Trả nợ không làm biên nhận- dắt nhau ra tòa

07:11, 21/11/2012

Nghĩ chỗ quen biết nên khi giao, nhận tiền 2 bên không làm biên nhận dẫn đến tranh chấp phải dắt nhau ra tòa nhờ giải quyết.

Nghĩ chỗ quen biết nên khi giao, nhận tiền 2 bên không làm biên nhận dẫn đến tranh chấp phải dắt nhau ra tòa nhờ giải quyết.

Theo đơn khởi kiện gửi TAND huyện Bình Minh ngày 3/4/2012, nguyên đơn là vợ chồng chị V.T.T.M. ở ấp Đông Lợi (xã Đông Bình- Bình Minh) trình bày: Từ ngày 9/1-16/5/2011, vợ chồng chị có cho chị Đ.T.M.L. ở cùng xã mượn 8 lần tổng cộng bằng 54,5 triệu đồng. Tất cả các lần mượn nợ trên, chị L. đều làm bản kê thời gian mượn nợ và trực tiếp nhận tiền, lãi suất thỏa thuận bằng 10%/tháng. Đến ngày 23/10/2011, chị M. đồng ý bỏ tính lãi và chị L. đã làm cam kết trả tiền nợ gốc trong 2 lần bằng 50 triệu đồng, còn 4,5 triệu đồng thỏa thuận trả sau. Tuy nhiên, từ lúc vay cho đến khi làm cam kết, chị L. chỉ trả lãi 2 lần với tổng số tiền 15 triệu đồng, chưa thanh toán nợ gốc lần nào. Nay chị M. yêu cầu vợ chồng chị L. trả lại 54,5 triệu đồng nợ gốc đã vay.

Tại biên bản hòa giải ngày 4/5/2012, chị L. thừa nhận có mượn tiền của chị M. nhiều lần tổng cộng bằng 54,5 triệu đồng để cho người khác vay lại với mức lãi 13%/tháng. Đến khoảng tháng 8 âm lịch năm 2011, chị L. đã trả cho chị M. 15 triệu đồng tiền vốn nhưng không có làm biên nhận. Qua các lần mượn tiền, chồng chị L. không hay nên đây là nợ riêng của chị và chị chỉ đồng ý còn nợ vợ chồng chị M. 39,5 triệu đồng chứ không phải 54,5 triệu đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, buộc vợ chồng chị L. trả số nợ gốc 54,5 triệu đồng cộng số tiền lãi chưa đóng hơn 7,9 triệu đồng. Riêng số tiền 15 triệu đồng chị L. trả trước đó là tiền lãi của 54,5 triệu đồng nợ gốc tính từ lúc vay cho đến ngày chị L. làm cam kết và thỏa thuận bỏ lãi. Mục đích chị L. vay tiền để mua xe gắn máy sử dụng trong gia đình, mua sữa cho con và cho người khác vay lại nên cả 2 vợ chồng chị L. phải cùng liên đới trả nợ.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra, tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định: Xét yêu cầu khởi kiện của vợ chồng chị M., HĐXX chỉ chấp nhận một phần bởi lẽ chị L. thừa nhận có mượn nợ của vợ chồng chị M. tổng cộng bằng 54,5 triệu đồng nhưng đây là nợ riêng của chị. Thể hiện qua các lần vay tiền và làm cam kết trả nợ vào ngày 23/10/2011, chỉ có chị L. trực tiếp viết biên nhận, nhận tiền và làm cam kết không có mặt chồng của chị L. Việc vợ chồng chị M. cho rằng chị L. vay tiền cho người khác vay lại để hưởng phần chênh lệch và sử dụng chung trong gia đình như mua sữa cho con, mua xe gắn máy nhưng vợ chồng chị L. không thừa nhận. Phía chị M. cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh đây là khoản nợ chị L. vay để mua xe, mua sữa,… nên không có căn cứ buộc chồng chị L. cùng trả số nợ trên.

Đối với số tiền 15 triệu đồng chị L. cho rằng đây là tiền trả nợ gốc chứ không phải trả lãi. Xét lúc trả 15 triệu đồng cho chị M., chị L. không làm biên nhận, không có ai biết sự việc và chị L. cũng không có chứng cứ chứng minh nên số tiền trên được xác định là tiền lãi chị L. trả cho vợ chồng chị M. Tuy nhiên, do mức lãi chị M. thỏa thuận vượt quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định nên được điều chỉnh lại. Theo đó, mức lãi chị L. phải trả cho vợ chồng chị M. chỉ hơn 7,9 triệu đồng và được khấu trừ vào số tiền 15 triệu đồng chị M. đã nhận trước đó, số tiền gần 7,1 triệu đồng còn lại được trừ vào nợ gốc. Do đó, bản án sơ thẩm dân sự TAND huyện Bình Minh tuyên buộc chị L. phải trả cho vợ chồng chị M. số tiền trên 47,4 triệu đồng.

Vậy là sự việc đã được tòa giải quyết xong nhưng từ vụ tranh chấp trên cho thấy một tờ biên nhận trong các quan hệ giao dịch tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại rất cần thiết khi có tranh chấp và phải đưa ra kiện tụng chốn pháp đình.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh