Chuyện vui của nhà báo mảng an ninh đời sống

07:06, 22/06/2012

Trong nghề làm báo, chuyện vui nhiều, chuyện buồn không ít. Tôi cũng thế nhưng chuyện vui buồn ấy trở thành những kỷ niệm khó quên. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin chia sẻ niềm vui, nỗi buồn ấy cùng với đồng nghiệp và bạn đọc.

Trong nghề làm báo, chuyện vui nhiều, chuyện buồn không ít. Tôi cũng thế nhưng chuyện vui buồn ấy trở thành những kỷ niệm khó quên. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin chia sẻ niềm vui, nỗi buồn ấy cùng với đồng nghiệp và bạn đọc.


Nghề báo là nghề vất vả lại đối mặt nhiều nguy hiểm. Ảnh: ĐỒNG BẰNG


“Thót tim” gặp lại nhân vật trong bài viết

Trong nghề báo, gặp lại nhân vật trong bài viết của mình là chuyện bình thường. Nhưng đối với nhà báo chuyên viết lĩnh vực tệ nạn xã hội, nhân vật trong bài thường là những tay anh chị giang hồ, “thích” nói chuyện với nhau bằng dao búa và từng vào tù ra khám thì gặp lại họ trong đêm khuya vắng người làm sao không “thót tim”?

Cách đây không lâu, tôi viết bài về nạn hít keo. Đây là loại tệ nạn mới đang lan truyền nhanh trong giới trẻ thanh thiếu niên. Đối tượng hít keo thường là dân “lang bạt kỳ hồ”, lấy công viên, vỉa hè làm nhà. Trên người họ xăm đầy hình thù vằn vện và xử sự nhau theo kiểu giang hồ. Sau khi bài viết đăng trên báo được vài tháng thì tình cờ tôi gặp lại nhân vật trong bài khi chờ một chuyến phà đêm. Anh ta tên Trí quê ở tỉnh Tiền Giang. Thấy tôi, Trí đi tới hỏi:

- Anh còn nhớ tôi không?

Thấy Trí và đám bạn của Trí tóc tai nhuộm đủ màu, tôi đoán là không phải dân… thường. Thấy tôi nhăn mày cố nhớ, Trí nói tiếp:

- Mấy tháng trước, tôi hít keo bị Công an Phường 2 bắt. Anh đến chụp hình viết báo nè…

Đến đây tôi mới nhớ ra và hơi bối rối, bởi đám bạn của Trí gần chục người, trông ai cũng bặm trợn. Tôi bắt tay Trí:

- Ờ… Tôi nhớ ra bồ rồi. Bây giờ bồ còn hít keo không?

Trí cười hô hố:

- Cũng nhờ bài báo của anh viết, tôi đọc được mới biết tác hại của hít keo và từ đó tôi cũng bỏ luôn cái thú chơi độc hại đó rồi. Tôi còn khuyên mấy thằng bạn chơi chung bỏ hít keo nữa đó.

Đang nói chuyện thì phà cặp bến, Trí đến dẫn xe tôi xuống phà. Tuy cả hai nói chuyện rất thân tình nhưng tôi không khỏi cảnh giác: Không biết Trí và đám bạn có muốn “xử” nhà báo vì chuyện chụp hình họ đăng báo? Chuyến phà hôm ấy chỉ khoảng 5 phút nhưng tôi cảm thấy như dài ra rất nhiều. Song, mọi chuyện không như tôi nghĩ, Trí rất lịch sự dẫn xe lên giùm, còn chúc tôi về nhà ngủ ngon. Tôi thật áy náy vì đã nghĩ không đúng về “nhân vật”, song cũng cảm thấy vui, hạnh phúc, bởi qua bài báo của mình, đã tác động đến xã hội và giúp bạn bè Trí bỏ được tệ nạn hít kéo nguy hiểm đang lan nhanh trong thanh- thiếu niên.

“Nhà báo… đời”?

Một ngày cuối tuần, tôi và mẹ đi chuyến đò từ Vĩnh Long về nhà ở cù lao Minh. Trên chuyến đò ấy, mẹ tôi gặp lại người bạn đi chợ Vĩnh Long về. 2 người bạn lâu ngày gặp nhau, tỏ ra rất vui mừng và họ ngồi gần bên để “tám” đủ chuyện trên đời. Đò ra giữa sông, những đợt sóng làm con đò chao nghiêng chóng cả mặt nhưng không làm gián đoạn cuộc trò chuyện của 2 người. Một lúc sau, 2 người chuyển sang “đề tài” con cái. Bạn của mẹ tôi hỏi:

- Nghe nói thằng con của bà đi học đại học. Bây giờ cháu làm gì rồi?

- Cháu ra trường hơn một năm nay và hiện cháu làm nhà báo.

Bà nghe xong nói như “dạy đời”: “Cho con đi học 4- 5 năm trời, tốn kém biết bao nhiêu tiền của, cuối cùng cũng làm nhà báo…”. Nói dứt câu, bà bạn mẹ tôi còn thở dài như tiếc rẻ cho… tôi. Mẹ tôi chưa kịp “thanh minh, thanh nga” thì bà nói tiếp: “Ngày trước phải nghe tôi để cháu ở nhà phụ giúp gia đình rồi cưới vợ, sinh con bây giờ có cháu nội bồng rồi. Thằng con trai tôi cũng cỡ tuổi con của bà, nghỉ học ở nhà làm vườn, cưới vợ và bây giờ có 2 con mặc sức ẵm bồng…”. Bạn mẹ tôi nói xong cười tươi như hoa, có lẽ hài lòng với gia đình hiện tại của mình. Còn tôi cũng chỉ biết cười vì bị hiểu nhầm là “nhà báo… đời”.

Lần khác, đi dự đám cưới, tôi tình cờ gặp lại người bạn tên Lâm quê ở xã Đồng Phú. Bạn bè hơn 4 năm rồi không gặp lại vì tôi bận học đại học rồi ra trường làm việc, còn Lâm thì tất bật với công việc mưu sinh phụ giúp gia đình. Lâm kéo tôi vào ngồi chung bàn uống trà tâm sự. Lâm hỏi:

- Hiện bạn đang làm gì ?

- Mình đang làm nhà báo.

Nghe tôi nói gương mặt đang vui của Lâm bỗng chùng xuống và Lâm gay gắt.

- Tôi hỏi thật, sao bạn nói vậy?

Nghĩ là tôi cà rỡn nên Lâm giận bỏ sang bàn khác ngồi. Buổi tiệc hôm đó đông người, nên tôi không có cơ hội gặp được Lâm để giải thích. Sau này mỗi lần gặp lại Lâm tôi chào hỏi, nhưng anh ta ngó lơ chỗ khác...

Một hôm, tôi có chuyến công tác về xã Đồng Phú. Tôi cùng với anh em trong xã xuống ấp thì gặp lại Lâm. Lần gặp này, Lâm mới biết mình là “nhà báo thật”. Lâm vui vẻ mời tôi về nhà chơi và Lâm bảo: “Trước đây mình hiểu nhầm, cứ nghĩ bạn mỉa mai mình. Bởi lúc đó mình đang thất nghiệp, bạn bè ở đây thường ví von là “nhà báo đời”, ăn bám gia đình…”. Sau buổi tiệc cởi mở đó, bạn bè hiểu nhau, tình cảm giữa tôi và Lâm khắng khít hơn.

Bài, ảnh: NGỌC THUẬN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh