Nằm giữa hạ nguồn dòng Hậu Giang, cù lao Mây- hay Vân Châu, không chỉ là một vùng đất trù phú mà còn là nơi lưu giữ những lớp trầm tích lịch sử, văn hóa của quá trình khẩn hoang, định cư và đấu tranh dựng nước của người Việt ở Nam Bộ suốt hơn 2 thế kỷ qua.
Những tên làng cổ như Phú Mỹ, Hậu Thạnh, Long Hưng không chỉ là địa danh trên bản đồ mà còn là những biểu tượng của quá trình hình thành xóm làng, tạo dựng cuộc sống mới giữa bốn bề sông nước....
![]() |
Không gian Khu du lịch Chợ nổi Trà Ôn tái hiện không gian chợ nổi xưa. |
Áng mây giữa lòng sông Hậu
Tên gọi “cù lao Mây” mang nhiều cách lý giải. Có người cho rằng vì nơi đây từng có nhiều cây mây rừng, người dân khai phá thấy “chặt phía trước thì phía sau lại mọc lên”, nên gọi là cù lao Mây. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Bách Khoa- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, cách lý giải này không thật thuyết phục: “Nếu gọi vùng đất theo cây đặc trưng thì cây đó phải thật nhiều, ví dụ như vùng đó toàn mây chẳng hạn, đằng này cây mây cũng có nhưng rất ít”.
Thay vào đó, TS Nguyễn Bách Khoa cho rằng tên gọi Vân Châu- tức “cù lao Mây” theo âm Hán Việt, mới thực sự phản ánh câu chuyện có thật trong lịch sử gắn với chúa Nguyễn Ánh vào cuối thế kỷ XVIII. “Khi bị rượt đuổi, chúa Nguyễn Ánh chạy về vùng này. Từ xa, ông nhìn thấy trên vùng nước có một vùng đất như áng mây là đà là đà. Khi đến gần, ông thấy đây là nơi thuận lợi để ém quân và trú ẩn. Vì thế, ông gọi là Vân Châu”- ông chia sẻ.
Vân Châu, theo cách gọi dân gian về sau trở thành cù lao Mây. Đồng thời, sau khi lập nhà Nguyễn, vua Gia Long lên ngôi từng ban tên nhiều địa danh ở Nam Bộ- vùng đất ông gắn bó suốt 25 năm bôn ba. “Cây bần mọc ven bờ cù lao này cũng do vua đặt tên là Thủy Liễu. Đó là minh chứng cho sự hiện diện và dấu ấn của nhà Nguyễn tại vùng đất này”- TS Nguyễn Bách Khoa cho biết thêm.
Trong suốt quá trình trị nước, nhà vua luôn khuyến khích chính sách di dân vào Nam để khai khẩn những vùng đất còn hoang vu. Nhiều gia đình ở miền Trung đã vào Nam Bộ định cư ở giai đoạn này. Dấu ấn khẩn hoang và xây dựng làng xã tại cù lao Mây được thể hiện rõ nét qua quá trình hình thành các làng cổ như Phú Mỹ, Hậu Thạnh, Long Hưng vào đầu thế kỷ XIX. Trong đó, làng Hậu Thạnh nổi bật với ngôi đình hơn 200 năm tuổi.
Ông Trần Đại Chấn- Phó Ban Quản lý di tích đình Hậu Thạnh chia sẻ: “Làng Hậu Thạnh của chúng tôi được cụ bà Trần Thị Vạng, người Quảng Ngãi vào đây thành lập làng. Bà tập trung dân cư và đứng ra xin với triều đình lập làng, rồi bà tổ chức thành lập đình. Lúc đầu đình chỉ được làm bằng tre lá, và từ năm 1924 được trùng tu như ngày hôm nay”.
Không chỉ là công trình kiến trúc tôn nghiêm, đình Hậu Thạnh còn là nơi gắn bó tâm linh với cộng đồng dân cư. Năm 1852, vua Tự Đức đã sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh cho ngôi đình. “Sắc phong ấy hiện vẫn còn được Ban quản lý giữ gìn cẩn thận và trở thành bảo chứng quan trọng khẳng định giá trị ngôi đình cũng như minh chứng cho hành trình lập làng trên cù lao Mây từ hàng trăm năm trước”- ông Chấn nhấn mạnh.
Không chỉ là vùng đất khẩn hoang, cù lao Mây còn là điểm nối giao thương quan trọng trên thủy trình miền Tây. Chợ nổi Trà Ôn- nơi những ghe thương hồ từ Cà Mau, Bạc Liêu dừng chân trước khi ngược lên Gia Định- từng là một trung tâm buôn bán nhộn nhịp từ lúc trời chưa sáng. “Chợ họp từ mờ sáng, đến tầm 9 giờ thì lắng. Sự huyên náo, đông đúc của chợ nổi Trà Ôn đã góp phần làm nên thương hiệu nức tiếng miền Tây”- TS Nguyễn Bách Khoa cho hay.
Hồi sinh ký ức chợ nổi Trà Ôn
![]() |
Nghề làm bánh tráng ở cù lao Mây được bao thế hệ tiếp nối giữ gìn. |
Giữa vùng cù lao yên bình của xã Lục Sỹ Thành, Khu du lịch Chợ nổi Trà Ôn do anh Trần Minh Vẹn đầu tư đang từng ngày tái hiện lại một phần ký ức vàng son của miền sông nước. Từ những kỷ niệm thời thơ ấu theo cha đi bán lò chụm củi khắp các chợ nổi, đặc biệt là chợ Trà Ôn, anh Vẹn đã ấp ủ mong muốn phục dựng không gian chợ nổi ngày xưa, như một cách gìn giữ hồn quê giữa thời cuộc đổi thay.
Vài năm trước, sau khi mua được mảnh đất ngay bến sông xưa- nơi chợ nổi Trà Ôn từng tấp nập ghe xuồng, anh Vẹn bắt tay vào việc phục dựng không gian chợ nổi. Biết rằng muốn khơi dậy ký ức thì cần có hiện vật gắn liền với ký ức, anh đã cất công tìm đến những người từng là thương hồ buôn bán trên sông để mua lại các chiếc ghe hàng cũ.
Đến nay, anh đã thu thập hơn 30 chiếc ghe hàng, tạo thành một “bảo tàng nổi” độc đáo giữa dòng sông Hậu. “Một chiếc ghe hàng không chỉ là phương tiện, mà là cả một phần ký ức. Tôi tìm cho bằng được, để người dân xa quê hay du khách khi đến đây có thể hình dung lại một thời chợ nổi rộn ràng”- anh Vẹn vui vẻ nói.
Không chỉ phục dựng không gian, anh còn chăm sóc đàn cá hàng ngàn con ở bến sông, tạo thành một điểm nhấn sinh thái khiến du khách thích thú khi được tận tay chạm vào những con cá giữa làn nước trong lành.
Mảnh đất Vân Châu- cù lao Mây- Lục Sỹ Thành lưu giữ dấu tích thuở khai hoang mở cõi, với mái đình cổ kính và những sắc phong linh thiêng còn nguyên vẹn. Qua năm tháng, nơi đây đã tạo dựng nên một không gian trù phú bốn mùa cây trái, những con đường mới được kết nối liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế- xã hội. Các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được khơi dậy và gìn giữ, với các làng nghề thủ công lâu đời cùng hình ảnh chợ nổi Trà Ôn xưa đang được phục dựng, ghi dấu công lao của bao thế hệ trong hành trình bảo vệ và phát triển quê hương. |
Gắn liền với chợ nổi Trà Ôn là làng nghề bánh tráng cù lao Mây, một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Dù không ai biết chính xác nghề này có từ bao giờ, nhưng hiện có đến ba, bốn thế hệ nối tiếp làm nghề. Bà Trần Thị Thúy Liễu, người có hơn 42 năm gắn bó với nghề, hồi tưởng: “Ngày xưa, tôi phải chèo xuồng qua chợ Trà Ôn, rồi đi đò lên Cần Thơ để bán bánh tráng. Khó khăn lắm, nhưng mình vẫn giữ nghề vì yêu”.
Ngày nay, làng nghề đang có bước chuyển mình. Bánh tráng được đặt qua mạng, đóng gói kỹ lưỡng để gửi đi khắp nơi. Bên cạnh các loại bánh tráng truyền thống: bánh tráng nem, bánh tráng nướng bà Liễu còn kết hợp thêm tôm khô, thanh long, mít, ớt… tạo ra nhiều chủng loại bánh tráng đáp ứng thị hiếu khách hàng. “Tôi vui lắm khi thấy khách nước ngoài đến trải nghiệm, họ thích thú với quy trình làm bánh thủ công. Điều đó cho thấy làng nghề mình vẫn còn giá trị”- bà chia sẻ.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin