Tin đồn lẽ ra “không có giá trị”, bởi nó đơn giản chỉ là… tin đồn. Không rõ “nguồn gốc xuất xứ” nên không đáng tin cậy. Tuy nhiên, thực tế, tin đồn đã cho thấy có thể khuynh đảo nền kinh tế của một bộ phận người dân, một vùng đất, gây thiệt hại bạc tỷ vì sự lây lan, kéo dài của nó.
Tin đồn lẽ ra “không có giá trị”, bởi nó đơn giản chỉ là… tin đồn. Không rõ “nguồn gốc xuất xứ” nên không đáng tin cậy. Tuy nhiên, thực tế, tin đồn đã cho thấy có thể khuynh đảo nền kinh tế của một bộ phận người dân, một vùng đất, gây thiệt hại bạc tỷ vì sự lây lan, kéo dài của nó.
Trái bưởi cũng từng lao đao lận đận vì tin đồn.
|
Hội chứng ung thư
Có lẽ nắm được sự sợ hãi của người tiêu dùng đối với căn bệnh ung thư quái ác, nên hầu hết mọi tin đồn về sản phẩm nào đó hiện nay đều gắn liền với chữ “ung thư”.
Còn nhớ, cách đây vài năm, tin đồn về “ăn bưởi bị ung thư” đã khiến cho giá bưởi Năm Roi lập tức từ 6.000- 8.000 đ/kg rớt giá còn chưa tới 2.000 đ/kg. Khi chúng tôi tới làng bưởi Mỹ Hòa (Bình Minh) nhà vườn nào cũng ủ rũ cho biết: Trái bưởi rụng đầy vườn, bán không ai mua, mà mua cũng lỗ tiền mướn hái. Trong khi đó, làng bưởi ở đây bình thường cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn mỗi ngày.
Cũng mang “hội chứng ung thư”, con cá rô đầu vuông dễ nuôi mau lớn đang là nguồn thu nhập rất khá của nông dân vào năm 2011, lợi nhuận có thể đạt đến 5- 7 trăm triệu đồng/ha. Bỗng dưng chỉ vì tin đồn mà rớt giá thê thảm, có lúc chỉ còn mười mấy ngàn đồng/kg, chưa đủ vốn nuôi. Người nuôi chết đứng, các chị tiểu thương ngồi tại chợ lỡ “lãnh” cá rô đầu vuông cũng buồn muốn khóc vì người tiêu dùng chỉ lạnh lùng bước qua như sợ “dính ung thư”.
Nhưng con cá rô đầu vuông cũng chưa phải là duy nhất “bị mang tội”, mà sau đó là con cá kèo, thậm chí cá điêu hồng cũng lan ra nhiều tin đồn đầy ác ý. Các tiểu thương tại chợ Vĩnh Long cho biết, chỉ vì tin đồn, mà con cá kèo đang bán giá hơn trăm ngàn nhanh chóng sụt xuống còn 60.000- 65.000 đ/kg mà vẫn “ế nhệ”. Cá điêu hồng cũng từng chịu trận dội chợ do tin đồn khiến giá giảm mạnh, người nuôi cá tại Vĩnh Long và ĐBSCL điêu đứng chỉ vì một chuyện không hề có thật. Trao đổi với chúng tôi, từ người nuôi cá đến thương lái, nhà quản lý đều cho rằng, đây chỉ là những tin đồn đầy ác ý, không hề có sơ sở nào.
Tin đồn gạo giả cũng từng khiến người tiêu dùng hoang mang, giá gạo sụt giảm. Chỉ đến khi cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc và các nhà khoa học khẳng định vẫn chưa có gạo giả xuất hiện trên thị trường, thì gạo mới dần dần “lấy lại sức khỏe”. Còn mới đây nhất là tin đồn về cam sành Tam Bình “là” cam Trung Quốc khiến cho cam sành tại các vườn và các chợ cũng sụt giá mạnh, gây hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại nặng cho nhà vườn.
Cần “đè bẹp” tin đồn
Chỉ một “tin đồn bưởi” trong thời gian ngắn, theo ước tính của Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, thiệt hại đã lên tới trên 100 tỷ đồng. Vùng bưởi lông Cổ Cò đã thiệt hại hơn 50 tỷ vì giá bưởi từ 10.000 đ/kg sụt xuống chỉ còn 1.000 đ/kg. Tỉnh Bến Tre với hơn 3.000ha bưởi da xanh cũng lao đao vì tin đồn thất thiệt. Còn tại Vĩnh Long, vùng bưởi Mỹ Hòa, tuy không có con số cụ thể, nhưng hàng ngàn nhà vườn khốn đốn trong một thời gian rất dài mới hồi phục lại dần vì thị trường e dè với bưởi.
Để “đối phó” tin đồn gạo giả- Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ Nguyễn Phú Cường (Bộ Công thương) đã cho biết, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phải huy động toàn bộ nhân lực để tìm ra người tung tin đầu tiên. Hàng loạt cơ quan khác cũng vào cuộc, để cuối cùng tìm ra thủ phạm là một người… rất vô trách nhiệm. Thật sự không thể nói có bao nhiêu tiền của đã chi vào cho việc thăm dò, phân tích của ngành chức năng cũng như những thiệt hại về kinh tế từ phía người dân. Cũng tin đồn về gạo, chị T.D. ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) còn “tởn tới già” vì đã phải dẹp tiệm, trả mặt bằng, hết dám bén mảng tới chuyện buôn bán gạo. Lý do là khi có tin đồn khan hiếm gạo, chị đã vội mua vào hàng tấn với giá cao và “cố thủ” không dám bán ra. Để rồi ngay sau đó, gạo giảm giá liên tục không phục hồi, mà càng chứa lâu chờ giá, chất lượng gạo càng giảm. Cuối cùng vốn liếng cũng “biến mất” theo tin đồn.
Vấn đề quan ngại là nhiều tin đồn vô cùng thiếu căn cứ, như chuyện trái cam sành Tam Bình và cam Trung Quốc không hề có một đặc điểm nào giống nhau, từ vỏ trái, hình dạng, màu sắc đến chất lượng, mùi vị đều khác đến mức “không thể nhầm lẫn” nhưng người tiêu dùng vẫn… cứ tin.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay, tin đồn đã thật sự là một “kẻ thù giấu mặt” đầy nguy hiểm, có thể gây thiệt hại lên đến bạc tỷ, còn thiệt hại không tính được như trì trệ sản xuất, lao động mất việc làm cũng không hề nhỏ. Do đó, cần được đánh giá, nhìn nhận thật thấu đáo để có thể “quản lý” và đè bẹp được tin đồn, tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế. Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa tin đồn thất thiệt cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Cụ thể, các ngành chức năng phải quản lý giám sát thường xuyên, chặt chẽ, đồng thời, xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi tung tin đồn thất thiệt và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về phía doanh nghiệp, người sản xuất phải luôn giữ đúng quy trình chất lượng sản phẩm để tạo sự tin tưởng qua thời gian. Riêng người tiêu dùng, cũng cần thật bình tĩnh đánh giá tin đồn thật hư thế nào trước khi quyết định “tạm biệt” sản phẩm.
Bài, ảnh: NGUYÊN CHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin