đoàn thể cùng tham gia.

Từ đó đã kéo giảm được tình trạng vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự an ninh tại địa phương, nhất là tránh được tình trạng tái phạm.

Qua thống kê, toàn xã có 53 đối tượng vi phạm pháp luật học tập cải tạo tốt trở về địa phương sinh sống, trong đó 29 người được tạo điều kiện có việc làm ổn định, còn 10 người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Riêng trong năm 2012 có 21 đối tượng, Công an xã Long Phước đã tạo điều kiện giúp đỡ xác nhận hồ sơ cho 6 người có việc làm ở các công ty xí nghiệp, ổn định cuộc sống.

Khó nên phải chung tay

Long Phước là xã giáp ranh với Phường 4 (TP Vĩnh Long), từ đó lĩnh vực kinh tế tăng trưởng nhanh, văn hóa- xã hội phát triển. Song, một số phần tử nơi khác đến tụ tập băng nhóm hoạt động về đêm gây mất an ninh trật tự (ANTT); tệ nạn xã hội, các loại tội phạm cũng theo đó phát triển theo.

Công an xã thường xuyên đến nhắc nhở giáo dục người vừa tái hòa nhập cộng đồng.


Trước tình hình trên, Đảng ủy xã tiến hành xây dựng Nghị quyết lãnh đạo, xây dựng mô hình “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật được đặc xá, tù, trường, trại tha về sớm hòa nhập cộng đồng và xã hội”, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới; đồng thời cảm hóa giáo dục đối tượng nhằm quản lý và giúp đỡ họ trở thành công dân có ích cho xã hội và tạo điều kiện giúp họ hòa nhập cộng đồng, không còn mặc cảm với xã hội.

Các ngành, đoàn thể cũng tham gia tạo điều kiện giúp đỡ họ có việc làm, đời sống ổn định, không tái phạm.

Bước đầu, BCĐ phòng chống tội phạm xã lập tờ trình và được BCĐ cấp huyện phê duyệt. Từ đó, UBND xã ra quyết định thành lập BCĐ Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật được đặc xá, tù, trường, trại tha về sớm hòa nhập cộng đồng và xã hội, lập kế hoạch thực hiện, giao cho các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục cảm hóa đối tượng theo lĩnh vực của từng đoàn thể.

Trong số 21 người trở về từ đầu năm 2012 thì BCĐ đã giao 2 đối tượng cho Hội Phụ nữ xã; 14 đối tượng cho Đoàn thanh niên; 5 đối tượng cho Hội Nông dân để trực tiếp quản lý và giáo dục, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện kế hoạch, các ngành, đoàn thể thường xuyên tiếp cận người được đặc xá, tù, trường, trại tha về ở từng địa bàn khu dân cư, gần gũi động viên, giáo dục họ nhận thức, suy nghĩ và có việc làm chân chính, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chính sách ở địa phương cũng như tìm hiểu cuộc sống của từng người khi họ trở về để giúp đỡ có việc làm ổn định cuộc sống, kể cả tinh thần cũng như vật chất, thường xuyên.

Trưởng Công an “dám làm dám chịu”

Thượng tá Nguyễn Văn Năm- Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp (Công an Vĩnh Long) phấn khởi: Long Phước là mô hình nổi trội nhất tỉnh về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong đó kế hoạch cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật được đặc xá, tù, trường, trại tha về sớm hòa nhập cộng đồng là mô hình điểm của toàn tỉnh.

 “Phải nói xã Long Phước thực hiện không phải thực hiện chỉ trên văn bản, mà thực sự là có thực lực, thực tế và hiệu quả”- Thượng tá Nguyễn Văn Năm khẳng định.

Ông Phạm Văn Nhựt- Trưởng Công an xã, Phó Trưởng BCĐ trực xã Long Phước cho biết: Được sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, UBND xã và sự tham gia của các đoàn thể với những việc làm tích cực như thường xuyên tiếp cận, gần gũi động viên, nhắc nhở và giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, không mặc cảm với xã hội, đến nay chúng tôi đã tạo điều kiện giúp đỡ cho 29/53 trường hợp có việc làm ổn định ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Còn những người chưa có việc làm và hoàn cảnh khó khăn thì vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất, như 20 trường hợp được giúp với số tiền 8.000.000đ giúp họ tạm thời vượt qua khó khăn trước mắt. Từ đó, họ bớt mặc cảm và làm ăn lương thiện, không tái phạm…

Tuy nhiên, cái trăn trở của xã hiện nay là làm sao Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn để giải quyết việc làm cho họ có cuộc sống ổn định và bền vững. “Có trường hợp chúng tôi giới thiệu những công ty cần người cho họ đến xin việc, có trường hợp họ tự tìm. Đến khi làm hồ sơ xin việc, tôi xác nhận lý lịch và đều không ghi có tiền án tiền sự, vì sợ công ty không dám nhận cũng như tránh sự kỳ thị của mọi người, đặc biệt là sự mặc cảm của người vừa được tha tù trở về. Từ đó đã giúp được nhiều người có việc làm ổn định. Đối với người có tiền án thì mình biết để theo dõi giáo dục chứ bị kỳ thị thì họ dễ tái phạm lắm. Vừa qua, Tổng cục 8- Tổng cục Thi hành án, hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) đến kiểm tra mô hình của xã, có người không đồng tình với cách xác nhận lý lịch của tôi, nhưng qua giải trình có tình có lý nên Tổng cục trưởng thống nhất với cách làm của tôi để tạo điều kiện cho người lầm lỡ làm lại cuộc đời”- ông Phạm Văn Nhựt chia sẻ.

Với cách nghĩ và “dám làm dám chịu” như thế của Trưởng Công an xã mà tình hình ANTT địa phương dần ổn định hơn và đến nay người tái hòa nhập cộng đồng không tái phạm, lo làm ăn ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Thu Cúc (SN 1965, ấp Phước Trinh A) can tội mua bán ma túy, chấp hành án phạt tù 1 năm 8 tháng, hết hạn về địa phương ngày 18/6/2011, tâm sự: “Khi trở về địa phương, bản thân tôi thấy mặc cảm với xã hội, thấy công an đến nhà là rất sợ. Thế nhưng từ khi cán bộ công an và đoàn thể đến tiếp xúc gần gũi, tận tình động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất tôi mới thấy không còn mặc cảm như trước đây, nhất là với công an”.

Theo đoàn công tác đến ấp Long Thuận, gặp anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1982) nhà ở cặp QL53. Đến nơi anh Sơn còn đang lúi húi sửa xe cho khách. Ngừng tay, anh Sơn kể, anh phạm tội tiêu thụ đồ gian (mua xe trộm cắp, bán lại) bị kết án 18 tháng tù giam vào năm 2010, đến năm 2012 được tha về. Từ đó, đến nay tiếp tục làm nghề sửa xe, vợ bán quán cà phê, thu nhập vợ chồng cũng đủ trang trải cho gia đình.

Vì mua xe trộm bán kiếm lời nên phạm tội. Lúc mới về cũng không dám đi đâu vì mặc cảm, nhưng công an xã và hội nông dân đến động viên, nhắc nhở, cứ vài tháng một lần đến thăm. Nhờ vậy, em không còn e ngại mà mở lại tiệm sửa xe làm ăn đàng hoàng. Từ nay không mua bán xe nữa, được giáo dục giờ em biết rồi!”- anh nói. Chia tay Sơn, tôi thấy trong mắt anh có niềm hy vọng ở ngày mai.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh