Du lịch xanh- hướng phát triển bền vững

06:23, 12/07/2025

Phát triển du lịch và xây dựng NTM là 2 nhiệm vụ có tác động tích cực lẫn nhau. Với sự đổi mới tư duy, người dân tỉnh Vĩnh Long chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình du lịch xanh, “thuận thiên” góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng. 

Các điểm du lịch ngày càng chú trọng đầu tư, khai thác trò chơi giải trí vui nhộn, giúp du khách thêm nhiều trải nghiệm cùng văn hóa địa phương.
Các điểm du lịch ngày càng chú trọng đầu tư, khai thác trò chơi giải trí vui nhộn, giúp du khách thêm nhiều trải nghiệm cùng văn hóa địa phương.

Du lịch giữa thiên nhiên “vui là dĩ nhiên”... 

Trong những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương. Các yếu tố văn hóa truyền thống, sinh thái gắn với nông nghiệp đã được khai thác một cách sáng tạo để phục vụ du khách, như: khuyến khích xây dựng nhà có phòng cho thuê mang phong cách truyền thống địa phương, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường; người dân sử dụng món ăn, mặc trang phục truyền thống phục vụ du khách… Những hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân,... hấp dẫn du khách nước ngoài. 

Chương trình xây dựng NTM giúp nếp sống, cảnh quan và cơ sở vật chất hạ tầng địa phương ngày càng hoàn thiện, góp phần hình thành và nâng cao chất lượng của các dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững thông qua việc tăng thu nhập, tạo thêm sinh kế cho nông hộ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP. 

Cồn Chim thuộc địa phận xã Hòa Minh, được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên, có diện tích tự nhiên 62ha. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, xây NTM đã làm thay đổi diện mạo của xã. Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2025 tại Malaysia mới đây, Việt Nam có 17 đơn vị được trao Giải thưởng Du lịch ASEAN 2025 ở 4 hạng mục. Trong đó, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim được nhận giải thưởng ở hạng mục Du lịch cộng đồng ASEAN-CBT ASEAN. 

Du khách thích thú trải nghiệm du lịch tại Cồn Chim, hòa mình cùng thiên nhiên.
Du khách thích thú trải nghiệm du lịch tại Cồn Chim, hòa mình cùng thiên nhiên.

Điểm độc đáo ở Cồn Chim là du khách có thể hòa mình cùng thiên nhiên, tìm hiểu, trải nghiệm sinh kế “thuận thiên” và thưởng thức món ăn dân dã Nam Bộ, tham gia trò chơi dân gian đặc sắc. Với cách làm du lịch đặc biệt, mỗi nhà dân phục vụ những món sở trường của mình. Nhà cô Sáu Giàu với bánh xèo giòn rụm; bếp xưa của cô Vân thì có mứt từ dừa non, chén sương sâm mát lạnh; ghé thăm nhà cô Ba Sữa sẽ được ăn bánh rau mơ từ lá mơ quanh nhà trồng hay ghé vườn dừa Bé Thảo giải khát với dừa tươi cùng ống hút cỏ thân thiện môi trường…

Anh Nguyễn Thanh Luân- quản lý Homestay Hoàng Long đon đả mời gọi: “Du lịch thiên nhiên, vui là dĩ nhiên. Xin mời bạn đến Cồn Chim, thưởng thức đặc sản do chính người dân nuôi trồng, đánh bắt. Cồn Chim được lưu giữ truyền thống, văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Trên hết là cả cái tâm của người làm du lịch đặt vào mỗi sản phẩm phục vụ du khách”. 

Nhiều địa phương phát triển du lịch theo hướng sinh thái. 
Nhiều địa phương phát triển du lịch theo hướng sinh thái. 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Cồn Chim cho biết, khi mới ra đời, mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim có 11 hộ tham gia. Đến nay phát triển lên 25 hộ, cho thu nhập tăng thêm từ 30-40 triệu đồng/tháng/hộ. Tất cả người dân nơi đây đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đặc biệt là sản xuất hoàn toàn sạch, không sử dụng phân thuốc hóa học để bảo vệ môi trường tự nhiên và sức khỏe cộng đồng.

Ước tính mỗi năm HTX đạt doanh thu khoảng 5 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đón hơn 85.000 lượt khách, trong đó, khách nội địa là 79.800 lượt, khách quốc tế 810 lượt. Tổng doanh thu trong 5 năm đạt khoảng 24 tỷ đồng. 

Khai thác tiềm năng văn hóa bản địa

Chị Phạm Thị Ngọc Trinh gửi gắm hết tất cả tâm huyết vào Út Trinh Homestay (xã An Bình), xây dựng mô hình du lịch miệt vườn mang đậm nét văn hóa Nam Bộ. Không gian homestay do chị thiết kế mang cảm giác ấm cúng, gợi nhớ ký ức quê nhà: nhà ngói xưa, bếp củi đỏ lửa, khu vườn trái cây xanh mát.

Du khách đến đây được trải nghiệm các hoạt động đậm chất miền Tây như đạp xe, chèo xuồng, bắt cá, làm bánh, thưởng thức món ăn dân dã và trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo như đốt đèn dầu nghe đờn ca tài tử, đốt đuốc xem hát bội…

Homestay Út Trinh là một trong những homestay trong cụm đạt giải ASEAN đầu tiên cả nước, đại diện cho cả miền Nam năm 2017 về dịch vụ lưu trú. Đặc biệt, mô hình của chị không chỉ phát triển kinh tế mà còn lan tỏa giá trị cộng đồng: tạo việc làm cho phụ nữ địa phương, liên kết nông dân tổ chức tour tham quan vườn, hỗ trợ xây nhà, làm đường, xây thư viện “miệt vườn” giúp trẻ em địa phương học tiếng Anh, đọc sách.

Qua tour “Vương quốc đỏ”, Út Trinh muốn giới thiệu di sản độc đáo của địa phương.
Qua tour “Vương quốc đỏ”, Út Trinh muốn giới thiệu di sản độc đáo của địa phương.

Ngoài ra, chị còn tích cực phát huy giá trị di sản địa phương như làng gạch gốm truyền thống qua tour “Vương quốc đỏ”. Với 39 tàu vận chuyển, chị Trinh tiếp tục mở rộng tour tuyến, kết nối với sản phẩm OCOP và nông nghiệp địa phương, hướng đến du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế- xã hội Vĩnh Long.

Nông trại “Người giữ rừng” (xã Bình Đại) được biết đến là nơi tiên phong xây dựng mô hình giữ và trồng rừng, nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác du lịch. Đây là ý tưởng khởi nghiệp của anh Nguyễn Tấn Vàng, với mong muốn tối đa hóa giá trị của rừng ngập mặn, bảo vệ rừng bằng cách làm du lịch sinh thái, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng đến với nhiều người.

Đến nông trại, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn như: đi xuồng vào rừng bẫy cua, bắt vẹm, hàu, giăng lưới bắt cá tại những khu vực cho phép… như một nông dân thực thụ. Theo anh Tấn Vàng, nông nghiệp bền vững là giải pháp cho nông dân trong thời kỳ hội nhập 4.0. Nó mang lại cơ hội cho những người nông dân nhạy bén và cũng là thách thức buộc chúng ta phải thay đổi để phát triển. 

Trong những năm gần đây, các chính sách, định hướng phát triển du lịch hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Đến với “vương quốc đỏ” của Vĩnh Long, du khách sẽ được khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo. 
Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Đến với “vương quốc đỏ” của Vĩnh Long, du khách sẽ được khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo.  Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Trong định hướng phát triển du lịch nông thôn, cần phải chú trọng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao; khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp, làng nghề.

Cần xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo của địa phương để phục vụ du khách và lôi cuốn để du khách thực sự muốn “được chi tiêu”. Khai thác các giá trị đặc thù về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử của nông thôn để tạo thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển du lịch chiều sâu theo hướng sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe. 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Cồn Chim: Hướng tới HTX sẽ duy trì đồng quản lý sông Cồn Chim, đồng thời triển khai thêm một số mô hình du lịch mới để phục vụ du khách, như đưa khách bằng xuồng ba lá, để du khách trải nghiệm du lịch ven sông. Bên cạnh đó, HTX cũng đẩy mạnh thực hiện bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đánh bắt thủy sản ở cồn theo thời gian quy định, không đánh bắt trong mùa sinh sản… HTX mong muốn sẽ trở thành điểm du lịch thú vị, đáng nhớ, mang đậm nét đặc sắc riêng khi du khách đến đây. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh