Bạo lực học đường- cần chung tay phòng chống

01:12, 21/12/2012

Bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang trở thành một vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương với những con số và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Do đó, BLHĐ cần được nhìn nhận như một tệ nạn và sự góp sức chung tay phòng chống của cả cộng đồng.

Bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang trở thành một vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương với những con số và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Do đó, BLHĐ cần được nhìn nhận như một tệ nạn và sự góp sức chung tay phòng chống của cả cộng đồng.

Kỳ 1: Nhức nhối nạn bạo hành

BLHĐ gia tăng làm nhiều gia đình bất an, trật tự xã hội bị xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai, nhân cách của người gây ra bạo lực cũng như các học sinh (HS) không may là nạn nhân của BLHĐ.

BLHĐ gia tăng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.


Bàng hoàng những con số

BLHĐ ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng và phát triển phức tạp với những con số mà khi nghe qua ai cũng bàng hoàng, kinh ngạc. Cụ thể, từ đầu năm học 2009- 2010 đến nay, cả nước xảy ra 1.600 vụ HS đánh nhau, trong đó có 7 HS tử vong. Gần đây nhất là vụ một HS lớp 8 đâm chết một HS lớp 6 cùng trường ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh) rồi giấu xác xuống ao, cướp xe đạp, gây chấn động dư luận cả nước.

Tại Vĩnh Long, chỉ riêng năm học 2011- 2012, toàn tỉnh có 69 vụ HS đánh nhau. Trong số này, có 6 vụ HS sử dụng hung khí phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Điển hình, vụ 5 thanh thiếu niên, đa số là HS cá biệt của một trường cấp 3 ở TP Vĩnh Long, do mâu thuẫn trong nhắn tin điện thoại đã dùng nón bảo hiểm đánh 2 HS của trường trọng thương phải vào bệnh viện cấp cứu; vụ 2 HS lớp 8 ở thị trấn Cái Vồn (Bình Minh) dùng dao và nắm đấm “xử” nhau vì một xích mích nhỏ trong lúc đùa giỡn; vụ 4 HS tiểu học ở xã Phú Lộc (Tam Bình) tổ chức đánh 14 bạn cùng lớp bằng thước kẻ của cô chủ nhiệm (mỗi lần từ 20- 50 roi) vào đầu buổi học suốt 3 tháng dài nhưng không em nào dám phản kháng vì sợ bạn xé sách vở, đâm lủng bánh xe.v.v…

Ngoài ra, ở một số trường còn xảy ra tình trạng HS cấu kết với các đối tượng xấu bên ngoài đón đường trấn lột, “xin đểu” HS và nhiều cuộc ẩu đả giữa HS với nhau hoặc HS với người bên ngoài mà thầy cô, gia đình không hay biết. Thầy Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, kể: “Gần đây, còn nổi lên tình trạng HS nữ uống rượu, đánh nhau, lập băng nhóm “tẩy chay” bạn, quay clip bạn làm tình phát tán trên mạng, thậm chí đánh cô giáo ngay trong trường học,… gây tổn thương tâm lý, tinh thần HS và bức xúc trong phụ huynh”.

Tác hại khôn lường

Nói đến BLHĐ, nhiều phụ huynh đã thể hiện sự bất an và cho rằng đây là một vấn nạn cần phải chống vì những tổn hại mà BLHĐ gây ra cho HS và xã hội là rất lớn. Chị N.K.Y. (Phường 3- TP Vĩnh Long) có con là nạn nhân của BLHĐ, buồn buồn kể: “Con trai tôi là đứa ngoan hiền, hoạt bát, từ lớp 1 đến lớp 6 đều là học sinh khá giỏi. Năm lớp 7, khi bị nhóm bạn chung trường thường xuyên ví đánh trong nhà vệ sinh để trấn lột tiền, nó học sa sút thấy rõ, tính tình trở nên lầm lì, nhút nhát và đã 2 lần ăn cắp tiền của gia đình nộp cho bạn để khỏi bị đánh”.

Tai hại hơn, do sợ chuyện trộm tiền bị phát hiện và sợ “bạn kêu đàn anh bên ngoài vào đâm cả cha mẹ”, cậu bé đã bỏ nhà đi. Khi tìm được con và biết được sự việc, chị Y. đã nhờ công an can thiệp. “Sau lần đó, thằng bé bị sốc không chịu đi học nữa, vợ chồng tôi phải chuyển trường cho con và thay nhau ở cạnh bên động viên, chia sẻ. Rất may tinh thần con tôi đã dần ổn định và chịu đi học lại. Nghĩ đến những gì con tôi vừa trải qua thật là khủng khiếp”- chị Y. nghẹn ngào tâm sự.

Chị L.T.M.D. ở xã Thuận An (Bình Minh) thì bức xúc, bảo: “Hồi mới vào lớp 1, con gái tôi rất ham học nhưng thời gian gần đây, nó bỗng nhiên sợ đến trường và hay cáu gắt với mọi người xung quanh. Sáng nào đi học nó cũng khóc, vài bữa là mất viết, mất thước,... Tôi gặng hỏi thì con bé mếu máo bảo viết, thước và tiền mẹ cho ăn bánh thường bị một HS lớp 5 xuống lục lấy vào giờ chơi. Trong lớp, có nhiều bạn bị bắt nạt như thế nhưng không đứa nào dám méc thầy cô vì “anh đó dọa nói cho cô biết, ra ngoài sẽ đón đánh”.

Anh N.V.H. có con đang học lớp 5 ở thị trấn Cái Vồn cũng bất bình, kể: “Con tôi thường bị một nhóm HS cùng khối đón đường kiếm chuyện vì không mang tiền, đồ chơi vào cho chúng. Hôm rồi, nó còn bị đánh bầm cả mắt, tôi tìm đến nhà những em này “mắng vốn”, chúng mới đỡ đỡ”.

Ngoài việc gây tổn thương thể xác, tinh thần cho nạn nhân, BLHĐ còn để lại những hậu quả không hay cho chính những HS gây ra bạo lực. Theo các chuyên gia tâm lý thì những hành vi thô bạo, xúc phạm người khác một cách trái pháp luật sẽ làm cho những HS này phát triển không toàn diện và mất dần nhân tính, là mầm mống dẫn đến con đường vi phạm pháp luật. Thực tế qua những vụ BLHĐ vừa phát hiện ở Vĩnh Long cho thấy, đa số thanh thiếu niên có hành vi bắt nạt, trấn áp HS, trước đó từng là nạn nhân của BLHĐ. Như trường hợp của em N.V.Q.- “thủ lĩnh” nhóm trấn lột HS ở Trường THCS N.T. (TP Vĩnh Long). Sau khi bị một số thanh thiếu niên bên ngoài bắt nạt, Q. đã cấu kết với các đối tượng này lập nhóm quay lại hành hung, trấn lột HS trong trường. Tương tự, nhóm 9 thanh thiếu niên hay tụ tập trước cổng Trường THCS C.V. (Bình Minh) “mượn” tiền HS vừa được cơ quan công an mời làm việc, có 3 HS của trường, trong đó có 1 em đã bị đuổi học,.v.v…

Từ thực tế trên, có thể khẳng định BLHĐ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến một bộ phận thế hệ trẻ và để lại nhiều hệ lụy không hay cho xã hội. Do đó, cần một cái nhìn đúng về thực trạng này và sự chung tay phòng chống của cả cộng đồng thì BLHĐ mới không còn là nỗi ám ảnh của nhiều HS, phụ huynh.

Kỳ 2: Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

(Mời xem trên số báo ra ngày 25/12)

Bài, ảnh: TRINH TUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh