Nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm

07:07, 31/07/2013

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống tội phạm 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 vào chiều 29/7. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành cần tìm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp ngăn chặn đà tăng của các loại tội phạm.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống tội phạm 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 vào chiều 29/7. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành cần tìm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp ngăn chặn đà tăng của các loại tội phạm.


Mô hình cổng an ninh trật tự ở xã Hựu Thành (Trà Ôn- Vĩnh Long) đạt hiệu quả cao trong phòng chống tội phạm.


Tội phạm diễn biến phức tạp

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng BCĐ 138 của Chính phủ, tình hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp. 6 tháng qua, phát hiện 28.482 vụ phạm pháp hình sự (tăng 6,05% so cùng kỳ).

Cả nước có 302 băng nhóm tội phạm, với 2.135 đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội. Những tổ chức tội phạm này tập trung chủ yếu ở các tỉnh- thành phố lớn và các khu vực giáp ranh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…

Nổi lên là tội phạm cướp giật tài sản tăng 7,96%, cưỡng đoạt tài sản tăng 26,15%, cố ý gây thương tích tăng 9,6%, trộm cắp tài sản tăng 2,93%. Tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án diễn ra nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến hoạt động thanh toán, trả thù lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm, lưu manh, côn đồ, thanh thiếu niên, xảy ra 89 vụ (62 vụ sử dụng vũ khí nóng).

Đã phát hiện việc sản xuất vũ khí trái phép trong nước để cung cấp cho các đối tượng phạm tội. Còn tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội có tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Trong đó, số vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau chiếm trên 10%. Bên cạnh còn xuất hiện tình trạng công khai rao bán trẻ sơ sinh trên mạng Internet.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán còn nhiều rủi ro, dễ bị tội phạm lợi dụng, tác động. Một số vụ có sự tham gia của cán bộ ngân hàng cấu kết với các doanh nghiệp để trục lợi, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Tội phạm môi trường lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất” hàng hóa để hoạt động.

Tội phạm ma túy, công nghệ cao, cờ bạc sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động. Điển hình là vụ bắt giữ 140 bánh heroin ở Bắc Giang và chuyên án 006N triệt phá 5 đường dây mua bán, vận chuyển trên 5 ngàn bánh heroin. Qua khảo sát, đã phát hiện 5.861 cơ sở kinh doanh dịch vụ, 9.741 nhân viên nghi hoạt động mại dâm, 957 đối tượng môi giới, 6.690 gái bán dâm chuyện nghiệp.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng qua, cơ quan điều tra đã khởi tố 142 vụ, 227 bị can vi phạm về trật tự xã hội. Nổi cộm là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nhìn thật khách quan thì hiệu quả phòng ngừa xã hội, nhất là việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm có tính chất xã hội chưa cao. Không ít vụ phạm tội diễn ra trong thời gian dài, chậm xử lý. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai hiệu quả, nhưng một số nơi người dân còn e ngại tố giác tội phạm vì sợ bị trả thù.

Về nguyên nhân tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng cho rằng, một phần cũng do sự chủ quan của ngành chức năng. Tuy nhiên, sự xuống cấp đạo đức xã hội, đề cao lối sống vật chất, xem thường pháp luật của một bộ phận người dân phải được lưu tâm chấn chỉnh.

Vì thế cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của nhân dân phòng chống tội phạm.

Nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình, các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ phòng chống tội phạm. Tiếp tục triển khai xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; hướng về cơ sở, chuyển hóa địa bàn, triển khai mô hình… đảm bảo công tác phòng chống tội phạm đạt hiệu quả.

Đấu tranh với các tội phạm nguy hiểm như: tội phạm có tổ chức, giết người, cướp tài sản… Kiên quyết không để tồn tại các băng nhóm xã hội đen. Công an, viện kiểm sát và tòa án cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm trật tự xã hội. Ngoài ra, phải thực hiện tốt công tác quản lý và tạo điều kiện để phạm nhân sau khi mãn hạn tù được hòa nhập cộng đồng, không tái phạm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phòng chống tội phạm, giữ bình yên cho nhân dân, xây dựng xã hội an toàn là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, mà lực lượng công an phải giữ vai trò nòng cốt”.


Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh