Bị cản trở tác nghiệp chỉ vì... “dám chụp ảnh”

09:06, 21/06/2012

Hơn 20 năm làm báo là ngần ấy thời gian tôi gắn bó với mảng đề tài an ninh trật tự. Đây được xem là lĩnh vực khá nhạy cảm, đòi hỏi người viết phải cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ nên quá trình nắm tư liệu thường gặp nhiều vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Và một trong những kỷ niệm đáng nhớ vì nguy hiểm ấy là lần đi tác nghiệp ở TAND TP Vĩnh Long.

Hơn 20 năm làm báo là ngần ấy thời gian tôi gắn bó với mảng đề tài an ninh trật tự. Đây được xem là lĩnh vực khá nhạy cảm, đòi hỏi người viết phải cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ nên quá trình nắm tư liệu thường gặp nhiều vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Và một trong những kỷ niệm đáng nhớ vì nguy hiểm ấy là lần đi tác nghiệp ở TAND TP Vĩnh Long.

Hôm ấy, TAND TP Vĩnh Long mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử công khai hành vi “Cướp giật tài sản” của bị cáo N.T.T.- ngụ Phường 9 (TP Vĩnh Long). Phiên tòa có rất đông người đến dự nhưng tôi đặc biệt chú ý đến một phụ nữ tuổi trạc 60, ngồi nép mình ở góc cuối hội trường, đôi mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước. Được tôi bắt chuyện làm quen, người phụ nữ như cởi tấm lòng, sụt sùi kể: Bà là mẹ của bị cáo T.- đứa con trai mà bà đặt nhiều hy vọng nhất, cuối cùng cũng nối gót theo các anh bước vào vòng lao lý. Bà có tất cả 3 người con, đứa lớn vừa ở tù về, đứa kế thì vẫn còn trong trại vì nghiện ma túy, còn T. thì đang đứng trước vành móng ngựa.

Nhìn người mẹ khổ đau trước sự dại khờ, thậm chí vô cảm của những đứa con lầm lỡ, tôi chạnh lòng liền xin phép bà cho chụp một kiểu ảnh để làm tư liệu. Bà đồng ý và mong muốn thông qua câu chuyện của gia đình mình sẽ giúp được nhiều thanh niên lỡ bước hiểu được nỗi lòng cha mẹ, sớm quay về nẻo thiện. Nhưng khi tôi đưa máy ảnh lên bấm, đèn flash vừa lóe sáng thì một thanh niên hớt tóc đinh, tay đầy hình xăm đứng dậy văng tục, lườm mắt nhìn về phía tôi. Linh tính mách bảo tôi đã “đụng” phải dân chẳng vừa nên sau đó, tôi tìm cho mình một chỗ an toàn là ngồi cạnh các anh cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại tòa. Tuy nhiên, khi HĐXX vừa vào nghị án thì người thanh niên ấy xộc đến chỗ tôi “chất vấn”: “Hồi nãy, ai cho phép chị chụp hình mẹ tôi?” Tôi chỉ về phía người phụ nữ, trả lời: “Trước khi chụp ảnh, tôi có hỏi ý kiến của mẹ anh và đã được dì đồng ý”. Người thanh niên vẫn tỏ thái độ hằn học, bảo: “Mẹ tôi cho nhưng tôi không đồng ý. Chị đưa máy đây, xóa hết ảnh của mẹ tôi ngay”. Vừa nói, người thanh niên vừa giằng lấy máy ảnh trên tay tôi. Người phụ nữ thấy con làm dữ đã can ngăn: “Tao cho cô chụp đó. Mày đi về đi. Đừng quậy phá, làm khổ tao nữa!”.

Có lẽ sợ mấy anh cảnh sát đang có mặt ở tòa hơn là lời rầy la của mẹ nên người thanh niên bực tức bỏ đi nhưng anh ta không về mà cứ lảng vảng bên ngoài như chờ đợi tôi…

Dĩ nhiên tôi cũng có cách để tránh chạm mặt với người thanh niên ở bên ngoài phòng xử án ấy và bảo vệ an toàn cho chính mình cũng như tư liệu, hình ảnh cho bài viết. Sau đó, bài viết về những đứa con hư hỏng của người mẹ bán vé số ấy cũng đã lên báo và nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn đọc.

Nhiều năm đã trôi qua, tôi chưa lần nào được gặp lại người mẹ ấy nhưng hình ảnh của bà và tình huống bị con trai bà cản trở, đòi xóa những tấm ảnh chụp mẹ anh ta đã trở thành những ký ức không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh