“Khai tử” cây có chứa chất ma túy

10:11, 30/11/2012

Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tại hội thảo “Xóa bỏ cây và thay thế cây có chứa chất ma túy” vừa diễn ra tại Vĩnh Long, hiện tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (cần sa, thuốc phiện, cô ca) trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng.

Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tại hội thảo “Xóa bỏ cây và thay thế cây có chứa chất ma túy” vừa diễn ra tại Vĩnh Long, hiện tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (cần sa, thuốc phiện, cô ca) trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng.


Triệt phá một khu vườn trồng cây cần sa ở xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình, Vĩnh Long) vào ngày 10/4/2011.


Các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là nhanh chóng xóa bỏ và thay thế cây có chứa chất ma túy bằng những chương trình và kế hoạch thật cụ thể.

Cây trồng chứa chất ma túy tràn lan

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, cây có chứa chất ma túy được trồng nhiều ở nước ta chủ yếu có hai loại là cây cần sa và cây thuốc phiện (cây anh túc). Trong đó cây thuốc phiện được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc còn các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ là “địa bàn” của cây cần sa.

Theo báo cáo của 54/63 tỉnh, thành trong niên vụ 2011- 2012, diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy đã tăng khoảng 48ha (tương đương 14%). Hầu hết các loại cây có chứa chất ma túy ở nước ta đều được trồng ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở miền núi xen lẫn trong các rẫy bắp, khoai mì, nhiều trường hợp còn trồng ngay trong nhà… nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, các đối tượng buôn bán, chế biến ma túy thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và “hám lợi” của người dân với thủ đoạn chủ yếu là thuê họ trồng cây thuốc (đưa hạt giống cây cần sa hoặc thuốc phiện) sau đó mua lại với giá cao (trung bình mỗi hecta cần sa có lợi nhuận khoảng 4.600USD) nên người dân vẫn vô tư làm giàu mà không biết mình đang tiếp tay cho “cái chết trắng”.

Trung tá Bùi Xuân Long- Phòng Theo dõi chuyên đề Chương trình Quốc gia phòng chống ma túy nhìn nhận: Công tác điều tra và triệt phá các trường hợp trồng cây có chất ma túy hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nơi trồng cây cần sa hay thuốc phiện thường bị chia cắt bởi sông suối, núi non, khi lực lượng chức năng đến nơi thì những tên tội phạm đã “cao bay xa chạy”.

Trong niên vụ 2011- 2012, cả nước đã phát hiện và tiêu hủy gần 34ha cây thuốc phiện, tập trung ở các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Phú Thọ, Yên Bái. Riêng các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, lực lượng chức năng phát hiện và triệt phá trên 5 tấn cần sa tươi và gần 9.200 cây cần sa. Trong năm 2011 lượng cần sa thương phẩm tăng 3 lần so với năm 2010…

Trồng cần sa nuôi gia súc?

Tại các tỉnh Nam Bộ, các trường hợp bị phát hiện trồng cây cần sa chủ yếu nhỏ lẻ, chỉ vài chục cây, người vi phạm đều biện minh rằng chỉ trồng cho mục đích chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên chỉ bị phạt hành chính, không có tính răn đe do đó nguy cơ tái trồng là rất cao.

Ông Huỳnh Kim Nhân- Chi cục phó Chi cục PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Khi bị phát hiện và được các cơ quan chức năng giải thích thì nhiều nông dân mới chưng hửng vì vốn dĩ cây cần sa vẫn tồn tại trong dân gian với tên gọi là cây “thuốc gà” chứ không mấy ai biết đây là loại cây có chứa chất ma túy. Một số người còn xem cần sa là cây cảnh vì nó ra hoa thơm và rất đẹp.

Ở Vĩnh Long từ năm 2011, ngành chức năng triệt phá hàng chục điểm trồng cây cần sa và thu giữ gần 1.000 cây cần sa tươi ra quyết định xử phạt hành chính 5 hộ và các hộ khác cho làm cam kết không tái phạm. Song, tình trạng tái trồng cây cần sa trong dân chưa có dấu hiệu giảm. Mới đây, Công an huyện Trà Ôn phát hiện và tiêu hủy 70 cây cần sa cao hơn 1m trồng tại vườn của ông Lê Văn Bể (xã Thiện Mỹ). Nhiều hộ trồng số lượng cần sa lớn bị công an khởi tố như trường hợp của ông Lê Văn Bé Em (xã Tân Phú- Tam Bình). Trong một lần ngồi nhậu, nổi hứng nên ông Em khoe với mọi người về “công năng” cần sa là cho heo, gà ăn mau lớn như thổi và không bị bệnh vặt, nghe vậy một thanh niên hỏi mua. Sau đó người thanh niên bị công an bắt giữ và hắn ta khai ra ông Em là một trong những người cung cấp cần sa. Kiểm tra nhà ông Em, lực lượng thu giữ thêm 25 cây cần sa và một mớ hột cần sa giống. Sau đó, ông Em bị TAND huyện Tam Bình phạt 9 tháng tù vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Để ngăn chặn tình trạng trồng cây cần sa, thuốc phiện, ông Trương Văn Quang- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT khuyến cáo: nhiệm vụ cấp bách hiện nay là các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân phân biệt cây có chứa chất ma túy và việc trồng các loại cây này là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó các địa phương cần phải ưu tiên đầu tư các nguồn vốn của các chương trình, dự án như: xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, chương trình 30a... để hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển hàng hóa theo quy hoạch, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, hạn chế tình trạng trồng và tái trồng các loại cây có chứa chất ma túy.

Cây cần sa thuộc loại gai mèo (tên khoa học là cannalis sativa), toàn thân phủ lớp lông mịn cao từ 1- 3m, thân vuông, có rãnh dọc, mọc thẳng đứng, lá xẻ ra từ 5- 7 thùy hình chân vịt, mép khía răng cưa. Hoa cần sa mọc riêng gốc, màu xanh nhạt, hoa đực mọc rủ xuống, hoa cái mọc thành bông. Hạt cần sa hình cầu, có mùi thơm, nhân dẹt, nôi nhũ. Nhựa cần sa gây nghiện gấp 8-10 lần thảo mộc cần sa. Người nghiện có cảm giác sảng khoái, phấn chấn, ảo giác…

Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh