Đầu thú chứ không phải tự thú

08:07, 04/07/2012

Hối hận trước việc đã làm, bị cáo vào bệnh viện thăm bị hại rồi đến công an xã thừa nhận hành vi chém người gây thương tích.

Hối hận trước việc đã làm, bị cáo vào bệnh viện thăm bị hại rồi đến công an xã thừa nhận hành vi chém người gây thương tích.

Bị cáo Thái Hiếu Nghĩa (SN 1984- ngụ ấp Tân Quới Tây, xã Trường An- TP Vĩnh Long) và bị hại Đặng Văn Chính là chỗ quen thân ở cùng một xóm. Nhưng chỉ vì một chút hơn thua, Nghĩa đã khiến người bạn láng giềng của mình trở thành kẻ tàn phế, còn bản thân thì phải lâm cảnh tội tù.


Bị cáo Nghĩa trong giờ nghị án.


Trước vành móng ngựa, Thái Hiếu Nghĩa tỏ ra hối hận, kể: Khoảng 9 giờ ngày 6/11/2011, Nghĩa đang ngồi nhậu tại nhà cùng với 2 người bạn thì Chính cùng một người tên Liêm ghé vào. Lai rai được một lúc thì Nghĩa và Liêm xảy ra cự cãi nên Nghĩa đuổi Liêm về. Hai người bạn của Nghĩa thấy vậy cũng đứng dậy ra về. Còn lại Nghĩa và Chính tiếp tục nhâm nhi, nhưng nhậu mới vài ly thì cả 2 lại cự cãi và thách thức chém nhau. Do đó, sau khi dọn dẹp tiệc nhậu xong, khoảng 13 giờ cùng ngày, Nghĩa lấy cây dao yếm giấu vào người rồi đi tìm và chém anh Chính gây thương tích.

Có mặt tại tòa, bị hại Đặng Văn Chính bảo: “Lúc cự cãi, cả 2 đều nóng giận nên có thách thức và hẹn đến cầu Bà Bông chém nhau. Sau đó, tôi bỏ về và cứ tưởng mọi chuyện đã êm. Không ngờ, Nghĩa lại đi tìm và chém tôi”.

Theo cáo trạng truy tố Thái Hiếu Nghĩa: Trên đường đến nhà anh Chính, Nghĩa thấy anh Chính nằm ngủ trên võng nhà hàng xóm liền vào gọi anh Chính dậy đến cầu Bà Bông uống cà phê. Anh Chính tưởng thật, bảo Nghĩa đi trước rồi về nhà lấy xe chạy theo. Đến cầu Bà Bông, anh Chính vừa bước xuống xe thì Nghĩa lên tiếng: “Lúc nãy anh nói, vậy bây giờ mình chơi hé (ý rủ chém nhau- PV)”. Anh Chính trả lời: “Ok”. Nghĩa liền rút dao chém anh Chính tới tấp từ trên xuống. Theo phản xạ, anh Chính đưa 2 tay lên đỡ và bị thương ở khuỷu tay, được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu, còn Nghĩa bỏ chạy. Kết quả giám định, anh Chính bị Nghĩa chém gây thương tích ở 2 khuỷu tay với tỷ lệ thương tật 24% gây hạn chế vận động cầm nắm và co duỗi khớp khuỷu.

Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo đã có một tiền sự về hành vi gây rối trật tự, nay tiếp tục chém người gây thương tích, bị cáo biết như thế sẽ bị phạt nặng không?” Nghĩa biện minh: “Tại bị hại rủ nên bị cáo mới lấy dao ra chỗ hẹn nhưng sau khi chém 3 nhát, thấy bị hại không có mang theo hung khí bị cáo đã dừng lại rồi”. Chủ tọa chất vấn tiếp: “Bị hại rủ nhưng nếu bị cáo không hơn thua thì có dẫn đến sự việc hôm nay không?” Nghĩa cúi đầu, hối hận: “Bị cáo biết mình đã sai nên sau đó đã vô bệnh viện thăm bị hại rồi đến Công an xã Trường An thú tội”.

Trong phần tranh luận, khi nghe vị kiểm sát viên luận tội và đề nghị HĐXX phạt bị cáo Nghĩa từ 3- 4 năm tù giam tội “Cố ý gây thương tích”, luật sư bào chữa bị cáo cho rằng “mức án trên là cao so với hành vi phạm tội của bị cáo vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét như: sau khi gây án đã đến cơ quan công an tự thú; quá trình điều tra cũng như tại tòa, bị cáo đã thật thà khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải, hậu quả đã được khắc phục một phần,…” Tuy nhiên, theo quan điểm của vị kiểm sát viên và nhận định của HĐXX thì việc bị cáo Nghĩa đến Công an xã Trường An thú nhận hành vi chém anh Chính gây thương tích diễn ra sau khi cơ quan công an phát hiện nên chỉ được xem là đầu thú chứ không phải tự thú.

Căn cứ vào những chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa, HĐXX TAND TP Vĩnh Long vừa tuyên án sơ thẩm phạt Thái Hiếu Nghĩa 3 năm tù giam tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, b khoản 1 và khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Tại điểm a, b khoản 1 và khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự, tội “Cố ý gây thương tích” được quy định như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a. Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn nguy hại cho nhiều người.

b. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.


Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh