Ở nơi đó, người lầm lỡ không chỉ giảm bớt mặc cảm mà áp lực trên vai những người làm công tác bảo vệ cũng nhẹ gánh đôi phần. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, mô hình từng được nêu điển hình trong cả nước này đang xuống cấp cần cái “xiết tay” chặt hơn của những người quản lý.
Ở nơi đó, người lầm lỡ không chỉ giảm bớt mặc cảm mà áp lực trên vai những người làm công tác bảo vệ cũng nhẹ gánh đôi phần. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, mô hình từng được nêu điển hình trong cả nước này đang xuống cấp cần cái “xiết tay” chặt hơn của những người quản lý.
Mô hình hay nhưng…
Khu điều trị bệnh dành riêng cho can- phạm nhân của Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long được cán bộ trong trại gọi vui là “bệnh viện” dành cho người lầm lỡ, ra đời từ “mong muốn chia sẻ nỗi vất vả cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo vệ” của Đại tá Võ Văn Chương- Giám thị Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long.
Giường, ghế trang bị cho khu điều trị can- phạm nhân chỉ để xếp vào một góc phòng.
|
Theo Đại tá Chương, trong trại có trạm xá nhưng vì thiếu bác sĩ và trang thiết bị nên chỉ điều trị những bệnh thông thường và sơ cấp cứu cho can- phạm nhân. Những trường hợp bệnh nặng đều được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long điều trị chung với dân. Mỗi lần như thế, cán bộ bảo vệ của trại lại “mất ăn, mất ngủ” vì phải theo canh giữ suốt ngày đêm. “Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đề phòng can- phạm nhân lợi dụng chỗ bệnh viện đông người ra vào bỏ trốn, chúng tôi còn kiêm luôn công việc của người nuôi bệnh, rất cực. Suốt 24/24 giờ, chúng tôi không dám rời phòng bệnh, ngày thì đứng suốt ngoài hành lang, đêm đặt tạm ghế bố ngồi nghỉ chứ không dám ngủ, vừa canh can- phạm nhân, vừa chống chọi với muỗi. Có người sau một đêm trực, 2 cánh tay bị muỗi đốt y như… nổi ban”- Thượng úy Đặng Võ Dư Cần- người thường xuyên nuôi và bảo vệ can- phạm nhân nằm viện, kể. Còn Đại tá Chương thì chia sẻ: “Thấy lính cực quá, tôi chịu không nổi. Cộng với việc mỗi lần can- phạm nhân nằm viện, nhiều người qua lại cứ xầm xì: “Công an ác quá! Người ta bệnh mà còn còng chân”. Chúng tôi phải giải thích cho bà con hiểu đó là tội phạm giết người, trộm cướp, ma túy…, luật pháp quy định phải làm thế để đề phòng họ manh động, bỏ trốn. Lúc đó, mọi người lại quay sang dè chừng, kỳ thị làm mặc cảm tội lỗi trong can- phạm nhân càng lớn”.
Thấu hiểu được sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ bảo vệ trong đơn vị và nỗi mặc cảm mà những người trót bước chân vào con đường lầm lỡ phải đối mặt khi nằm điều trị bệnh chung với dân, Đại tá Chương đã mạnh dạn tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh xây dựng khu điều trị bệnh dành riêng cho can- phạm nhân. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ đỡ vất vả, đồng thời giúp can- phạm nhân xóa đi phần nào mặc cảm tội lỗi. Theo đó, khu điều trị bệnh dành cho can- phạm nhân được khởi công với kinh phí xây dựng trên 800 triệu đồng do UBND tỉnh hỗ trợ. Khu điều trị nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh gồm 5 phòng. Trong đó, có một phòng dành riêng cho cán bộ bảo vệ và y- bác sĩ trực, 4 phòng còn lại dành cho can- phạm nhân nằm điều trị, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào lưới B40 rất chắc chắn và an toàn. “Thấy khu điều trị xây dựng khang trang, anh em tụi tôi ai cũng mừng vì việc bảo vệ can- phạm nhân mỗi khi “trái gió trở trời” từ nay không còn vất vả nữa. Can- phạm nhân cũng có thể tự do đi lại trong hành lang tập thể dục, xem sách báo. Những phạm nhân cải tạo tốt còn được gia đình đến thăm và ở lại nuôi bệnh”- Thiếu úy Nguyễn Thái Hưng (Đội bảo vệ Trại tạm giam) phấn khởi tâm sự.
… Cần sự phối hợp chặt
Được biết, khu điều trị bệnh dành riêng cho can- phạm nhân ở Vĩnh Long là mô hình đầu tiên trong cả nước, được Bộ Công an tuyên dương điển hình trong toàn quốc vì đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lầm lỡ. Qua đó, nhiều địa phương như Sơn La, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh,… đã đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm để về áp dụng cho địa phương mình. Trong chuyến khảo sát việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác tạm giữ- tạm giam tại Vĩnh Long vừa qua, bà Lê Thị Nga- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đánh giá cao mô hình này. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, khu điều trị bệnh dành riêng cho can phạm nhân ở Vĩnh Long chưa phát huy hết tính tiện ích của nó nên kết quả chưa đạt như mong muốn ban đầu.
Khu điều trị dành cho can- phạm nhân cần được phát huy tác dụng.
|
Theo lời một cán bộ ở Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long: “Từ khi xây xong cho đến nay, khu điều trị bệnh của can- phạm nhân chỉ có vài trường hợp bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) được đưa xuống điều trị. Những bệnh khác, can- phạm nhân vẫn phải nằm chung với dân như trước vì bệnh viện bảo ở đây cách xa khu điều trị của bệnh viện, y- bác sĩ trực không thể bỏ số đông bệnh nhân trên ấy để xuống dưới này nên đưa can- phạm nhân vào điều trị chung với dân cho tiện. Do thế, tụi tôi vẫn phải căng sức ra bảo vệ như trước”.
Đến khu điều trị can- phạm nhân, nhìn cửa đóng im lìm, bên ngoài lá rụng rơi đầy hành lang, trong phòng giường, ghế đầy bụi, những tấm drap trải giường đã ngả màu vàng nằm la liệt dưới nền gạch, có phòng một góc trần nhà đã sụp, tường tróc loang lổ từng mảng,… chứng tỏ lâu rồi nơi này không có người quét dọn và nằm điều trị. Lý giải về sự xuống cấp và “bừa bộn” này, bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, bảo: “Tại không có “hơi” người ra vào nên mới vậy. Hiện chúng tôi đã sắp xếp cho số học sinh thực tập xuống đó nghỉ ngơi để các em vừa trông nom, vừa quét dọn cho sạch sẽ”.
Trao đổi với chúng tôi về những bức xúc mà số cán bộ ở Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long phản ánh, bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm cho rằng: Bệnh viện có đủ y- bác sĩ và sẵn sàng xuống khu điều trị can- phạm nhân phục vụ. Sở dĩ, thời gian qua khu này thường xuyên đóng cửa và chỉ có số ít bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nằm là vì anh em làm nhiệm vụ bảo vệ can- phạm nhân không muốn xuống đó. Lý do, khu điều trị bệnh của can- phạm nhân nằm cạnh “nhà xác” bệnh viện nên số cán bộ bảo vệ, nhất là anh em trẻ sợ… “ma”. Các y- bác sĩ ở khoa vì vị nể nên đã không chuyển bệnh nhân xuống khu điều trị dành riêng cho can- phạm nhân. “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh lại tình trạng này để việc điều trị bệnh cho can- phạm nhân được thực hiện đúng như cam kết ban đầu”- bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm khẳng định.
Thiết nghĩ, để khu điều trị bệnh dành riêng cho can- phạm nhân hoạt động hiệu quả, đúng với ý nghĩa và kỳ vọng của những người “khai sinh” ra nó, lãnh đạo Trại Tạm giam và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cần có sự phối hợp chặt chẽ và sâu sát hơn. Đặc biệt, với các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ điều trị và canh giữ can- phạm nhân, cần tuân thủ nghiêm quy định của ngành để một mô hình từng được nêu danh như khu điều trị bệnh dành cho can- phạm nhân ở Vĩnh Long không mang tiếng là lãng phí tiền của của Nhà nước.
Bài, ảnh: PHƯỢNG-TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin