Nhùng nhằng giấy tay chuyển nhượng quyền sử dụng đất

07:04, 18/04/2013

Khi đất còn hoang vu thì sẵn sàng cho người thân quen đến khai phá cất nhà ở. Sau này, họ chiết thửa chuyển nhượng cho nhiều hộ khác qua hợp đồng giấy tay không chứng thực của chính quyền địa phương hay đơn vị công chứng. Khi đất có giá trị, tranh chấp quyền sở hữu xảy ra và chuyện nhùng nhằng này phải nhờ đến pháp luật giải quyết. Kết quả, tòa phán quyết: hợp đồng chuyển

Khi đất còn hoang vu thì sẵn sàng cho người thân quen đến khai phá cất nhà ở. Sau này, họ chiết thửa chuyển nhượng cho nhiều hộ khác qua hợp đồng giấy tay không chứng thực của chính quyền địa phương hay đơn vị công chứng. Khi đất có giá trị, tranh chấp quyền sở hữu xảy ra và chuyện nhùng nhằng này phải nhờ đến pháp luật giải quyết. Kết quả, tòa phán quyết: hợp đồng chuyển nhượng đất qua giấy tay là vô hiệu.

4 hộ tranh chấp gồm Thạch Thị Hải, Thạch Văn Keo, Phan Văn Thắng và Nguyễn Thị Thu Hà đều ở ấp Trà Sơn (Hựu Thành- Trà Ôn).

Theo trình bày của bà Hải, khoảng năm 1976, được bà Thạch Thị Thớ (mẹ của Thạch Văn Keo) rủ cha của bà là ông Thạch Hum khai phá đất thuộc thửa 38, diện tích 1.220m2, tọa lạc tại ấp Trà Sơn hiện nay.

Năm 1990, bà Thớ qua đời, phần đất trên do ông Hum quản lý canh tác. Đến năm 1995, ông Hum cũng qua đời và phần đất do bà canh tác. Sau này, anh Keo đòi lại thửa 38 của mẹ mình là bà Thớ. Vì tình làng nghĩa xóm giữa 2 gia đình, bà trả lại cho anh Keo 720m2, còn lại 500m2 canh tác.

Phần đất này, bà chiết thửa chuyển nhượng cho anh Thắng 230,4m2. Sau đó, anh Thắng chuyển nhượng tiếp cho chị Hà 115,2m2. Giữa các bên chuyển nhượng chỉ làm thủ tục giấy tay không có chứng thực của Nhà nước. Với phần đất trên, anh Thắng, chị Hà đã xây dựng nhà kiên cố.

Khi xây dựng Đường tỉnh 907 đi ngang qua phần 500m2, các bên thỏa thuận anh Keo đứng tên nhận tiền bồi hoàn và anh Keo sẽ đưa giấy quyền sử dụng đất để làm thủ tục chuyển nhượng. Nay bà làm đơn yêu cầu anh Keo thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà.

Tuy nhiên, anh Keo khẳng định nguồn gốc phần đất 500m2 là của mẹ anh (bà Thớ) cho bà Hải cất nhà ở nhờ. Năm 1991, UBND huyện Trà Ôn cấp giấy quyền sử dụng đất cho ông đến nay. Bởi thế, anh yêu cầu bà Hải trả lại phần đất 500m2, ông Thắng và chị Hà phải tháo dỡ nhà xây dựng trả lại phần đất đang chiếm dụng.

Qua nghiên cứu các tài liệu, nguồn gốc của phần đất tranh chấp, thẩm vấn, tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định: Phần đất tranh chấp 500m2, tại thửa 38, tọa lạc ấp Trà Sơn (Hựu Thành) là của bà Thạch Thị Thớ để lại cho con trai là Thạch Văn Keo.

Năm 1991, UBND huyện Trà Ôn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Keo là đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nhà nước và nó vẫn còn giá trị pháp lý. Bà Hải không có đưa ra chứng cứ nào việc bà Thớ tặng phần đất trên cho mình.

Tuy nhiên tại tòa, anh Keo thỏa thuận cho bà Hải tiếp tục sử dụng 147m2 trong phần đất 500m2, nên HĐXX chấp nhận không đưa ra giải quyết.

Xét hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Hải- anh Thắng và anh Thắng- chị Hà không lập thành văn bản có chứng nhận của công chứng Nhà nước hay chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền mà chỉ làm giấy tay nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hải- anh Thắng và anh Thắng- chị Hà là vô hiệu.

Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định, bà Hải có trách nhiệm hoàn trả giá trị đất cho anh Thắng và anh Thắng cũng hoàn trả lại cho chị Hà. Anh Thắng và chị Hà có trách nhiệm hoàn trả giá trị đất cho anh Keo theo hội đồng định giá 120.000 đ/m2.

Hiện nay, chuyển quyền sử dụng đất trong dân khá phổ biến. Tuy nhiên nhiều người vì thân quen, trong dòng họ tin tưởng nhau chỉ hợp đồng qua giấy viết tay không thông qua chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, nên rất dễ xảy ra tranh chấp. Bởi thế khi người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai cần làm thủ tục đúng theo luật định.

HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh