Mướn người đòi nợ coi chừng... “mắc nợ”

12:08, 13/08/2013

“Thương trường như chiến trường”. Câu nói của người xưa đâu có sai. Ngày nay, có một số người lâm vào cảnh nợ nần do khách quan hay chủ quan, có người do làm ăn thua lỗ, có người do lười lao động, đi vay chỗ lãi suất thấp rồi cho vay chỗ lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch, rồi có người trốn nợ và nợ dây chuyền.

“Thương trường như chiến trường”. Câu nói của người xưa đâu có sai. Ngày nay, có một số người lâm vào cảnh nợ nần do khách quan hay chủ quan, có người do làm ăn thua lỗ, có người do lười lao động, đi vay chỗ lãi suất thấp rồi cho vay chỗ lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch, rồi có người trốn nợ và nợ dây chuyền.

Đôi khi có người là chủ nợ của người này nhưng lại là con nợ của người khác, có người có tiền nhưng hẹn trả dần; có người sợ thiếu nợ, chưa nhận hàng đã đòi trả tiền trước…

Ông N.- chủ cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng kể: Vợ chồng T. và M. đến mua vật tư cất nhà. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, trông họ khá “mốt” với mái tóc nhuộm vàng, đi xe Honda xịn...

Khi mua, họ hứa sẽ trả tiền sòng phẳng sau khi giao hàng nhưng được vài lần thì họ không trả tiền và hẹn. Ông N. điện thoại nhiều lần và phải đến tận nhà T. để đòi nợ nhưng T. lại hứa hẹn, thậm chí còn thề bán mạng và hẹn bán được nhà sẽ trả nợ.

Nhưng nhà bán xong thì họ trốn đi. Sau nhiều lần ông N. điện thoại, T. còn hẹn và đến trả, khi thì 1 triệu, khi thì 500 ngàn. Mặc dù số tiền không lớn (15 triệu đồng) nhưng T. nợ gần 1 năm nên ông N. cũng sốt ruột.

Một hôm có người kêu ông N. mướn người đòi nợ và ông đồng ý. Sau đó ông N. điện thoại gặp C. (người đòi nợ mướn) ở quán cà phê. Nhìn dáng vẻ của C. rất hì hợm, tóc hớt đầu đinh, hình xăm đầy trên tay, chân, cổ… ông N. không hài lòng nhưng lỡ rồi...

Lúc đầu C. ra điều kiện: đòi được nợ chia theo tỷ lệ 5- 5 và ông N. phải đưa trước số tiền đó để làm lộ phí đi đòi nợ (đổ xăng xe tìm con nợ, tiền nạp điện thoại...). Ông N. không đồng ý, cho rằng tỷ lệ 5- 5 là quá cao và nếu đưa trước số tiền đó mà không đòi được nợ thì tự nhiên phải mất thêm một số tiền nữa. Sau đó C. giảm tỷ lệ xuống còn 3- 7 (ông N. được 7 phần).

Hai bên hợp đồng miệng: ông N. đưa số điện thoại của con nợ tên T. cho C. và điện thoại cho T. là “Từ nay đã giao số nợ cho thằng em là C. lo, có tiền thì T. đưa trả cho C.”

Sau vài ngày bị C. đòi nợ, T. trả 1,5 triệu đồng cho C. và điện thoại báo cho ông N. biết. Ông N. nghĩ chắc vài ngày C. sẽ đưa tiền lại cho mình, nhưng không thấy nên ông N. điện thoại hỏi C. sao T. trả tiền mà không đưa lại cho ông. C. nói sẽ giao lại cho ông N. 800 ngàn đồng, nhưng sau đó chỉ đưa lại ông N. 400 ngàn đồng và nói “lỡ nhậu hết rồi”.

Khoảng 1 tuần sau, C. đến nhà ông N. kêu đưa toàn bộ phiếu nợ của T. để C. tự đi đòi nợ. Ông N. nói “để photo lại rồi đưa bản chính cho C.” và điện thoại cho T. biết. C. nói khỏi photo và cũng khỏi điện thoại cho T. Ông N. không đồng ý nên vụ mướn người đòi nợ kết thúc.

Ông N. nói nếu giao hết phiếu nợ của T. cho C. thì ai dám chắc khi đòi được nợ, C. không lấy luôn?

Thiết nghĩ đây là bài học cảnh giác cho những ai còn có ý định mướn người đòi nợ. Ở đây còn một điều đáng nói nữa là nếu như C. (người đòi nợ mướn) lỡ gây ra án mạng với T. (con nợ) thì ông N. cũng sẽ là người gánh chịu trách nhiệm trước pháp luật: bồi thường và còn có thể bị tù tùy theo tình tiết nặng hay nhẹ.

MAI XUÂN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh