Hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau nên 2 nhà cận kề không cắm trụ ranh cố định mà chỉ trồng hàng xương rồng để phân biệt ranh đất. Theo thời gian, hàng xương rồng mất đi kéo theo những rắc rối xung quanh quyền sử dụng không gian và ranh đất ấy.
Hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau nên 2 nhà cận kề không cắm trụ ranh cố định mà chỉ trồng hàng xương rồng để phân biệt ranh đất. Theo thời gian, hàng xương rồng mất đi kéo theo những rắc rối xung quanh quyền sử dụng không gian và ranh đất ấy.
Theo đơn khởi kiện gửi TAND huyện Bình Minh ngày 16/10/2010, nguyên đơn là bà N.T.M, ở Khóm 3 (thị trấn Cái Vồn- Bình Minh) trình bày: Vào ngày 9/10/1997, bà M. lập giấy tay nhận chuyển nhượng phần đất 132m2 chiết thửa 1246 của vợ chồng ông T.V.K. tọa lạc tại ấp Thuận Tân A (xã Thuận An). Ngày 22/12/2001, bà M. thực hiện thủ tục đo đạc để tách quyền sử dụng đất (QSDĐ). Trong biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới có cụ B.T.D. là người sử dụng phần đất giáp ranh với bà M. ký tên giáp cận. Đến ngày 24/3/2004, bà M. được cấp QSDĐ diện tích 132m2. Ngày 7/11/2002, ông N.N.C. (con cụ D.) cũng được cấp QSDĐ thửa liền kề với diện tích dài 12m, ngang trước thống nhất mốc ranh và ngang sau 0,65m. So với diện tích thực ông C. sử dụng dư 6,1m2 nên bà M. yêu cầu ông C. trả lại 6,1m2 đất và không gian trên đất tranh chấp.
Ý kiến của bị đơn là ông N.N.C. cho rằng: Năm 1999, ông C. được mẹ ruột là cụ D. cho sử dụng phần đất tại thửa 1245 diện tích 160m2 loại đất ở nông thôn. Ngày 7/11/2002, ông C. được cấp QSDĐ và từ khi mẹ ông còn sống cho đến nay đã sử dụng ranh đất đúng vị trí tại thửa 1245 không lấn chiếm sang đất của bà M. Khi đo đạc cấp QSDĐ cho bà M, cụ D. không có ký tên giáp cận nên ông không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự, bà M. giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và xác định diện tích đất chuyển nhượng khi đo đạc phần ngang sau không đủ dài 11m nên phần đất 6,1m2 đang tranh chấp thuộc thửa đất của bà chứ không phải của ông C. Hiện 3 cây gòn trên phần đất tranh chấp là tự mọc chứ không phải do ông K. trồng để phân định ranh đất.
Ông C. thì không đồng ý theo yêu cầu của bà M. vì ranh đất trước đây là hàng rào xương rồng do ông K. và cụ D. trồng để sử dụng chung. Hiện nay, hàng xương rồng không còn nhưng nơi đó có mọc lên 3 cây gòn và từ năm 1996, mẹ ông đã cất nhà sử dụng ổn định, phía chủ đất cũ là ông K. cũng không tranh chấp.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm tra và tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định: Xét phần đất tranh chấp 6,1m2 ông C. đang sử dụng có nguồn gốc do cụ D. để lại. Do diện tích tranh chấp nhỏ, hình thể thửa đất thay đổi so với bản đồ chương trình đất năm 1990, bà M. và ông C. cũng không yêu cầu tòa án trưng cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đo đạc lại nên TAND huyện Bình Minh căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác để giải quyết vụ án là phù hợp.
Xét phần đất bà M. nhận chuyển nhượng và thực hiện đo đạc tách QSDĐ từ thửa đất của ông K. ngày 22/12/2001, bà M. và vợ chồng ông K. cho rằng diện tích ngang trước và ngang sau bằng 11m, chiều dài 12m có cụ D. ký tên giáp cận nhưng hiện cụ D. đã mất, ông C. không thừa nhận cụ D. có ký tên. Tòa án đã trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định chữ ký trong biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 22/12/2001 nhưng không thực hiện được vì chữ ký không đồng dạng với tài liệu cần giám định. Bên cạnh, cán bộ đo đạc của Trung tâm Đo đạc bản đồ địa chính tỉnh Vĩnh Long, cán bộ địa chính UBND xã Thuận An cũng không xác định được cụ D. có ký tên vào biên bản này hay không nên chưa có căn cứ xác định.
Mặt khác, xét phần đất tranh chấp 6,1m2 hiện có một phần vách nhà của ông C. có kết cấu vách tạm (lá, ván, tôn) và một phần mái nhà tôn, ông C. đã cất nhà và sử dụng ổn định từ năm 1996 (trước ngày bà M. lập giấy tay nhận chuyển nhượng đất của vợ chồng ông K.), phía vợ chồng ông K. cũng không tranh chấp hay khiếu nại gì. Sau khi bà M. nhận chuyển nhượng đất cũng không có ý kiến về việc ông C. sử dụng vách nhà và mái tôn. Việc vợ chồng ông K. cho rằng đã trồng 3 cây gòn làm ranh phân định với đất của cụ D. trước khi chuyển nhượng cho bà M. là phù hợp với quá trình sử dụng đất của cụ D. vì vợ chồng ông K., bà M. và ông C. thừa nhận ranh đất không có cắm trụ ranh cố định, chỉ có cụ D. trồng hàng rào xương rồng làm ranh nhưng nay không còn, 3 cây gòn đã lớn hiện nằm trên đất tranh chấp. Việc này phù hợp với nội dung Văn bản số 140/UBND ngày 29/3/2012 của UBND huyện Bình Minh xác định việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà M., ông C. là đúng quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra, bà M. cũng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh phần đất 6,1m2 đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình gắn liền với quyền sử dụng về không gian theo hướng vuông góc với thửa đất được cấp QSDĐ. Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M., còn ông C. được tiếp tục sử dụng phần đất tranh chấp cùng 3 cây gòn trên đất là phù hợp.
Tưởng dùng hàng xương rồng làm ranh là chuyện nhỏ không ngờ lại hóa thành to khi “đường vườn bỗng thành đường mặt tiền” và cái nghĩa cái tình của câu “tối lửa tắt đèn có nhau” lại bị xem nhẹ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin