Đã từ lâu, vấn đề ý thức và đạo đức của người tham gia giao thông luôn được đặt ra tại các cuộc hội nghị, hội thảo bàn về nguyên nhân để tìm giải pháp hạn chế tai nạn giao thông.
Đã từ lâu, vấn đề ý thức và đạo đức của người tham gia giao thông luôn được đặt ra tại các cuộc hội nghị, hội thảo bàn về nguyên nhân để tìm giải pháp hạn chế tai nạn giao thông.
Dạo quanh các đường phố nhất là những đoạn đường vắng bóng cảnh sát giao thông, gần như lúc nào ta cũng bắt gặp những hình ảnh chưa đẹp của các phương tiện tham gia giao thông. Cụm từ “Hình ảnh chưa đẹp” gần đây được báo chí sử dụng thường xuyên, thật ra đây là những trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông.
Vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại là hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông và không “văn hóa giao thông”.
|
Điều đáng trách là hiện nay khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mọi người đều đã được học tập, nghiên cứu các quy định của Luật Giao thông đường bộ, ai cũng biết chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu… là vi phạm, là nguy hiểm nhưng từng lúc, từng nơi vẫn có người vi phạm!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người tham gia giao thông vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, nhưng đa phần thường xuất phát từ thói quen và ý thức của mỗi người:
- Không chịu thua thiệt: Đây không phải là tính xấu vì nó khích lệ ý chí tự lực, tự cường của mọi người và xa hơn nữa là nó thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng đối với giao thông điều này lại chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không nhường đường, phóng nhanh, vượt ẩu… những nguy cơ hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông.
Ví dụ như khi gặp tình huống tắc đường thay vì các phương tiện phải dừng lại, nhường đường cho nhau tuần tự qua lại thì sẽ nhanh chóng giải tỏa được ách tắc.
Nhưng hiện nay thì ngược lại, khi gặp tình huống này mọi người lại cố gắng tìm mọi cách làm sao để phương tiện của mình có thể lách lên trước các phương tiện khác dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn.
Dễ thấy nhất là những trường hợp lái môtô trên đường, khi muốn chuyển hướng vào lề phải thay vì giảm tốc độ, quan sát trước sau thấy an toàn mới dần cho xe chuyển hướng thì người tham gia giao thông hiện nay lại không làm như vậy.
Điều khiển phương tiện đi ngược chiều dễ gây ra tai nạn giao thông và không “văn hóa giao thông”.
|
Khi phát hiện phía trước có môtô khác cùng chiều, muốn “quẹo phải” vào lề họ lại nhấn ga, tăng tốc vượt qua xe phía trước, sau đó mới “cúp đầu, quẹo cua”!
- Đơn giản hóa vấn đề: Trong cuộc sống khi đứng trước 1 tình huống cần giải quyết, mọi người thường lựa chọn phương án nhanh nhất, đơn giản nhất, ít tốn công sức, chi phí nhất để thực hiện. Khi tham gia giao thông nếu vẫn áp dụng thói quen này sẽ hết sức nguy hiểm và gây xáo trộn trật tự an toàn giao thông trên đường.
Lỗi này thường bắt gặp ở những trường hợp lái xe vào đường cấm, đường ngược chiều, dừng đỗ không đúng quy định, người đi bộ cố tình vượt qua dải phân cách để sang đường…
Vì ngại xa, ngại “mất công”… mọi người chọn con đường ngắn nhất mà theo họ là thuận tiện nhất để đi nhưng họ lại quên mất một điều là đối với họ thì làm như vậy là thuận tiện nhưng vô tình đã gây cản trở đến dòng lưu thông, đến các phương tiện khác và vi phạm luật giao thông!
Vấn đề đạo đức cũng thường được đặt ra đối với người tham gia giao thông và do có nhiều vi phạm xuất phát từ vấn đề đạo đức, trong cách cư xử với người cùng tham gia giao thông khác nên vừa qua cả nước phát động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông” để chấn chỉnh tình trạng đó nhằm hạn chế vi phạm, xem đây là giải pháp quan trọng để kéo giảm tai nạn và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
Đã có không ít trường hợp ngay sau khi xảy ra va chạm giao thông là những cuộc cãi vã thậm chí dẫn đến đánh nhau chỉ vì không ai chịu phần lỗi về mình. Người chứng kiến đôi lúc rất bất bình khi bắt gặp những trường hợp như người trực tiếp có lỗi trong vụ va chạm lại lớn tiếng chửi mắng người kia. Có khi nạn nhân đáng tuổi cha, chú nhưng người vi phạm cũng không kính nể.
Tại các chốt đèn tín hiệu giao thông vấn đề này thường xảy ra nhất. Những người chấp hành đúng quy định khi gần đến giao lộ phát hiện đèn xanh sắp hết thời gian chuẩn bị chuyển sang đèn đỏ thì họ cho phương tiện chạy chậm lại rồi dừng. Nhưng một số người khác thì không, phát hiện đèn sắp chuyển đỏ họ… tăng tốc (!) vượt qua.
Tại chốt bên kia vào thời điểm đó đèn chuẩn bị chuyển xanh, các phương tiện tại đây cũng “tranh thủ” vượt lên trước thế là 2 xe gặp nhau tại giao lộ và tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Đã gọi là tai nạn thì luôn mang yếu tố bất ngờ, khó tránh. Nhưng riêng tai nạn giao thông hiện nay lại không như vậy.
Có nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ nếu như những người trong cuộc trước đó có ý thức không vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và cư xử có văn hóa với nhau khi tham gia giao thông thì chắc rằng tai nạn đã không xảy ra.
Vì an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của chính mình và những người khác, mỗi người chúng ta phải thường xuyên nhắc nhau chấp hành đúng các quy định của Luật Giao thông đừng để sau khi xảy ra tai nạn mới nghĩ lại rồi chắc lưỡi….. “Nếu như…”
Bài, ảnh: HÙNG HẬU- KIẾN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin