Ngày nay, game online- trò chơi giải trí ảo trực tuyến trên mạng không còn xa lạ trong giới thanh- thiếu niên nông thôn. Những trò chơi đánh đấm, giết người, chết chóc đầy bạo lực nhan nhản trên mạng. Và cũng từ những cảnh đánh đấm, giết chóc tưởng chỉ có trên games, một số em bị “lậm” trở thành sát thủ máu lạnh. Còn chuyện cướp giật, trộm cắp… để có tiền chơi games thì “xảy
Ngày nay, game online- trò chơi giải trí ảo trực tuyến trên mạng không còn xa lạ trong giới thanh- thiếu niên nông thôn. Những trò chơi đánh đấm, giết người, chết chóc đầy bạo lực nhan nhản trên mạng. Và cũng từ những cảnh đánh đấm, giết chóc tưởng chỉ có trên games, một số em bị “lậm” trở thành sát thủ máu lạnh. Còn chuyện cướp giật, trộm cắp… để có tiền chơi games thì “xảy ra hà rầm”.
Gương mặt non choẹt của hung thủ Trần Đức H. 15 tuổi, vì mê games dẫn đến giết người cướp của. |
Nghiện games phạm tội
Vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra cách nay hơn 4 năm nhưng khi nhắc lại người dân xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) vẫn còn bàng hoàng. Ngày 27/8/2008, bà Lê Thị Ri (ấp Hồi Xuân) ở nhà một mình, bị hung thủ xông vào dùng búa đập đầu cướp 2 chiếc nhẫn, lắc đeo tay và 1 triệu đồng tiền mặt. 2 ngày sau, công an bắt được hung thủ là Trần Đức H.H. (mới 15 tuổi ở cùng xóm với nạn nhân) đang say sưa điều binh khiển tướng, chém giết trên thế giới ảo. Nhiều người có mặt hôm đó không ai ngờ rằng đứa trẻ như H. mà dám giết người, cướp tài sản. Càng rợn người hơn khi nghe H. kể lại thủ đoạn giết người hết sức dã man. Sau nhiều lần đi học ngang qua nhà thấy bà Ri có đeo vàng, gia đình thuộc diện giàu và bà Ri thường ở nhà một mình, H. chuẩn bị sẵn chiếc búa để đột nhập vào nhà bà Ri. Tuy nhiên, vì thấy có anh Nguyễn Châu Khoa (con bà Ri) nên không dám ra tay. H. sang ngôi nhà bỏ hoang gần đó chờ cơ hội, nhưng ngủ quên đến gần sáng. Không từ bỏ ý đồ giết người, H. cầm búa sang nhà bà Ri tiếp và thấy bà Ri nằm ngủ ở dưới nền nhà liền lạnh lùng vung búa đập nhiều cái vào đầu làm bà Ri bất tỉnh. H. cướp hết tài sản rồi đón xe lên TP Vĩnh Long chơi games. Đến khi ông Nguyễn Văn Ngời- chồng của bà Ri- đi đám giỗ nhà hàng xóm về thấy vợ nằm sóng soài, người bê bết máu và bà Ri tử vong sau đó do đa chấn thương, nứt sọ, tổn thương não…
Các học sinh say sưa chơi games sau giờ tan học.
|
Ngày 21/5/2012, tại vùng quê ấp Tân Hiệp (xã Tân Long- Mang Thít) xảy ra vụ án giết người cướp tài sản táo bạo. Nạn nhân là chị Ngô Thị Linh Thủy nằm bất động trên nền nhà. Chị Thủy được bà con đưa đi cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống. Hung thủ cướp của chị Thủy 1 chiếc lắc, sợi dây chuyền vàng 18K, tiền mặt, trị giá gần 30 triệu đồng. Sáng hôm sau, công an bắt được hung thủ là Nguyễn Minh T. (16 tuổi) cùng xóm với chị Thủy dù T. khá ma mãnh đánh lạc hướng cơ quan điều tra: có mặt khi công an đến khám nghiệm hiện trường vụ án, T khai: Mới đầu chỉ có ý định vào nhà chị Thủy trộm cắp kiếm tiền chơi games. Nhưng khi vào nhà thì bị chị Thủy phát hiện, sẵn có mang theo dao nên đâm chị Thủy và cướp tài sản…
Còn trường hợp của N. (xã Tân Phú- Tam Bình) cũng nghiện games mà nhẫn tâm đầu độc cô ruột là bà Nguyễn Thị Kim Lan bằng thuốc chuột. N. mua thuốc chuột hiệu FOKOBE về pha với nước dụ bà Lan (2 cô cháu ở chung) uống nhưng bị bại lộ. Không từ bỏ ý định, N. vẫn tiếp tục trộn thuốc vào hũ gạo và khi bà Lan đem nấu cơm nghe có mùi hôi nên đổ bỏ. Bà Lan báo lên công an điều tra làm rõ và không ngờ hung thủ là đứa cháu ruột mình từng nuôi dưỡng.
Đánh mất tương lai vì nghiện games bạo lực
Bây giờ ở nông thôn cũng có tiệm games. Một lần cùng đoàn đi kiểm tra các tiệm games mới thấy giật mình, những games thủ nhí còn mặc đồng phục học sinh nhưng tay bấm phím, lick chuột trong những trò chơi đầy bạo lực rất điêu luyện. Để khuyến mãi (hay khuyến dụ), chủ tiệm games còn phục vụ nước uống, tặng giờ chơi… Các games thủ lâm trận có khi ngồi cả ngày dán mắt vào màn hình vi tính, quên cả đói khát.
Qua tìm hiểu phần lớn những học sinh nghiện games, học lực sẽ bị sa sút. Em H. cũng từng là học sinh khá giỏi, nhưng từ khi ở địa phương có tiệm games, em tập tành chơi. Mới đầu H. chơi games với bạn bè cho vui sau những giờ tan học và sau này H. nghiện games nên “cúp cua” giờ học. Bao nhiêu tiền cha mẹ cho H. ăn quà em đều “đầu tư” luyện games, sắm sửa hung khí. Do liên tục vi phạm nội quy nhà trường, nên H. bị đuổi học khi mới học lớp 7. Ở nhà, cha mẹ cũng không quản lý được nên H. có nhiều thời gian la cà ở các tiệm games. Cha mẹ không cho tiền thì H. trộm cắp của gia đình. Sau nhiều lần bị mất trộm, gia đình theo dõi và biết thủ phạm là cậu “quý tử”. Song gia đình cũng không ngờ H. phạm tội tày trời: giết người, cướp của. H. phải trả giá cho hành vi của mình bằng mức án 12 năm tù tội “Giết người” và 3 năm tội “Cướp tài sản”.
Còn T. cũng từng là đứa con ngoan hiền, học chăm và được cha mẹ thương yêu chiều chuộng. Nhưng sau khi nghiện games, T. trở nên lì lợm khó dạy và tóc tai nhuộm đủ màu, áo quần, phong cách giống nhân vật trong games. T. cũng từng trộm cắp tài sản gia đình bán lấy tiền chơi games.
Không phủ nhận game online là một tiến bộ, kết nối những người chơi trực tuyến, giúp thư giãn sau thời gian học tập, lao động căng thẳng. Song nếu trẻ em không biết chọn trò chơi thích hợp lứa tuổi mình và lạm dụng những trò chơi đậm tính chất bạo lực thì sẽ tác động xấu đến nhân cách các em. Các bậc phụ huynh, nhà trường cần quản lý giáo dục con em mình và ngành chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ các tiệm games.
Theo quy định trẻ em từ 14 tuổi trở xuống chơi game online phải có người giám hộ. Nhưng qua khảo sát, hầu hết trẻ em đến tiệm games một mình và vô tư chơi mà không ai giám hộ. Theo dự thảo mới về quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng thời gian sử dụng tất cả trò chơi của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi không quá 180/phút/ngày. Chơi games không phép, không đăng ký thông tin cá nhân sẽ bị phạt từ 500 ngàn– 1 triệu đồng.
|
Bài, ảnh: NGỌC THUẬN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin