Hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông (ATGT) đường bộ toàn cầu lần 2 của Liên Hợp Quốc với chủ đề “Nâng cao ATGT cho người đi bộ” (6- 12/5/2013), tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tích cực để đảm bảo ATGT.
Hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông (ATGT) đường bộ toàn cầu lần 2 của Liên Hợp Quốc với chủ đề “Nâng cao ATGT cho người đi bộ” (6- 12/5/2013), tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tích cực để đảm bảo ATGT.
Kết quả bước đầu đã góp phần ổn định tình hình trật tự ATGT. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo ATGT cho người đi bộ là vấn đề lâu dài và cần phải tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.
Ở các ngã ba, ngã tư, người đi bộ chú ý đi đúng vạch đường để đảm bảo an toàn. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
|
Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, ở nước ta, hàng năm số người đi bộ bị thiệt mạng chiếm khoảng hơn 14% trong tổng số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ nói chung. Trước đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người đi bộ với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Mới đây vào lúc 15 giờ 35, ngày 11/5/2013, Phạm Ngọc Quy (SN 1987, ngụ ấp Phú Mỹ, thị trấn Cái Tàu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển môtô 66N8-7489 đến đoạn Quốc lộ 80 thuộc ấp Mỹ Thuận (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) đã xảy ra tai nạn với người đi bộ là Phan Hoàng Phi Hùng (SN 1973, ngụ ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh- Long Hồ). Hậu quả vụ tai nạn làm Hùng bị thương rất nặng và tử vong khi đang cấp cứu tại Bệnh viện 121 (TP Cần Thơ).
Có thể nói phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra có liên quan đến người đi bộ là do người điều khiển các phương tiện cơ giới chủ quan, thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu gây ra. Chỉ cần để ý quan sát trên các tuyến đường nội thị là có thể nhận thấy điều đó.
Ngay cả những nơi có vạch sơn quy định dành cho người đi bộ qua đường thì nhiều người điều khiển xe cơ giới vẫn “bất chấp”, không hề giảm tốc độ để nhường đường cho người đi bộ.
Để ngăn ngừa tình trạng này, trong suốt Tuần lễ ATGT toàn cầu lần thứ 2, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đồng thời tăng cường tổ chức gần 400 cuộc tuần tra kiểm soát giao thông, với hơn 1.900 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Qua đó đã phát hiện, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính 1.051 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Tạm giữ 37 phương tiện, tước 97 giấy phép lái xe.
Vấn đề hành lang an toàn dành cho người đi bộ hiện nay cũng cần phải được báo động. Dạo quanh các ngả đường trong TP Vĩnh Long hiện nay, chúng ta thấy rất ít đoạn đường có vỉa hè đẹp và thông thoáng! Tại các địa phương, tình trạng họp chợ, bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn xảy ra nhiều.
Nhất là các chợ họp, nhóm tại các chân cầu, nơi mà hàng ngày có rất nhiều phương tiện qua lại với tốc độ cao hết sức nguy hiểm. Hàng hóa được bày bán, chào mời ra tận mặt đường, lấn đường và người đi bộ muốn đi qua… buộc lòng đi xuống lòng đường và vi phạm luật giao thông!
Thời gian qua, công an các huyện- thị- thành đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ mua bán ven các trục lộ cần ý thức không đặt hoặc treo biển hiệu làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, cũng như không bày hàng hóa lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ.
Thanh tra giao thông tỉnh cũng đã nhiều lần phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm hành lang an toàn dành cho người đi bộ và buộc cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ thì tình trạng bày hàng hóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tiếp tục tái diễn ở nhiều nơi.
Vấn đề này đang là bức xúc chung cho toàn xã hội, đòi hỏi các cấp hữu quan phải tăng cường nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi người cần ý thức hơn trong việc giữ gìn trật tự ATGT nói chung và vấn đề bảo đảm an toàn hành lang, vỉa hè đường bộ nói riêng.
Các ngành chức năng cũng cần tích cực xây dựng và thiết kế những phần đường dành riêng cho người đi bộ để đảm bảo an toàn.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ, trả lại sự thông thoáng, vẻ mỹ quan đô thị cũng như đảm bảo sự an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông.
Bên cạnh một số trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng trực tiếp đến người đi bộ, hiện vẫn còn một số người đi bộ thiếu ý thức, chủ quan trong quá trình tham gia giao thông, nhất là khi qua đường.
Vẫn còn đó những hình ảnh người đi bộ chủ quan “thản nhiên” đi lại giữa dòng xe cộ mà không hề có chút ý thức về việc tự bảo vệ cho chính mình hoặc các trường hợp cố tình vượt qua dải phân cách để qua đường rất nguy hiểm.
Đảm bảo an toàn cho người đi bộ nói riêng và đảm bảo ATGT nói chung là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, của toàn xã hội trước vấn nạn tai nạn giao thông đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ, gieo rắc bao đau thương mất mát.
Mọi người cần chung tay thực hiện nghiêm túc các quy tắc đảm bảo ATGT, mỗi người khi tham gia giao thông, dù là đi bộ cũng phải chấp hành nghiêm quy định về đảm bảo ATGT, luôn thận trọng, không chủ quan, phải biết tự bảo vệ cho chính mình và cho mọi người.
Theo Điều 15 Nghị định số 71 sửa đổi bổ sung Nghị định số 34 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng;
2. Phạt tiền từ 300.000- 500.000đ đối với trường hợp họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông và trường hợp chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5m2 làm nơi trông, giữ xe.
|
MINH TẤN (CAVL)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin