Vụ kiện tạm kết thúc trong sự ngậm ngùi, chua xót của những người trong cuộc. Theo thời gian, mọi chuyện rồi cũng sẽ lắng đọng nhưng cái nghĩa, cái tình ngày nào chắc hẳn sẽ khó tìm lại được sau những vỡ vụn, chia lìa.
Vụ kiện tạm kết thúc trong sự ngậm ngùi, chua xót của những người trong cuộc. Theo thời gian, mọi chuyện rồi cũng sẽ lắng đọng nhưng cái nghĩa, cái tình ngày nào chắc hẳn sẽ khó tìm lại được sau những vỡ vụn, chia lìa.
>>Kỳ 1: Còn đâu hai chữ nghĩa tình!
Kỳ 2: Khi nghĩa tình đã cạn!
Trong thời gian HĐXX vào hội ý việc nguyên đơn đề nghị hoãn phiên xét xử để giám định lại tài sản, bên ngoài các đương sự nóng lòng chờ đợi chẳng khác gì ngồi trên… đống lửa.
Vụ kiện xử ly hôn của vợ chồng chủ tiệm vàng P.M.N. (TP Vĩnh Long) bước vào phần tranh luận, bất ngờ nguyên đơn là anh B.T.P. đề nghị hoãn phiên tòa để giám định lại giá trị tài sản đang tranh chấp. Tuy nhiên, qua hội ý, HĐXX cho rằng: Từ khi có kết quả đo đạc, định giá, TAND TP Vĩnh Long đã thông báo cho anh P. biết và thời hạn anh P. nhận thông báo lần 1, lần 2 đều trên 2 tháng, anh P. không hề khiếu nại gì. Tại phiên tòa, trước khi vào phần xét hỏi, anh P. được HĐXX hỏi “có đồng ý lấy giá của Hội đồng định giá làm cơ sở giải quyết vụ án không”, anh P. trả lời “đồng ý”. Bị đơn và các đương sự có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng đồng ý. Khi vụ án được xét xử, anh P. yêu cầu hoãn phiên tòa nhưng lại không đưa ra được lý do chính đáng. Khi HĐXX hỏi luật sư bào chữa cho anh P., vị luật sư này bảo: “Tôi cũng bất ngờ về vấn đề này”. Do đó, HĐXX không chấp nhận việc hoãn phiên tòa để định giá lại theo yêu cầu của anh P.
Qua phân tích các chứng cứ và lời khai của những người có liên quan, HĐXX nhận thấy: Mâu thuẫn giữa anh P. và chị T. quá trầm trọng không thể hàn gắn được nên công nhận sự thuận tình ly hôn của cả hai. Về con chung, anh P. yêu cầu được nuôi 3 người con “vì gia đình có nhiều người là bác sĩ, việc chăm sóc con cái là đủ khả năng, kể cả tài chính nên không cần cấp dưỡng”. Tuy nhiên, xét từ lúc ly thân đến nay và theo văn bản thỏa thuận ngày 20/10/2010, thì 3 người con được giao cho chị T. trực tiếp nuôi dưỡng. Chị T. hiện có chỗ kinh doanh buôn bán ổn định đủ khả năng nuôi các con ăn học. Còn anh P. hiện nay chưa có làm gì, đang sống phụ thuộc vào gia đình. Hơn nữa các cháu tuổi còn nhỏ, hiện đang sống cùng nhau và sống chung với mẹ, nếu thay đổi môi trường sống hoặc tách các cháu ra mỗi đứa một nơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và tinh thần của các cháu. Do đó, vì tương lai của các cháu sau này và cũng nhằm ổn định tinh thần cho các cháu nên để các cháu sống với mẹ và cho chị T. được tiếp tục ở căn nhà trên để kinh doanh nuôi các con là hợp lý.
Về tài sản chung, 2 bên đồng ý căn cứ theo giá của Hội đồng định giá tài sản để làm cơ sở giải quyết. Cụ thể, căn nhà và đất trên đường 3 Tháng 2 do chị V.T.M.Ph. (chị ruột của T.) đứng tên nhưng được chị Ph. thừa nhận là “đứng tên dùm”, theo định giá có giá trị 1.008.934.112đ sẽ được chia đôi theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình. Về việc anh P. yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận phân chia tài sản ngày 20/10/2010, với lý do lúc ký văn bản anh bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, qua 2 lần giám định, Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam và Phân viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương kết luận: Tại thời điểm 2 bên đương sự ký văn bản thỏa thuận phân chia tài sản, anh P. có biểu hiện phản ứng trầm cảm ngắn, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Với kết quả này thì anh P. không phải bệnh tâm thần như đã trình bày. Công chứng viên Tạ Thị Thật (Phòng Công chứng số 1 tỉnh Vĩnh Long) cũng xác định “tại thời điểm ký văn bản, anh P. hoàn toàn tỉnh táo” nên văn bản mà anh P. và chị T. ký vẫn có hiệu lực.
Do đó, HĐXX dân sự sơ thẩm TAND TP Vĩnh Long quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của anh P. và chị T., giao chị T. tiếp tục nuôi dưỡng các con đến tuổi trưởng thành. Anh P. có quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung theo quy định tại khoản 1 Điều 92 và Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình. Chị T. được quyền sử dụng, định đoạt căn nhà và đất trên đường 3 Tháng 2 và có trách nhiệm hoàn lại cho anh P. 504.467.056đ.
Anh P. được quyền sử dụng một phần đất ở Phường 4 và công nhận sự tự thỏa thuận giữa bà C. và chị T. (bà C. được hưởng số đất còn lại và có trách nhiệm hoàn phần giá trị đất cho chị T. tương đương 102.242.253đ).
Không chấp nhận yêu cầu của anh P. về việc yêu cầu chia các tài sản khác và số vốn lưu động đã được phân chia xong trong bản thỏa thuận ngày 20/10/2010.
Không chấp nhận yêu cầu của anh P. về việc yêu cầu ông V.V.Th., bà V.T.C. và vợ chồng anh T.Đ.H. trả lại số tiền, vàng đã nêu trong đơn khởi kiện bổ sung ngày 23/3/2011.
Không chấp nhận yêu cầu của chị T. về việc yêu cầu anh P. phải có trách nhiệm cùng trả số nợ 5,7 tỷ đồng cho Ngân hàng Công thương chi nhánh Vĩnh Long vì đây là nợ cá nhân của chị T., phát sinh sau khi văn bản thỏa thuận ngày 20/10/2010 đã ký kết nên anh P. không phải có trách nhiệm về số nợ này.
Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông V.V.Th. và bà V.T.C. về việc yêu cầu anh P., chị T. trả số nợ 8 tỷ đồng mượn trong thời kỳ hôn nhân (mỗi người 4 tỷ đồng).
Chấp nhận yêu cầu độc lập của chị V.T.M.Ph. về việc yêu cầu anh P., chị T. trả lại số tiền 2,5 tỷ đồng (mỗi người 1,25 tỷ đồng)- đây là số nợ chị Ph. thế chấp căn nhà trên đường 3 Tháng 2 cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh TP Vĩnh Long để vay vốn cho anh P. và chị T. kinh doanh. Buộc chị Ph. có trách nhiệm sang tên trả lại căn nhà và đất trên đường 3 Tháng 2 cho người được hưởng là chị T. sau khi chị T. thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ.
Giành quyền khởi kiện cho Ngân hàng Công thương chi nhánh Vĩnh Long và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh TP Vĩnh Long khi có yêu cầu.
Vụ kiện tạm kết thúc trong sự ngậm ngùi, chua xót của những người trong cuộc. Theo thời gian, mọi chuyện rồi cũng sẽ lắng đọng nhưng cái nghĩa, cái tình ngày nào chắc hẳn sẽ khó tìm lại được sau những vỡ vụn, chia lìa.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin