Hành trang khi lăn bánh

05:10, 23/10/2013

Chỉ là những vật dụng nhỏ nhẹ nhưng chúng sẽ hỗ trợ đắc lực cho người lái và hành khách trên mỗi hành trình. Ngoài những hiểu biết nhất định về kỹ thuật ôtô, một người lái xe cần trang bị cho mình những vật dụng cơ bản để có thể ứng phó với những sự cố điển hình nhất.

Chỉ là những vật dụng nhỏ nhẹ nhưng chúng sẽ hỗ trợ đắc lực cho người lái và hành khách trên mỗi hành trình. Ngoài những hiểu biết nhất định về kỹ thuật ôtô, một người lái xe cần trang bị cho mình những vật dụng cơ bản để có thể ứng phó với những sự cố điển hình nhất.

1. Bộ tháo lắp lốp: Đây là trang bị theo xe của bất kỳ một chiếc xe nào khi xuất xưởng. Nếu mua lại xe đã qua sử dụng, cần kiểm tra đầy đủ, hoặc nếu mất thì cần mua sắm (cần chú ý kích cỡ bu-lông và độ cao gầm để mua loại phù hợp). Hãy tập tháo lắp lốp để có thể xử lý nhanh chóng khi có tình huống xảy ra.

2. Áp suất lốp và lốp xe dự phòng: Hãy kiểm tra áp suất bánh xe dự phòng định kỳ và bổ sung thêm hơi nếu cần. Một chiếc đồng hồ đo áp suất lốp là thiết bị không bao giờ thừa đối với người sử dụng ôtô và xe máy.

3. Bộ vá dùi: Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, bộ vá dùi sẽ cứu cánh khi lốp xe bị thủng do bị dính đinh hoặc những vật nhọn cỡ nhỏ tương tự trong khi lốp dự phòng đã được sử dụng, hoặc xe không có lốp dự phòng.

4. Bơm lốp đa năng: Áp suất lốp không đúng tiêu chuẩn có thể ảnh hưởng rất lớn đến vận hành xe, khiến xe mất ổn định khi vào cua, làm cho lốp mòn không đều và tăng mức tiêu hao nhiên liệu. Hãy tìm vị trí ghi áp suất lốp trên xe để bơm cho chuẩn.

5. Dây câu bình ắc-quy: Trường hợp xe bị hết điện và không thể khởi động được, bộ dây câu sẽ phát huy tác dụng khi có một bình ắc-quy khác hỗ trợ (có thể từ một xe khác hoặc ắc-quy dự phòng). Chú ý kẹp lần lượt để nối các cực âm, rồi tiếp đó thận trọng kẹp các cực dương giữa 2 ắc- quy một cách chắc chắn trước khi khởi động xe. Khi tháo thì cần làm ngược lại, tức là tháo cực dương trước.

6. Găng tay bảo hộ lao động: Khi cần thao tác với các dụng cụ, kiểm tra chi tiết nào đó trong khoang động cơ khi còn nóng hoặc tháo lốp xe dọc đường, găng tay sẽ giúp bảo vệ đôi tay khỏi bụi bẩn, khỏi bị bỏng hoặc tránh bị vật nhọn cào xước da.

7. Biển cảnh báo (hoặc cọc tiêu mini): Khi cần dừng xe khẩn cấp ven đường để xử lý một sự cố nào đó, ngoài việc bật đèn tín hiệu khẩn cấp thì người lái cần đặt các vật cảnh báo bổ sung. Hãy đặt biển cảnh báo hoặc cọc tiêu ở vị trí cách đuôi xe khoảng 15m. Nếu chẳng may sự cố xảy ra ở vị trí khuất tầm nhìn mà xe không thể di chuyển đến vị trí khác, hãy đặt cọc tiêu tại vị trí mà các xe có thể thấy từ xa, khoảng cách phụ thuộc vào tốc độ mà các xe thường di chuyển qua vị trí đó.

8. Bình cứu hỏa mini: Thiết bị này được bán rộng rãi ở các trung tâm phụ tùng và đồ chơi ôtô với giá chỉ khoảng 150.000đ. Sẽ chẳng lái xe nào mong có dịp phải sử dụng đến, nhưng nó sẽ là thiết bị cứu nguy trong những tình huống nguy hiểm. Hãy để thiết bị này ở vị trí thuận tiện xung quanh ghế lái, để người lái có thể lấy ra nhanh nhất. Hãy cẩn thận kẻo bình bị lăn trong khoang để chân của ca-bin khi đang lái xe.

9. Dây cáp + moóc thép: Khi bị sa lầy mới nghĩ đến thiết bị này thì đã muộn. Phòng trường hợp xe bị sập xuống hố ga, trượt bánh trên đường trơn hoặc sa lầy trong cát,… thì đây chính là vật để người lái có cơ sở để nhờ các xe khác kéo giúp.

10. Đèn pin: Khi di chuyển trong đêm, một sự cố về đèn pha hay gì đó dưới gầm xe có thể sẽ khiến người lái lúng túng. Một chiếc đèn pin cũng không chiếm nhiều không gian bên trong hộc đựng găng tay.

11. Túi cứu thương: Bao gồm những vật dụng cần thiết cho việc sơ cứu, một số loại thuốc cơ bản, cồn sát trùng, thuốc sát trùng, dầu gió,… Bộ túi cứu thương không chỉ dùng khi đi xa, mà còn có thể đề phòng cho việc sử dụng trong gia đình.

12. Can nước hoặc vài chai nước sạch: Ở rất nhiều nơi, việc tìm kiếm một nguồn nước sạch dọc đường là điều hết sức khó khăn. Trong khi đó, người lái xe có thể rất cần trong một số tình huống như bổ sung nước làm mát khẩn cấp, rửa tay khi cần, rửa đèn pha khi bị bắn bùn bẩn...

13. Khăn bông: Một hoặc vài chiếc khăn bông sẽ rất hữu ích trong mọi lúc, chẳng hạn như để lau bụi bẩn trên nệm ghế, lau gương khi đi trời mưa, lau những vết bẩn cứng đầu trên kính lái mà gạt mưa không thể làm sạch, lau bụi hay bùn bẩn bám ở chi tiết gì đó trên xe trước khi xử lý một sự cố liên quan đến chúng như các bu-lông bánh xe, nắp đậy chân van, la-zăng lắp lốp dự phòng đặt dưới gầm,..

H.H (theo Autocar Vietnam)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh