Miếng trầu- nét đẹp văn hóa truyền thống

11:03, 22/04/2025

Ăn trầu không đơn thuần là thói quen, tập tục mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, mời nhau miếng trầu để mở đầu cho các mối quan hệ xã giao dẫu thân sơ hay quen lạ. Trầu cau không chỉ là lễ vật trong các nghi lễ truyền thống mà còn là biểu tượng của sự yêu thương, gắn kết.

Dù thói quen ăn trầu người dân miền Tây không còn giữ nữa nhưng những dụng cụ ăn trầu thì còn được gìn giữ và vẹn nguyên trong vùng ký ức. 
Dù thói quen ăn trầu người dân miền Tây không còn giữ nữa nhưng những dụng cụ ăn trầu thì còn được gìn giữ và vẹn nguyên trong vùng ký ức. 

Tập tục ăn trầu


Ăn trầu là tập tục đã có từ hàng ngàn năm qua và đã trở thành một nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống từ xưa đến nay của người Việt Nam chớ không riêng người miền Tây. Ăn trầu đã có từ thời Hùng Vương, gắn liền với sự tích trầu cau. 


Miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau. Không chỉ têm miếng trầu mời nhau để ăn cho miệng thơm, môi đỏ mà miếng trầu biểu trưng cho sự yêu thương, gắn kết, nương tựa vào nhau để cùng vươn lên. Tục ăn trầu là nét đẹp mang giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, ẩn chứa triết lý nhân sinh, văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng. Miếng trầu gắn kết tình thân, tình cảm gia đình, bạn bè, hàng xóm.
 

Giờ nét còn, nét mất chỉ ký ức là vẹn nguyên


Nhiều người có chung nhận xét, người miền Tây không còn giữ thói quen ăn trầu như ngày trước. Những người bán trầu ở chợ cũng dần thưa thớt đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Nhưng những kỷ vật thì được người dân cất giữ cẩn thận để nhớ những người bà, người mẹ, nhớ một nét đẹp văn hóa.


Ai mua trầu cau cứ xuống cô Nhung ở chợ Vĩnh Long. Cô bán hơn 20 năm ở chợ này rồi. Với sịa trầu sắp thẳng thớm, còn những buồng cau xanh rất đẹp mắt để trang trí mâm trầu cau vì buồng cau đã được tỉa những trái không đẹp để têm bán lẻ. Cô Nhung sẵn lòng têm trầu cho khách, vừa bán trầu têm cô nói như khoe, “trầu này con gái cô têm”. Cách têm trầu cũng thể hiện sự cầu kỳ và tinh tế. Có nhiều cách têm trầu khác nhau. Thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. 

Cô Nhung bán trầu cau ở chợ Vĩnh Long cho biết: “Bây giờ người ta không còn giữ thói quen ăn trầu nữa nhưng vì muốn giữ lại nghề này từ thời bà, rồi đến má của cô nên cô mới bán tới bây giờ”.
Cô Nhung bán trầu cau ở chợ Vĩnh Long cho biết: “Bây giờ người ta không còn giữ thói quen ăn trầu nữa nhưng vì muốn giữ lại nghề này từ thời bà, rồi đến má của cô nên cô mới bán tới bây giờ”.


Giờ mỗi dịp đám cưới, đám hỏi, thôi nôi, đầy tháng... khách tìm đến cô để đặt mâm trầu cau, trầu têm... Cô kể: “Mới hôm Giỗ Tổ Hùng Vương khách lại đặc những mâm trầu cau vun đầy dâng cúng Vua Hùng”. Miếng trầu còn biểu tượng cho sự thành kính của thế hệ sau với thế hệ trước qua mâm cỗ cúng gia tiên, tế lễ thần linh,... Đây là nét văn hóa đặc sắc và để thấy được phần nào truyền thống từ lâu đời còn được gìn giữ đến ngày hôm nay.


Ngày trước ở các chợ rất nhiều người bán trầu cau nhưng giờ chỉ còn vài người trụ với nghề này. Cô Nhung cho biết: “Bây giờ người ta không còn giữ thói quen ăn trầu nữa nhưng vì muốn giữ lại nghề này từ thời bà, rồi đến má của cô nên cô mới bán tới bây giờ”.


Đúng vậy, như cô Nhung nhận xét, giờ hỏi thăm còn mấy ai ăn trầu đâu: “Bây đi tìm đỏ con mắt cũng không thấy người ăn trầu”, “Giờ này còn ai ăn trầu mà bây tìm”,... Nhưng đồ dùng thì còn giữ gìn nguyên vẹn. Nhà nào có người ăn trầu thì họ giữ gìn dụng cụ ăn trầu rất cẩn thận. Đến gia đình hỏi thăm có ai ăn trầu không thì người phụ nữ đem chiếc ô đựng trầu bằng đồng có 3 chân, nắp như cái xửng nhỏ,... cho chúng tôi xem. Cô kể: “Giờ để làm kỷ niệm chớ nhà giờ không còn ai ăn trầu”.

Cô kể: “Ngày trước bà của cô ăn trầu, bà đựng trầu cau, thuốc xỉa, vôi trong chiếc ô này. Rồi mỗi người con, người cháu nhớ bà, người giữ một món trong bộ dụng cụ để làm kỷ niệm. Rồi ký ức cô cứ tuông trào từ trong nhà cho đến ngoài sân. Cách bà của cô ngồi têm trầu, miệng móm mém... cho đến ngoài sân trồng vài cây cau, thả thêm dây trầu quấn quanh... 


Món đồ thứ hai cô đem ra giới thiệu với chúng tôi là khay trầu rượu. Cô nói trong xóm có đám cưới, đám hỏi là lại mượn khay trầu rượu nhà cô. Để đêm xuất gia, bưng khay trầu rượu ra xin phép với tổ tiên họ hàng cô gái đi lấy chồng. Còn đàn trai sang đàn gái bưng khay trầu rượu để bày tỏ mong muốn rước cô dâu về.

Ngày trước hai người yêu nhau không được đồng thuận của gia đình hai bên nên dắt tay nhau bỏ xứ vài tháng hoặc vài năm trở về thì nhà trai mang khay trầu rượu sang nhà gái làm lễ thú phạt. Cho đến ngày nay, đi cưới khay trầu rượu vẫn không thể thiếu. Khay trầu rượu biểu thị cầu mong cho một cuộc hôn nhân may mắn thuận hòa cho đôi vợ chồng và biểu thị tình cảm thắm thiết giữa những người thân trong gia đình. 

Khay trầu rượu được xem là một nét văn hóa không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi. 
Khay trầu rượu được xem là một nét văn hóa không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi. 


Món quà sính lễ trong đám cưới cũng không thể thiếu buồng cau, với những tệp lá trầu không tươi xanh biểu trưng cho sự cân bằng, đối ngẫu âm dương và phát triển. 


Hình ảnh của những người phụ nữ ngồi thong thả trên bộ ván, môi hồng nâu khi trầu thắm duyên cau chỉ còn lại trong nỗi nhớ. Nhưng sự tích trầu cau, nét đẹp truyền thống vẫn đẹp nguyên giá trị văn hóa truyền thống. Giờ đám cưới, đám hỏi... vẫn còn giữ nét văn hóa xưa với mâm trầu cau làm lễ vật chính. Để thấy được phần nào truyền thống từ lâu đời còn được gìn giữ. Dù thói quen ăn trầu không còn giữ nữa nhưng những dụng cụ ăn trầu thì còn được gìn giữ và nguyên vẹn trong vùng ký ức. 

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh