Cảnh giác với “bán hàng theo xe”

10:07, 11/07/2012

Những chuyến xe xuất bến hay ghé trạm rước khách thường có đội quân bán hàng rong tranh thủ đeo bám, lên xe rao bán đủ thứ. Nhiều người bán hàng cũng không rõ nguồn gốc hàng hóa mình bán, thậm chí biết là hàng giả... và mục đích chính của họ là gạt tiền của khách đi xe. Khi khách phát hiện thì họ đã nhanh chân xuống xe “chuồn” mất.

Những chuyến xe xuất bến hay ghé trạm rước khách thường có đội quân bán hàng rong tranh thủ đeo bám, lên xe rao bán đủ thứ. Nhiều người bán hàng cũng không rõ nguồn gốc hàng hóa mình bán, thậm chí biết là hàng giả... và mục đích chính của họ là gạt tiền của khách đi xe. Khi khách phát hiện thì họ đã nhanh chân xuống xe “chuồn” mất.

Cách đây hơn 1 tháng, anh Huỳnh Văn Hải (Vũng Liêm) đi chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh về quê. Xe tới Tiền Giang ghé vào quán ăn, có một nhóm người xách giỏ đệm lên xe rao bán bánh phồng sữa, nem Lai Vung. Anh Hải nghe giới thiệu hấp dẫn và biết nem Lai Vung nổi tiếng nên mua 4 chùm, giá 100.000đ đem về làm quà cho người thân. Về nhà, anh Hải mở nem ra ăn thử mới tá hỏa, vì bên trong ruột nem đã bị mốc, mùi hôi. Anh Hải bức xúc: May mà chưa tặng bà con, nếu không họ buồn mình vì cho đồ đã hư… Một số người có kinh nghiệm đi xe khách cho biết: Khi xe dừng lại, đội quân bán hàng rong như trứng cút luộc, nem, cơm hộp,… thi nhau bán- thường là đồ qua đêm- nhưng ăn uống vào sẽ bị “tào tháo rượt”.

Một kiểu lừa khác cũng rất phổ biến trên các chuyến xe khách đường dài hay ở các bến tàu mà bà con thường bị “sụp bẫy”. Đó là chiêu bán thuốc của đội quân “sơn đông mãi võ”. Họ giới thiệu nghe rất bùi tai, nào là thuốc gia truyền của các tu sĩ ẩn cư trên núi, bào chế từ thảo dược quý hiếm. Thuốc được đựng trong chai nhỏ (loại nước), bịch nhựa có vài viên đen như thuốc tễ, không có nhãn mác hoặc có khi có mà địa chỉ là… giả. Theo họ, thuốc này trị được bá bệnh, kể cả bệnh nan y hoặc HIV. Họ hứa chắc nịch: “uống không hết thì không lấy tiền”. Thế nhưng, với nhiều người, “thuốc uống hết... nhưng bệnh còn ở lại” (thậm chí tích tụ thêm bệnh) nhưng làm sao đòi tiền lại khi “tiền trao, cháo múc”?

Nghiêm trọng hơn có người uống thuốc vào suýt mất mạng như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhạn (Tam Bình). Một lần chị Nhạn đi xe từ TP Hồ Chí Minh về quê, có chị phụ nữ lên xe giới thiệu bán thuốc trị bệnh phụ nữ. Theo chị ta: “Thuốc này rất hay, uống với nước cơm vo, 2 lần trong ngày thì bệnh sẽ giảm rõ rệt. Sau đó, bà con thấy hiệu quả liên hệ theo địa chỉ ghi trên bao bì mua tiếp hay ra bến xe này mua ủng hộ…” Nghe đúng bệnh, chị Nhạn mua 5 bịch thuốc, mỗi bịch 10 viên màu đen, giá 100.000đ. Về nhà chị Nhạn uống theo chỉ dẫn của người phụ nữ. Mới dùng xong bịch thuốc đầu tiên thì chị bị tiêu chảy, sốt mê man, gia đình phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết, chị Nhạn bị ngộ độc. Khi chị Nhạn bình phục sức khỏe, điện thoại theo địa chỉ ghi trên bao bì thuốc tổng đài trả lời “số máy này không tồn tại”.

Một chiêu lừa khác là họ thường bán hàng rẻ tiền, nhưng ai mua mà đưa tiền mệnh giá lớn thì “trúng kế” họ ngay. Bà Nguyễn Thị Cưng (Tam Bình) đi xe lên Bình Dương thăm người con làm công nhân. Khi xe tới địa phận tỉnh Long An, tài xế ghé đổ xăng thì bà Cưng mua 1 ổ bánh mì, bịch nước ngọt giá 15.000đ, đưa tờ tiền mệnh giá 100.000đ, người phụ nữ bán hàng bảo để đi đổi tiền lẻ thối lại. Xe đổ xăng xong nhưng không thấy cô ta trở lại thối tiền. Khi đó, tài xế và những người đi chung xe cho biết “cô ta không bao giờ trở lại đâu, vì đó là “mánh” của bọn bán hàng rong theo xe”. Còn anh Võ Minh Tâm (Long Hồ) mua tờ báo giá 5.000đ, đưa tờ 20.000đ thì người bán báo lấy tiền rồi quay mặt ngó lơ không nói gì chuyện tiền còn dư. Anh Tâm thắc mắc thì người bán báo trả lời tỉnh queo “bán tờ báo mệt lắm, phần dư coi như tiền boa”. Vừa dứt câu, anh ta nhảy xuống xe lẩn vào đám đông mất dạng. Anh Tâm chỉ còn biết lắc đầu với kiểu bán hàng như giật tiền của khách. Và còn rất nhiều chiêu bán hàng lừa gạt tiền của khách đi xe.

Bà con đi xe khách cẩn thận khi mua hàng rong theo xe để không bị vừa mất tiền vừa mang họa vào thân.

NGỌC THUẬN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh