Thói quen xấu của người điều khiển môtô, xe máy

02:04, 03/04/2013

Ai cũng có thể đi được xe máy, nhưng không ít người điều khiển bằng chủ quan thay vì an toàn và đúng luật. Sự tùy tiện dần trở thành thói quen trong ứng xử giao thông khiến đường đã tắc lại càng tắc hơn.

Ai cũng có thể đi được xe máy, nhưng không ít người điều khiển bằng chủ quan thay vì an toàn và đúng luật. Sự tùy tiện dần trở thành thói quen trong ứng xử giao thông khiến đường đã tắc lại càng tắc hơn.

Ý thức kém là một trong những nguyên nhân gây ùn ứ, kẹt xe. Ai cũng biết! Ai cũng nói! Nhưng chẳng mấy người thực hiện, nhất là ở ngã ba, ngã tư nơi tập trung nhiều phương tiện.

Trong dòng xe cộ tham gia giao thông chúng ta thấy phần lớn là xe máy, loại xe thuận tiện mà hầu hết ai cũng điều khiển được trước khi lấy bằng. Như vậy một thực tế là ai cũng điều khiển được xe máy, nhưng chỉ theo thói quen mà mình tự học chứ không phải là lái xe an toàn và đúng luật.

Và chính cái thói quen tùy tiện đấy lâu dần thành ý thức chạy xe tùy tiện như ngày nay.

Tháo gương chiếu hậu hoặc sử dụng sai mục đích: Phải nói rất ít người sử dụng gương chiếu hậu của xe máy trừ phi đã từng lái ôtô. Lý do là lắp gương khác cho đẹp hoặc mốt và để đối phó với cảnh sát giao thông.

Không xi-nhan khi rẽ: Thói quen này phần lớn là từ việc đi xe đạp đưa lên xe máy với các bước đơn giản như sau: Lấn đường, vẫy tay và rẽ với cái lý “tôi đã xin đường” bất kể phía sau như thế nào. Có nhiều anh, chị, em vô tư rẽ ngay khi mới bật xi-nhan hoặc chuyển làn đột ngột và cắt ngay luồng giao thông gây ách tắc.

Lấn đường tùy tiện: Trong dòng xe cộ đông đúc, hàng ngày, nhất là đường đô thị, đa số người chạy tùy tiện, chạy sai làn đường, ở đường hai chiều chỉ có 2 làn xe nhưng cũng có nhiều người chạy lấn đường, bất chấp tai nạn giao thông. Lỗi này có chế tài trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, nhưng người điều khiển xe cũng không chấp hành.

Xe lớn đền xe nhỏ: Nhiều người còn cho rằng khi có tai nạn giao thông xảy ra thì xe lớn đền xe nhỏ. Đây là quan niệm hoàn toàn sai! Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ, phân biệt đúng sai của người tham gia giao thông, người nào điều khiển phương tiện không đúng quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông thì phải bồi thường và sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Đi ngược chiều: Đây là thói quen thường gặp nhất của người điều khiển môtô, xe máy. Ở những tuyến đường có dải phân cách thường thấy người điều khiển phương tiện đi ngược chiều “vô tư” và còn có người cứ dửng dưng không nhường đường cho phương tiện đi đúng chiều.

Thay vì đi đi đúng tuyến, đúng đường nhưng nhiều người không thực hiện, vì cho rằng đi như vậy xa hơn. Nhưng họ không nghĩ, lỡ xảy ra tai nạn thì… còn xa hơn nhiều.

Vì vậy, mọi người hãy tuân theo pháp luật về trật tự an toàn giao thông thường xuyên, liên tục sẽ thành thói quen, lâu hơn nữa sẽ biến thành ý thức, tất cả các quy tắc được thực hiện một cách tự nhiên, không hề gây cảm giác gò bó.

Để có được kết quả đó cần một quá trình tác động tương hỗ giữa cơ quan chức năng làm nhiệm vụ giám sát quản lý, và người dân trong vai trò thực hiện. Đội mũ bảo hiểm là một ví dụ điển hình cho quá trình này. Lúc mới ban hành quy định đội nón bảo hiểm đối với người đi xe máy, ai cũng phản đối dù biết nón bảo hiểm sẽ an toàn hơn cho chính họ.

Để quy định được thực thi, cơ quan chức năng ngoài việc làm gương ra đã tích cực kiểm tra, xử phạt nghiêm. Sau một thời gian thực hiện, người dân quen dần với việc đội nón bảo hiểm, mọi người hiểu được ý nghĩa, và bắt đầu nhắc nhau nếu thấy ai đó quên.

Bên cạnh việc bị nhắc nhở, xử phạt thì chính cảm giác lạc lõng, cô độc của những người cố tình vi phạm đã buột họ phải thay đổi. Như vậy ý thức đội nón bảo hiểm được hình thành chỉ sau 5 năm thực hiện.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh