Chủ kiện nhân viên bỏ việc nửa chừng

09:02, 05/02/2013

Thỏa thuận học nghề miễn phí 2 tháng và ở lại làm việc trong một năm rưỡi, nhưng mới nửa chừng nhân viên bỏ việc với lý do “lương không đủ sống” nên bị chủ kiện ra tòa.

Thỏa thuận học nghề miễn phí 2 tháng và ở lại làm việc trong một năm rưỡi, nhưng mới nửa chừng nhân viên bỏ việc với lý do “lương không đủ sống” nên bị chủ kiện ra tòa.

Chị N.T.T.D. ở phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) là chủ 2 cơ sở spa và cho thuê áo cưới ở TP Cần Thơ. Ngày 23/9/2011, chị T.D. gửi đơn đến TAND huyện Bình Minh khởi kiện nhân viên của mình là chị T.N.D. ở thị trấn Cái Vồn (Bình Minh- Vĩnh Long) đòi bồi hoàn chi phí học việc là 15 triệu đồng.

Trong đơn, chị T.D. trình bày: Cơ sở của chị nhận đào tạo nghề massage mặt và body cấp tốc miễn phí cho chị N.D. trong 2 tháng (từ 1/6- 1/8/2011) và thỏa thuận sau khi học xong, N.D. sẽ ở lại làm việc chính thức cho cơ sở spa của chị một năm rưỡi, được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của cơ sở.

Trong thời gian học việc, N.D. đã nhiều lần vi phạm nội quy và nghỉ quá số ngày quy định không báo trước. Đến ngày 20/7/2011, N.D. tự ý bỏ việc.

Chị đã nhiều lần tìm cách liên lạc nhưng không được nên đến trình báo với chính quyền địa phương nơi N.D. cư trú và tìm đến nhà N.D. nhưng gia đình N.D. không hợp tác nên chị kiện ra tòa.

Theo tờ tường trình ngày 17/2/2012, bị đơn N.D. thừa nhận: Chị làm thuê cho tiệm áo cưới của chị T.D. với công việc phụ trang điểm cô dâu, cho thuê đồ cưới, giặt áo cưới, phụ chụp hình, lương 1,2 triệu đồng/ tháng.

Làm được một tháng, chủ tiệm thấy chị năng nổ và bên tiệm spa đang thiếu nhân viên nên chị T.D. ngỏ lời đào tạo nghề massage mặt và body miễn phí cho chị, mỗi tháng sẽ hỗ trợ thêm 500.000đ, sau khi học xong sẽ ở lại làm việc cho spa một năm rưỡi, có làm hợp đồng thỏa thuận.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2011, khi lãnh lương thì chị T.D. trả cho chị có 800.000đ, bảo là hỗ trợ phụ bên spa 500.000đ và phụ bên tiệm áo cưới 300.000đ. Do chủ tiệm trả lương không như thỏa thuận, thu nhập không đủ sống nên ngày 25/7/2011, chị ngưng làm việc tại tiệm áo cưới và nghỉ học nghề ở spa.

Ngày 15/6/2012, chị N.D. đã gửi đơn phản tố đến TAND huyện Bình Minh, trình bày: Kể từ ngày làm tờ thỏa thuận học nghề (1/6/2011) đến ngày chị nghỉ việc (25/7/2011) là 1 tháng 25 ngày, chị chưa học xong massage mặt vì mỗi môn học là 3 tháng nên không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

Do chủ cơ sở spa và cho thuê áo cưới trả lương mỗi tháng có 800.000đ, so thỏa thuận ban đầu là 1,2 triệu đồng/tháng thì chị T.D. còn nợ chị phần chênh lệch trong gần 3 tháng (từ 1/5- 25/7/2011) là 1,8 triệu đồng nên yêu cầu chủ tiệm phải trả thêm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa, HĐXX nhận định: Xét chị T.D. có giấy chứng chỉ sư phạm dạy nghề và chứng chỉ nghề, có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và có quyết định công nhận cơ sở chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho phụ nữ.

Việc dạy và học nghề miễn phí giữa chị T.D. với chị N.D. có làm tờ thỏa thuận ghi rõ về thời gian đào tạo và số tiền đào tạo.

Thực tế, chị N.D. học nghề chưa hết 2 tháng như đã thỏa thuận, chưa được cấp chứng chỉ nghề nên chưa được xem là thành thạo nghề và hiện chị N.D. cũng không làm nghề massage mà đi phụ bán quán nước nên phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả khoản chi phí học nghề 15 triệu đồng là không có cơ sở.

Xét lời trình bày của chị T.D. đã trả lương đủ bên thuê áo cưới cho N.D. mỗi tháng 1,2 triệu đồng và hỗ trợ học nghề mỗi tháng 500.000đ, tiền bỏ vô bao thư và chị trực tiếp đưa cho N.D. không có làm giấy tờ, nhưng chị N.D. không thừa nhận.

Chị T.D. cũng không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh nên lời khai trên không được HĐXX chấp nhận.

Xét yêu cầu phản tố của chị N.D. đòi nguyên đơn trả phần tiền công làm thuê bên áo cưới còn nợ 1,8 triệu đồng là chưa có cơ sở. Bởi chị N.D. vào làm thuê bên tiệm áo cưới từ ngày 1/5/2011. Đến ngày 1/6/2011 mới ký thỏa thuận học nghề.

Thời gian chị học bên spa thì công việc bên làm thuê áo cưới không đủ vì chị vừa học, vừa làm nhưng chị T.D. đã trả tiền công làm thuê bên áo cưới 2 tháng bằng 1,6 triệu đồng nên yêu cầu phản tố của bị đơn là không có cơ sở.

Do đó, HĐXX TAND huyện Bình Minh đã tuyên bản án dân sự sơ thẩm, bác đơn yêu cầu của nguyên đơn đòi chị N.D. bồi hoàn chi phí học nghề 15 triệu đồng và bác yêu cầu phản tố của bị đơn đòi chị T.D. trả thêm số tiền lương 1,8 triệu đồng.

Riêng phần tiền hỗ trợ học nghề 500.000 đ/tháng, bị đơn không yêu cầu nên tòa không đặt ra xem xét.

Vậy là đôi bên chẳng được gì lại còn phải tốn khoản tiền án phí, tiền thuê luật sư bào chữa và sự “mất lòng” giữa chủ và nhân viên.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh