Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường (BLHĐ) nên muốn xóa tận gốc thực trạng này cần có giải pháp thích hợp và sự chung sức, chung lòng ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
>>Kỳ 1: Nhức nhối nạn bạo hành
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường (BLHĐ) nên muốn xóa tận gốc thực trạng này cần có giải pháp thích hợp và sự chung sức, chung lòng ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Số vụ BLHĐ ở TP Vĩnh Long giảm từ khi có bóng dáng công an trước cổng trường.
|
Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều phía
Thống kê từ các vụ BLHĐ cho thấy, phần lớn các em tham gia đánh nhau là học sinh (HS) cuối cấp THCS và THPT. Đây là lứa tuổi mà tâm sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Các em thực hiện hành vi bạo lực chỉ nhằm mục đích thỏa mãn lòng tự ái, sĩ diện chứ ít khi biết đến hậu quả. Do đó, nếu không nhìn nhận đúng nguyên nhân và có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì BLHĐ có nguy cơ lan rộng từ một vài điểm trường đến nhiều trường học với những hậu quả khó lường.
Ở Vĩnh Long, đa số các vụ BLHĐ xảy ra từ những lý do rất đơn giản như: nhìn mặt thấy ghét, va chạm lúc vui đùa quá trớn, nói xấu nhau qua diễn đàn hoặc tán gẫu trên mạng, một số do nghiện game dẫn đến hành hung, trấn lột tiền của bạn… “Do các em chưa nhận thức hết hành vi đúng, sai và thiếu khả năng kiềm chế nên có cách ứng xử không hay. Tuy nhiên, lỗi không hoàn toàn ở các em mà bắt nguồn từ nhiều phía, trong đó nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội”- thầy Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, khẳng định.
Tại các cuộc hội thảo về BLHĐ vừa qua, nhiều đại biểu cũng có cùng nhận định như thế và thực tế cũng đã chỉ rõ, hầu hết thanh thiếu niên tham gia vào các vụ BLHĐ là do không được gia đình quan tâm dạy dỗ chu đáo hoặc cha mẹ thiếu hiểu biết trong giáo dục con cái, đã nuông chiều thái quá, không gần gũi, sẻ chia nên không phát hiện những dấu hiệu bất thường của con. Trung tá Trần Văn Tiếng- Trưởng Công an Phường 8 (TP Vĩnh Long), cho biết: “Nhóm thanh thiếu niên đón đường hăm dọa, xin tiền HS trước Trường THCS Lương Thế Vinh trước đây, có một em là HS của trường, 3 em ở bên ngoài. Tất cả đều có chung một hoàn cảnh là cha mẹ bỏ nhau, các em ở với ông bà nhưng không được quản lý, dạy dỗ đàng hoàng nên thường tụ tập hít keo, chơi game và tham gia đón đường trấn lột tiền HS”.
Tại Phường 3, sau khi nhóm trấn lột của em N.V.Q. ở Trường THCS N.T. bị phát hiện, cơ quan chức năng mời gia đình những em này đến làm việc nhưng một số phụ huynh không thấy được sai trái của con mình, còn lớn tiếng bảo “ai biểu đưa tiền cho con tui chi”. Qua phân tích của các anh công an, họ mới nhận ra lỗi là không quản lý con chặt chẽ để các em sa vào con đường hư hỏng.
Bên cạnh việc khoán trắng con cái cho nhà trường dạy dỗ của không ít bậc cha mẹ, một nguyên nhân khiến BLHĐ gia tăng nhưng chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả đó là ảnh hưởng tiêu cực từ trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực trên mạng và những cảnh bạo hành trong gia đình, ngoài xã hội đã góp phần làm tăng thêm tính hung hãn, côn đồ ở trẻ. Trong khi đó, môi trường giáo dục ở nhà trường chưa thật sự hoàn thiện, nhiều nơi còn lỏng lẻo trong quản lý học sinh, không ít giáo viên chỉ hoàn thành công việc ở mức độ “giảng xong bài” chứ chưa quan tâm đến việc hình thành nhân cách HS, chưa có sự liên kết chặt chẽ với phụ huynh HS,...
Cần kết hợp tốt 3 môi trường giáo dục
Trước thực trạng BLHĐ gia tăng, những năm gần đây, một số trường học trên địa bàn TP Vĩnh Long đã chọn giải pháp kết hợp cùng lực lượng công an, bảo vệ dân phố tăng cường tuần tra, canh gác tại các điểm nóng quanh trường. Thầy Biện Công Tấn- Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, cho biết: Từ năm học 2007- 2008, trường ký hợp đồng với Công an Phường 8 thực hiện công tác giữ gìn an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng bạo lực trong và ngoài cổng trường. Theo đó, vào đầu mỗi buổi học và sau giờ tan học, cảnh sát khu vực cùng lực lượng bảo vệ dân phố túc trực trước cổng trường và các điểm nóng quanh trường ngăn chặn số đối tượng có hành vi trấn lột, kiếm chuyện bắt nạt, hành hung HS. Hàng tuần, Ban giám hiệu trường và công an phường đều thông tin cho nhau về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và những trường hợp HS có biểu hiện không bình thường để kịp thời ngăn chặn, không để các em bị lôi kéo vào con đường xấu.
Ngoài việc lập chốt, kiểm tra hàng quán xung quanh các trường, Công an Phường 8 cho biết còn mời số thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật trên địa bàn đến nhắc nhở và thông báo cho phụ huynh biết để có biện pháp quản lý, giáo dục. Qua đó, số vụ BLHĐ và HS bị trấn lột ở Phường 8 giảm đáng kể.
Từ kết quả trên, nhiều trường từng là điểm nóng về BLHĐ ở TP Vĩnh Long đã triển khai thực hiện mô hình này và trật tự quanh trường từng bước được khắc phục, với 141 HS bị kỷ luật cảnh cáo và hạ hạnh kiểm, 6 HS bị buộc thôi học thời hạn 1 năm do liên quan đến BLHĐ. “Tuy số vụ BLHĐ ở Vĩnh Long có chiều hướng giảm nhưng đó chỉ là bề nổi, còn phần chìm chúng ta chưa nắm hết nên cần có giải pháp phòng tránh triệt để”- thầy Lý Đại Hồng quả quyết. Còn Trung tá Trần Văn Tiếng thì cho rằng: “Muốn giải quyết tốt nạn BLHĐ, nhà trường đừng né tránh vì sợ mất thành tích mà hãy mạnh dạn cùng chính quyền địa phương và gia đình HS giải quyết sự việc sao cho hiệu quả như một số điểm trường ở Phường 8 đã làm”.
Không thể phủ nhận tính hiệu quả của công tác phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn BLHĐ. Tuy nhiên, mô hình này chỉ phù hợp ở khu vực đô thị, còn các xã, thị trấn không có lực lượng bảo vệ dân phố hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự theo Nghị định 38/NĐ-CP thì công an không đủ quân để tham gia. Do đó, giải pháp tốt nhất để ngăn chặn BLHĐ là phải kết hợp chặt cả 3 môi trường giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội. Cụ thể, phụ huynh cần quan tâm, bảo vệ con mình tránh BLHĐ bằng cách trang bị cho các em những kiến thức cần thiết trong cuộc sống và từ lối sống, cách hành xử của bản thân, phụ huynh phải giáo dục nhân cách và kỹ năng giải quyết vấn đề giúp con biết phân biệt điều hay lẽ phải, biết cách chọn bạn và môi trường để giao du.
Song song đó, nhà trường nên chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, phụ huynh HS và các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương trong phát hiện và đấu tranh phòng ngừa tình trạng HS đánh nhau mang tính chất bạo lực, xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Mỗi học kỳ, mỗi năm học có tổ chức sơ, tổng kết về công tác này với sự tham dự của các cơ quan, ban ngành đoàn thể liên quan để rút ra bài học kinh nghiệm. Xây dựng môi trường học tập thân thiện, chú ý đến HS cá biệt có biểu hiện gây bạo lực để chia sẻ, phối hợp gia đình giáo dục các em, tránh hiện tượng đối xử không công bằng và có những hành vi xúc phạm HS khiến các em bức xúc dẫn đến quậy phá như một cách lấy lại cân bằng. Cần tổ chức đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý học đường đến cơ sở nhằm giải tỏa những thắc mắc và định hướng lối sống cho HS, giúp các em khám phá cái hay, cái đẹp, xác định được lý tưởng phấn đấu. Điều quan trọng hơn hết là giáo viên chủ nhiệm- người được ví như “linh hồn” của lớp phải thật sự hiểu HS, biết chia sẻ với HS và có sự liên kết chặt với phụ huynh để các em không có những hành vi bạo lực làm tổn thương bạn. Có thế, đường đến trường mới thật sự là môi trường an toàn để các em học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Bài, ảnh: TRINH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin