Ông Phạm Văn Thâm và ông Nguyễn Văn Lùng cùng ngụ ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ) có chung ranh đất vườn. Trước đây, 2 người là láng giềng tốt “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng sau này vì đất đai tranh chấp họ dứt đi tình làng nghĩa xóm.
Ông Phạm Văn Thâm và ông Nguyễn Văn Lùng cùng ngụ ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ) có chung ranh đất vườn. Trước đây, 2 người là láng giềng tốt “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng sau này vì đất đai tranh chấp họ dứt đi tình làng nghĩa xóm.
Vụ việc kéo dài nhiều năm chính quyền địa phương hòa giải cũng nhiều lần nhưng không thành, cuối cùng họ kiện nhau ra tòa án.
Theo đơn kiện của ông Thâm, vào năm 1970, gia đình có khai phá phần đất bãi bồi thửa 77, diện tích 397m2 và thửa 79, diện tích 2.148m2 tọa lạc tại ấp An Long. Năm 2004, UBND huyện Long Hồ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) 2 phần đất trên.
Đến năm 2006, cán bộ địa chính xã đến cắm mốc ranh đất thì phát sinh tranh chấp. Ông Lùng lấn chiếm thửa 77, diện tích 176m2 và thửa 79 diện tích 929m2 (đất ông Lùng thửa 78 nằm giữa 2 phần đất của ông Thâm thửa 77 và 79). Thấy quyền lợi bị xâm chiếm bất hợp pháp nên ông Thâm kiện ông Lùng đòi đất.
Theo đơn phản tố của ông Lùng thì phần đất tranh chấp trên trước đây nằm trong bãi bồi trồng bần của gia đình, có diện tích 6.000m2. Từ năm 1977- 1978, Nhà nước lấy đất của ông chia lại cho những hộ khác canh tác. Tuy nhiên, do phần đất còn ngập nước sâu nên không ai canh tác, bỏ hoang.
Đến năm 1980, UBND xã An Bình đứng kê khai phần đất 6.000m2 và sau này, ông được giao canh tác 3.500m2. Năm 1990, ông Lùng đăng ký kê khai, UBND huyện Long Hồ cấp CNQSDĐ, nhưng diện tích chỉ 2.025m2, còn thiếu hơn 1.000m2 nằm ở giữa 2 thửa 77 và 79 của ông Thâm sử dụng.
Đến năm 2004, UBND huyện Long Hồ tiếp tục cấp CNQSDĐ phần đất còn thiếu và thời điểm đó phía ông Thâm cũng không có ý kiến gì. Ông Lùng còn đưa ra chứng cứ đã trồng nhiều loại cây lâu năm nằm trên phần đất tranh chấp và canh tác cho đến nay. Việc ông Thâm kiện đòi đất là không có cơ sở.
Qua xác minh, trước đây người đứng tên phần đất thửa 79 không phải là ông Phạm Văn Thâm mà là Phạm Văn Thành (do cán bộ địa chính tự ghi). Đến năm 2004, ông Thâm khai đăng ký trong bộ địa chính.
Tuy nhiên, qua rà soát lại phần đất tranh chấp, UBND huyện Long Hồ thừa nhận cấp CNQSDĐ thửa 77 và thửa 79 cho ông Thâm là chưa đúng trình tự thủ tục. UBND huyện Long Hồ cũng có quyết định thu hồi CNQSDĐ thửa 77 và thửa 79 cấp lại cho đúng như thực trạng cho 2 hộ đang canh tác.
Trong các buổi hòa giải và tại phiên tòa, ông Thâm không chứng minh gì thêm phần đất tranh chấp ở thửa 77 và thửa 79 là của mình.
Qua xác minh chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ và căn cứ vào lời khai của các nhân chứng tại phiên tòa, phần đất tranh chấp của ông Thâm là không có cơ sở. HĐXX quyết định không chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn là ông Thâm và chấp nhận yêu cầu của bị đơn là ông Lùng.
HĐXX quyết định công nhận phần đất tranh chấp thửa 77, diện tích 176m2 và thửa 79 diện tích 929m2 tọa lạc tại ấp An Long thuộc quyền sử dụng ông Lùng có sơ đồ giáp giới, kích thước kèm theo.
Cuối cùng vụ việc tranh chấp đất khá lâu giữa 2 người hàng xóm ông Thâm và ông Lùng cũng được tòa án giải quyết bằng pháp luật.
Đất đai là tài sản gắn liền với cuộc sống của người dân nông thôn, nên cần những ranh giới rõ ràng, giấy tờ hợp pháp. Thời gian qua, không ít trường hợp là xóm giềng, trong dòng họ, anh em… tranh chấp đất đai dẫn đến những vụ án nghiêm trọng.
HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin