Ông kiện cháu vì tờ hợp đồng cho tài sản

11:12, 04/12/2012

Ông nội ký văn bản thỏa thuận cho cháu một nửa tài sản đang sở hữu, nhưng sau đó lại yêu cầu tòa hủy văn bản với lý do “không biết nội dung văn bản viết gì”, dẫn đến ông cháu tranh chấp phải nhờ tòa giải quyết.

Ông nội ký văn bản thỏa thuận cho cháu một nửa tài sản đang sở hữu, nhưng sau đó lại yêu cầu tòa hủy văn bản với lý do “không biết nội dung văn bản viết gì”, dẫn đến ông cháu tranh chấp phải nhờ tòa giải quyết.

Theo đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long ngày 2/5/2012, nguyên đơn là ông L.V.N. ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) trình bày: Ngày 3/2/2012, tại Văn phòng công chứng T.T., ông N. có ký văn bản thỏa thuận tặng phân nửa giá trị tài sản là căn nhà và đất tọa lạc trên đường Mậu Thân cho cháu nội là anh L.H.V. Tài sản này do ông N. đứng tên và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD). Nay ông N. yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận trên vì lúc ký, ông không biết nội dung văn bản viết gì. Ông N. còn cho biết thêm: Do ông không biết chữ, lại lảng tai nên hôm đó, anh V. chở ông đến phòng công chứng bảo ký giấy tờ làm GCNQSD đất, ông nghe vậy mới ký. Giờ biết được nội dung, ông N. không đồng ý cho anh V. số tài sản đã nêu trong văn bản.

Bị đơn L.H.V. thì trình bày: Năm 2009, ông N. có ủy quyền cho anh đại diện tranh chấp đòi tài sản và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông L.V.L. tại TAND TP Vĩnh Long. Lúc đó, ông N. có hứa tặng cho anh tài sản nếu anh đòi được nhà cho ông và anh đã tự bỏ chi phí để tham gia tố tụng. Đến cuối năm 2011 thì anh V. đòi được nhà cho ông N. bằng bản án số 110/2011/DSST ngày 8/12/2011. Sau khi bản án có hiệu lực, anh V. có yêu cầu ông N. thực hiện lời hứa trước đây, ông N. đồng ý nên anh và ông N. mới ra văn phòng công chứng ký văn bản thỏa thuận. Văn bản giữa anh và ông N. ký tại Văn phòng công chứng T.T. là hợp pháp nên không đồng ý hủy theo yêu cầu của ông N. Nếu tòa tuyên hủy văn bản trên thì ông N. phải trả lại cho anh chi phí tự bỏ ra để tham gia tố tụng trong vụ kiện đòi lại tài sản cho ông N. từ năm 2009- 2011 là 200 triệu đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự ngày 21/11/2012, đại diện nguyên đơn không thay đổi lời trình bày và cũng không bổ sung chứng cứ nào khác. Riêng bị đơn xin rút lại yêu cầu ông N. trả 200 triệu đồng chi phí tham gia tố tụng vụ kiện đòi lại tài sản cho ông N. từ năm 2009- 2011.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh V. khẳng định: Việc tặng cho tài sản giữa ông N. và anh V. là phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, vì anh V. đã có công đòi lại tài sản cho ông N. nên đề nghị HĐXX bác đơn khởi kiện của nguyên đơn đồng thời đưa Văn phòng công chứng T.T. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Vĩnh Long cũng cho rằng: Việc tòa không đưa Văn phòng công chứng T.T. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm thủ tục tố tụng, đề nghị hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra, tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định: Đây là tranh chấp “hợp đồng tặng cho tài sản” chứ không phải tranh chấp liên quan đến “yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” do công chứng vi phạm pháp luật. Thể hiện qua việc các bên đều thừa nhận hợp đồng tặng cho này là tự nguyện, công chứng viên cũng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng. Vì vậy, không cần thiết phải đưa Văn phòng công chứng T.T. vào tham gia tố tụng.

Xét đây là tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản, cụ thể là cho bất động sản: Theo quy định tại khoản 2 Điều 467 Bộ luật Dân sự thì hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Thực tế, sau khi thỏa thuận tặng cho tài sản, ông N. và anh V. chưa đi đăng ký. Vì vậy, việc ông N. không đồng ý cho anh V. tài sản và yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận là có căn cứ nên chấp nhận.

Riêng anh V. cho rằng, ông N. có hứa tặng cho anh phân nửa tài sản nhưng không có thành lập bằng văn bản và bên ông N. cũng không thừa nhận. Vì vậy, anh V. yêu cầu ông N. phải thực hiện thỏa thuận việc tặng cho và đăng ký quyền sở hữu tài sản ngày 3/2/2012 là không có căn cứ chấp nhận.

Do đó, TAND TP Vĩnh Long tuyên bản án dân sự sơ thẩm, hủy văn bản thỏa thuận về việc tặng cho và đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản ngày 3/2/2012 giữa ông N. và anh V.; công nhận sự tự nguyện của ông N. hỗ trợ cho anh V. 15 triệu đồng chi phí tham gia tố tụng trong vụ kiện đòi tài sản năm 2009.

Ông N. tuy không bị mất một nửa gia tài, nhưng tình cảm ông cháu thì khó có thể tìm lại được sự nguyên vẹn như xưa từ sau vụ tranh chấp này.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh