Ngày 1/7/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 chính thức có hiệu lực, quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm giáo dục, lao động và xã hội (thường gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm) chính thức được bãi bỏ.
Ngày 1/7/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 chính thức có hiệu lực, quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm giáo dục, lao động và xã hội (thường gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm) chính thức được bãi bỏ.
Đây là sự thay đổi trong phương thức quản lý hoạt động mại dâm, tập trung quản lý mại dâm từ “phần gốc”, tức là xử lý mạnh các đối tượng là chủ chứa, môi giới, buôn bán bắt ép phụ nữ hoạt động mại dâm. Đây mới là những đối tượng khiến hoạt động mại dâm biến tướng, diễn biến phức tạp.
Một vụ mua bán dâm bị bắt quả tang.
|
Tệ nạn mại dâm phức tạp
Việc bỏ quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm nhằm tạo điều kiện cho người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ can thiệp, giảm tác hại trong cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập vào đời sống xã hội.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, tệ nạn mại dâm đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp, mại dâm trá hình, mại dâm công nghệ cao… vẫn phức tạp. Ngoài ra, việc thiếu chế tài để xử lý đã gây khó khăn cho công tác bài trừ tệ nạn này.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 30 ngàn người bán dâm, trong đó số có hồ sơ quản lý là gần 14 ngàn người và khoảng 1 ngàn người hiện còn ở các trung tâm phục hồi nhân phẩm (từ thời điểm luật được công bố, không có thêm đối tượng hoạt động mại dâm nào được đưa vào các trung tâm này).
Những đối tượng có hồ sơ quản lý là những người bán dâm đã được phát hiện, xử phạt và đưa danh sách về địa phương quản lý. Phần lớn trong số đó tiếp tục quay lại đường cũ.
Điều này cho thấy, công tác quản lý và xử lý những đối tượng bán dâm còn lúng túng, thiếu đồng bộ, chỉ xử phạt hành chính rồi thả về, trong khi đó các biện pháp can thiệp trong cộng đồng thiếu và yếu nên hiệu quả không đạt như mong muốn.
Riêng Vĩnh Long, trong 6 tháng qua, Đội kiểm tra Liên ngành phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh (Đội kiểm tra Liên ngành 178) đã kiểm tra hành chính tại 66 cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, massage, karaoke, phát hiện 12 cơ sở vi phạm.
Qua đó đã cảnh cáo nhắc nhở 1 cơ sở, phạt tiền 10 cơ sở, chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 1 cơ sở do xảy ra hoạt động mại dâm. Ngoài ra, Đội kiểm tra Liên ngành 178 còn phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45)- Công an tỉnh triệt phá 3 tụ điểm, bắt 8 đối tượng có hành vi mua bán dâm.
Theo ông Trần Ngọc Lợi- Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Vĩnh Long, đây chỉ là bề nổi của hoạt động mại dâm, thực tế nó còn ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau như bán vé số, tiếp thị…
Người mua bán dâm có thể liên lạc qua điện thoại để hẹn “bãi đáp” nên rất khó kiểm soát. “Đáng báo động là hiện nay, một số cơ sở kinh doanh massage, gội đầu, cà phê… ngày càng nở rộ, một số chỉ đăng ký kinh doanh để làm vỏ bọc cho hoạt động mại dâm, kích dục, nhân viên các tụ điểm này sẵn sàng “tới bến” nếu “thượng đế” có nhu cầu”- ông Lợi lo lắng.
Cần có chế tài rõ ràng xử lý tệ nạn mại dâm
Hiện nay trên địa bàn Vĩnh Long có trên 1 ngàn cơ sở lưu trú, hơn 200 dịch vụ karaoke, 2 vũ trường, trên 40 cơ sở massage, hơn 700 quán nước giải khát. Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, đây là những ngành nghề kinh doanh rất dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
|
Ông Lợi cho biết, trước khi tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh có biểu hiện nghi vấn hoạt động mại dâm, thành viên trong đội kiểm tra liên ngành phải nắm tình hình, sau đó báo lại với chi cục làm kế hoạch trình Ban Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội duyệt, mới được tiến hành kiểm tra.
Ông Lợi cho rằng, chỉ phạt hành chính các đối tượng bán dâm là không có tính răn đe, giáo dục. Nếu bắt quả tang được hành vi bán dâm, khi lập biên bản xử phạt nhưng họ không có tiền nộp phạt thì cơ quan chức năng cũng không có chế tài nào bắt buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ.
Khi phát hiện vi phạm phải báo lại với thanh tra sở ngành quản lý ngành nghề kinh doanh có vi phạm, sau đó mới tiến hành xử phạt. “Bắt quả tang hành vi bán dâm nhưng không có chế tài xử lý, cũng không giữ họ được, phải hẹn họ vài ngày sau đến làm việc, nếu họ bỏ trốn thì sao xử lý được?”- ông Lợi đặt vấn đề.
Ngoài ra, công tác phối hợp liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương chỉ quan tâm phát triển kinh tế- xã hội.
“Một số nơi không nhận kinh phí tuyên truyền phòng chống tệ nạn mại dâm vì họ cho rằng như vậy chẳng khác nào tự nhận địa phương mình có tệ nạn, sẽ mất đi danh hiệu văn hóa”- ông Lợi cho biết.
Để phòng chống có hiệu quả tệ nạn mại dâm, ông Lợi cho rằng, trước hết cần có chế tài, cũng như tăng thẩm quyền xử lý, tránh chồng chéo giữa các ban ngành.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để kiểm soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện, có giải pháp kiên quyết trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của một số địa phương đối với công tác này. |
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin