Tết Đoan ngọ về cũng là lúc mùa mưa gõ cửa. Những cơn mưa dai dẳng khiến người ta dễ thèm một món gì đó nóng hổi, giòn rụm, thơm béo. Và thế là bánh xèo lại được nhắc đến như một món ăn “gọi mùa”.
![]() |
Từ lâu, bánh xèo gắn liền với dịp Tết Đoan ngọ, là món ăn không thể thiếu của người dân miền Tây, mang ý nghĩa sum họp, đoàn tụ gia đình. |
Trong ký ức của người miền sông nước, mùng 5/5 âl không chỉ được biết đến như Tết giữa năm hay Tết giết sâu bọ, mà còn là dịp gia đình quây quần, cùng dậy sớm, chuẩn bị nguyên liệu, đổ bánh xèo, làm mâm cơm cúng ông bà cho ngày gia đình sum họp.
Người ta hay gọi bánh xèo là món ăn “vừa nghe tiếng đã thấy ngon”. Bởi mỗi khi tiếng “xèo xèo” vang lên trên chảo nóng, mùi thơm dậy lên, bụng cũng reo theo. Hay chỉ cần nghe âm thanh của lớp vỏ bánh giòn rụm được cắn ngập miệng, là cơn thèm ăn lại đến.
Các cô, các chị đổ bánh xèo lâu năm thường nhắc về ngày xưa, cái thời mà nhà nào cũng sống theo kiểu “có gì ăn nấy”. Đâu phải lúc nào nhà cũng có sẵn thịt heo, nên có nhà thường lấy mớ tép bạc, hay băm thịt vịt còn lẫn cả xương để chế biến thành nhân bánh. Cứ cái gì bắt được ngoài vườn, dưới mương, gom hết cho vào bánh.
Khoảnh khắc đổ bánh xèo là lúc căn bếp thơm nhất. Người đổ bánh múc một vá bột, nghiêng tay tráng một lớp mỏng lên mặt chảo nóng già, một tiếng “xèo” vang lên thì xoay nhẹ cổ tay cho lớp bột lan đều, mỏng tang. Hương thơm lập tức dậy lên, mùi dầu nóng, mùi nước cốt dừa, mùi nghệ, mùi hành… hòa quyện với mùi khói bếp kích thích vị giác.
Mùi bánh thơm không chỉ nhờ phần bột và nhân được chế biến tỉ mỉ, mà còn nhờ lớp lá chuối được lót sẵn trên đĩa. Khi bánh vừa chín tới, người đổ bánh nhanh tay gập nửa bánh ngay trên chảo, dùng xẻng lật bánh và đặt nó ngay ngắn trên từng lớp lá chuối. Hơi nóng từ bánh làm lá chuối “rụng mùi”, tỏa hương thơm dịu nhẹ, mát lành- cái mùi mà đĩa nhựa hay mâm sứ chẳng bao giờ có được.
Có khi tiếng “xèo” trên bếp còn chưa dứt, thì mấy đứa nhỏ đã lật đật xếp sẵn vài lá rau sống lên tay, chỉ đợi bánh chín tới là xúm nhau xé lấy một miếng đủ cả vỏ, cả nhân, đặt lên phần rau, cuốn đều tay, hối hả như muốn gói hết những nhọc nhằn qua bao mùa mưa nắng.
Người miền Tây ăn bánh xèo không chỉ để ăn bánh, mà là để ăn rau. Mùa mưa tới, rau vườn lên non mơn mởn. Chỉ cần cắp rổ đi một vòng quanh nhà hay qua vườn hàng xóm, là đã gom đủ: xà lách, cải bẹ xanh, tía tô, rau thơm, cải trời, lá cách, đọt cóc, lá điều, đinh lăng, bằng lăng... Mỗi thứ một ít, xanh mướt, thoang thoảng hương đồng gió nội. Rau giúp làm dịu vị ngậy của bánh, nhờ có cái chua thanh của lá điều, cái chan chát của lá cách, hậu ngọt của đinh lăng, thơm mát của rau húng quế… Cả vườn quê như được cuộn lại trong một cuốn bánh xèo tròn ụ, đầy tay. Ăn bánh xèo, là ăn vị đất, vị trời, vị quê hương.
Và để mọi thứ hòa quyện, không thể thiếu chén nước chấm. Nước mắm pha chua ngọt, tỏi ớt băm nhuyễn, có nhà thêm củ cải đỏ bào sợi cho đẹp mắt. Mỗi người mỗi cách pha, nhưng ai cũng biết: chén nước mắm là điểm nhấn cuối cùng cho món bánh xèo trọn vị.
Ở quê, bánh xèo không chỉ là món ăn, mà còn là cái cớ để tụ họp. Nhà có giỗ, đầy tháng, thôi nôi… là xúm nhau đổ bánh. Người đứng chảo, người xắt thịt, người lặt rau, người pha nước mắm. Mưa lất phất, trời lành lạnh, người lớn chuyện trò, con nít giành ăn nhân bánh, mấy ông vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu. Cũng nhờ cái không khí ấy mà bánh xèo sống lâu trong lòng người, trở thành món ăn gắn với ký ức, tình thân và sự hiếu khách.
Giữa nhịp sống hiện đại, ít ai còn thời gian ngồi bên chảo lửa đổ từng chiếc bánh vàng ươm. Bánh xèo bây giờ có mặt ở khắp nơi: từ quán vỉa hè đến nhà hàng, siêu thị. Có loại chiên sẵn, đóng hộp, tiện lợi; nhân bánh cũng đa dạng từ tôm thịt, hải sản, nấm các loại… Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long còn tổ chức “Lễ hội bánh xèo”, phục vụ thực khách và tạo không gian trải nghiệm đổ bánh tại chỗ. Chị Lữ Thị Mỹ Kiều- đầu bếp của siêu thị, cho biết: “Dịp này khách đặt trước nhiều lắm. Bột, nhân, rau, nước chấm đều chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi đổ bánh liên tục từ sáng, khách thích thú đứng xem, chụp hình, chờ ăn bánh nóng”.
![]() |
Còn với người đổ bánh xèo lâu năm, mùa Tết Đoan ngọ cũng là mùa “vô chảo”. “Mấy bữa nay tôi chuẩn bị hơn 100kg củ hủ dừa, gần 100kg dưa chua, bột xay nhà. Dừa khô nạo sẵn đã 40.000 đ/trái, rau cũng tăng 5-10%, mà giá bánh vẫn giữ nguyên 35.000-55.000 đ/cái. Khách quen đặt trước từ đầu tuần, số lượng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Sáng mùng 5 khách sẽ ghé lấy bánh, gần thì tôi đi giao miễn phí”- một người bán bánh xèo cho hay.
Mùa mưa, rau dễ hư, lại đắt đỏ, người bán tranh thủ tìm mối rau tươi, sạch, để giữ trọn vị ngon. Cái tình trong ẩm thực miền sông nước là vậy, làm gì thì làm, miễn sao người ăn thấy ngon, thấy hài lòng, ăn một lần là muốn ăn thêm cái nữa.
Bánh xèo có thể được chế biến hiện đại, đa hương vị hơn. Nhưng tiếng “xèo” giòn tan vẫn khiến người ta khựng lại giữa phố xá bận rộn. Ăn bánh xèo là một cách ngầm cầu mong cuộc sống đủ đầy, ấm no. Hay cách để người ta “ăn lại ký ức”- thơm lừng, vàng giòn, đượm tình quê. Nghe tiếng xèo vang lên trong gian bếp, thấy đĩa rau còn đọng nước, cắn một miếng bánh nóng hổi, vậy là đủ ấm lòng, đủ để thấy vị nhà vẫn còn đâu đây.
Bài, ảnh: NÓN LÁ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin