Thời gian qua, dư luận xôn xao về thông tin quay số trúng thưởng đối với các chủ điện thoại thuê bao cố định. Thế nhưng, phần lớn người “trúng thưởng” không những vỡ mộng với giải thưởng đặc biệt giá trị hàng trăm triệu đồng mà còn mắc lừa bạc triệu.
Thời gian qua, dư luận xôn xao về thông tin quay số trúng thưởng đối với các chủ điện thoại thuê bao cố định. Thế nhưng, phần lớn người “trúng thưởng” không những vỡ mộng với giải thưởng đặc biệt giá trị hàng trăm triệu đồng mà còn mắc lừa bạc triệu.
Khoảng 10 giờ ngày 23/5/2011, gia đình của chị Nguyễn Thị Anh Kiều, cư ngụ ấp Định Thới A (xã An Phước- Mang Thít) nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng tên Minh, nói là nhân viên Bưu điện huyện Mang Thít gọi đến thông báo rằng “Chủ thuê bao của số điện thoại 0703.94372… của gia đình chị đã trúng giải nhất đợt quay số trúng thưởng may mắn 6 tháng một lần với số tiền thưởng trị giá 235.000.000đ”. Để biết thêm thể lệ lãnh thưởng, tên Minh bảo chủ số điện thoại cố định này hãy liên lạc với ông Lê Văn Bảy (Giám đốc Bưu chính Viễn thông các tỉnh miền Tây), qua số điện thoại 0917.226458 và Minh cũng không quên cho số điện thoại của mình là 01276.083683.
Bị cáo Nguyễn Chí Tài.
|
Nhận được tin, gia đình chị Kiều nghĩ vận may đã đến, nhanh chóng gọi ngay số điện thoại của ông “Bảy giám đốc“ mà “nhân viên bưu điện huyện“ vừa báo để làm thủ tục nhận tiền thưởng hàng trăm triệu đồng.
Gọi điện thoại cho ông “Bảy giám đốc” thì ông bảo gia đình chuẩn bị 10.500.000đ để làm phí nhận giải và đem số tiền đó đến Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Thít gửi vào số tài khoản 6902205048923 của chị Lê Thị Bích Tuyền số CMND 365503703, cấp ngày 12/2/2001 tại Công an tỉnh Sóc Trăng (chỗ ở của chị Tuyền tại Ấp 2, xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra, ông Bảy còn hướng dẫn, sau khi chị Kiều chuyển tiền vào tài khoản xong, khi nhận được biên lai thì gửi số CMND của chị để ông Bảy biết để chuyển tiền về bưu điện gần nhất.
Chị Kiều đã thực hiện đúng theo những gì ông “Giám đốc Bưu chính Viễn thông các tỉnh miền Tây” đã dặn. Tiền đã chuyển xong, biên lai cũng đã nhận nhưng chị Kiều đợi mãi, đợi mãi đến cuối giờ chiều vẫn không nhận được tiền từ phía bưu điện, liền gọi điện thoại cho ông Bảy và Minh thì chỉ nhận được trả lời: “Thuê báo quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được…”. Khi đó, chị Kiều và gia đình mới chợt tỉnh mộng phát hiện mình đã bị lừa, đành ngậm ngùi quay về và đến cơ quan công an trình báo.
Nhận được tin báo, các đồng chí công an nhận thấy đây là vụ lừa đảo có tính chất phức tạp, thủ đoạn rất chuyên nghiệp và tinh vi nên khi nhận được thông tin trên, lực lượng Công an huyện Mang Thít tỉnh Vĩnh Long đã nhanh chóng lập kế hoạch điều tra, xác minh với quyết tâm truy cho bằng được đối tượng phạm tội đưa ra xử lý trước pháp luật và thu tài sản về cho người bị hại.
Vụ án đang trong quá trình điều tra thì ở một tỉnh khác liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo tương tự. Với biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã làm rõ mấu chốt người đứng tên trong tài khoản để rút tiền không có liên quan đến vụ án và đối tượng thường xuyên rút tiền thông qua thẻ ATM thuộc hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Từ đó, cơ quan điều tra nhận định: Đối tượng ở địa phương khác sử dụng giấy CMND giả để đăng ký tài khoản rút tiền qua hệ thống ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Vì vậy, Công an huyện Mang Thít đã chủ động phối hợp với Công an huyện Cái Bè và các Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT phía Nam để “giăng mẻ lưới bắt cá”…
Giăng lưới không lâu thì “con cá” dính lưới. Khoảng 16 giờ ngày 29/7/2011, đối tượng khi đến cây ATM thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) và đang rút tiền thì lập tức đối tượng đã bị lực lượng công an bắt giữ.
Tại cơ quan Công an huyện Mang Thít, đối tượng khai nhận tên thật là Nguyễn Thị Út (SN 1983, cư ngụ ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Trước đó, Út đã có 2 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào năm 1996 và 2007. Ra tù không lâu, ngựa quen đường cũ, muốn có tiền tiêu xài nhưng không phải lao động vất vả nên Út tiếp tục tìm cách lừa đảo để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Phương thức lừa đảo là sử dụng giấy CMND mang tên Lê Thị Bích Tuyền mà trước đó Út đã nhặt được mang về thay ảnh vào rồi đến ngân hàng đăng ký tài khoản qua thẻ ATM. Út lên mạng Internet tìm danh bạ điện thoại cố định và nắm rõ họ, tên, số điện thoại, địa chỉ của chủ máy; rồi gọi điện thông báo gia đình đã trúng thưởng với số tiền hàng trăm triệu đồng để lừa gạt những ai nhẹ dạ cả tin và hám lợi.
Theo lời khai ban đầu của Nguyễn Thị Út, lực lượng công an đã truy bắt được đồng bọn của Út đó là Nguyễn Chí Tài (chồng của Út). Trong quá trình điều tra, cả hai khai nhận chỉ sau chưa đầy 2 tháng, bằng thủ đoạn trên thị đã lừa gạt tài sản của 17 đối tượng ở nhiều tỉnh khác nhau Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang và Bến Tre, với tổng số tiền gần 200 triệu đồng.
Vào ngày 19/6/2012, TAND huyện Mang Thít đã đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử lưu động tại xã An Phước trước sự chứng kiến của hàng trăm bà con.
Trước tòa, bị cáo khai nhận: “Hàng ngày, Tài làm nghề y học cổ truyền do cha mẹ truyền lại với khoảng thu nhập khoảng 50.000- 70.000 đ/ngày. Lao động vốn vất vả nhưng thu nhập chẳng có là bao. Bị cáo thấy cái gì cũng trúng thưởng, cũng khuyến mãi và tự hỏi sao điện thoại cố định không có. Từ đó, bị cáo mới thực hiện các vụ lừa đảo trên để có tiền sang Campuchia đánh bạc”.
Với hành vi trên, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Tài 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Út 2 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chỉ vì hám lợi mà không ít bị hại đã rơi vào cạm bẫy của vợ chồng Út- Tài. Hiện nay, các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng rất đa dạng, khi nhận được những thông tin trúng thưởng, người được cho là trúng thưởng cần liên hệ ngay với cơ quan chủ quản để nắm thông tin và khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì báo ngay cho cơ quan công an.
Bài, ảnh: TRẦN NGUYỄN (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin