Văn hóa vùng sông nước miền Tây rất đa dạng và phong phú được hình thành qua hàng ngàn năm, như phù sa lặng lẽ và tự nhiên bồi đắp theo thời gian. Và cũng theo thời gian, văn hóa vùng sông nước có nhiều nét phôi pha, có những nét riêng còn giữ gìn và lưu truyền.
Nhớ một thời cân, đo, đong, đếm trong đời sống của người dân miền Tây. Với cách cân, đo, đong, đếm dân gian khá phong phú, với nhiều kiểu thức khác đã thể hiện nét văn hóa đặc trưng của miền Tây. Đó là tính phóng khoáng, thể hiện sự hòa đồng, trọng nghĩa tình trong hoạt động trao đổi mua bán của người dân.
![]() |
Ngày trước mua bán lúa gạo không cân ký như bây giờ mà được hàng sáo đong bằng táo. Một giạ lúa bằng 2 táo. |
Nhắc chuyện xưa, nhớ thời cân đo
Với thế hệ 8X được sinh ra ở vùng sông nước miền Tây, mỗi lần mẹ nuôi heo vô tạ thì kêu lái bán. Lúc ấy, anh em chúng tôi có nhiệm vụ đi mượn cân đòn về để cân. Vì theo kinh nghiệm của người lớn, những người lái heo dễ ăn gian lắm, ăn gian bằng cân đòn mang theo. Chắc vì lẽ đó nên người lớn hay dặn con cháu dù nghèo hay giàu chữ tín làm đầu, ngay thẳng trong chuyện buôn chuyện bán không cân điêu bán thiếu. Thể hiện rõ trong cách sống, tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim.
Nếu số lượng heo nhiều thì thương lái chở heo lên máy chà cân cân bàn. Cân bàn cân trọng lượng lớn. Cân bàn thường dùng để cân số lượng lớn như lúa, gạo, nông sản…
Có người gọi cây cân, có người gọi chiếc cân, lại cũng có người gọi cái cân. Cân đòn là loại cân treo loại lớn, có cán dài hình vuông, cạnh trên và cạnh dưới cán dài hình vuông, cạnh trên và cạnh dưới cán có phân định trọng lượng, trên cán có treo quả cân di chuyển để định trọng lượng vật cân, có một móc lớn phía dưới đầu cân để móc vật cân, có một khoen lớn phía trên đầu cân để xỏ đòn gỗ vào cho hai người khiêng cân và vật cân, phải có một người khác coi cân, định cân. Cân được giữ thăng bằng bởi trái cân để định trọng lượng. Cân đòn thường dùng để cân heo, cân khoai,… cân trọng lượng vật lớn.
Khi cân heo người ta dùng cây tre, cây gỗ để thọc vào khoen sắt cho hai người khiêng, để cân con heo từ 1-1,7 tạ. Cách tính tạ cũng rất thú vị, heo 1 tạ thì 100kg, nhưng tạ khoai chỉ 60kg.
Những người bán dạo ngày trước, ai cũng có cân xách mang theo để cân đồ bán cho khách hàng. Cân xách với loại cân nhỏ cân treo, cân bằng tay được dăm ba ký lô, có ba dây khoen để treo dĩa cân dùng để đặt vật được cân vào trong đó. Được người bán buôn dùng để cân thịt, cân cá,… Cân từ 4-5kg trở lại. Trong cách cân người ta hay gọi cân già và cân non. Cân già đã có phần dư, phần cho thêm, còn cân non là cân thiếu. Nhưng người miền Tây buôn bán lúc nào cũng cho thêm, khi cân giữ thăng bằng rồi họ lại để vào thêm.
Đó là cân, đến chuyện đo. Tôi nhớ nhất cây tầm được nội làm rất kỹ, chọn cây tầm vông đặc ruột, hơ lửa uốn cho thẳng đuột. Nội để dành đo công cấy, công cắt… Sử dụng lâu ngày cây tầm lên nước đen bóng. Một công 4 tầm cắt khoảng 1.000m2, nhưng có chỗ sử dụng tầm lớn công khoảng 1.200m2.
Cô tôi là thợ may, cô dùng để đo trong may là cây thước gỗ và thước dây. Thước gỗ với chiều dài khoảng 50-71cm. Mặt thước có khắc gạch phân tỷ lệ cm. Thước dây với chiều dài 2m.
Thú vị với chuyện đong, đếm
Ngày trước mua bán lúa gạo không cân ký như bây giờ mà được hàng sáo đong bằng lít, bằng táo. Một giạ lúa bằng 2 táo, táo có loại 20 lít, có loại 21 lít. Táo già táo non là vậy. Khi đong người ta dùng ống nhựa, ống trúc, óng tre để gạt ngọn ngang bằng với miệng táo, miệng lít.
Nhiều người mua bán rất sợ đặc tính dân ba búa buôn bán ở chợ, có người nói: Sống đời chợ búa nên quen tay. Chúng tôi hay nghe người lớn kể: Người nào đong “khéo”, gọi là “đong gian” thì đúng hơn, khi đong táo, họ lấy thúng lúa đổ vào đến còn gần nửa thúng họ nhanh tay úp xuống. Một táo mất hết gần 1 lít chớ ít ỏi gì.
Ngày trước ở miền Tây, người ta hay chèo xuồng bán khoai lang, bán muối ở dưới sông, có khi men theo con rạch rao bán. Vì vậy, lúc nào ở dưới xuồng cũng có chiếc táo. Riêng đong muối, đong khoai lang… thì một táo không gạt, táo vun. Thể hiện tính phóng khoáng ở cách đong táo vun, đầy ngọn.
Học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận định: “Dù ở Cần Thơ, Rạch Giá hay Sa Đéc đâu đâu tôi cũng thấy dân quê chất phác và đôn hậu,…”. Còn cảnh vật thì ông từng tả: “… dưới rạch ghe xuồng chen chúc mà trên bờ nhà cửa san sát, mận xòa trên mặt nước, xoài rủ ở trên đầu, quýt thì đỏ ối mà nước thì trong xanh”.
Chắc trái cây bạt ngàn nên miền Tây cũng có cách cân phong phú và không kém phần rắc rối là trong cách tính chục trong mua bán của người dân miền Tây. Chục mười hoặc lớn hơn mười, người ta hay gọi là chục trơn, chục có đầu,… trong mua bán hàng hóa. Chục trứng tính chục trơn là 10 chẵn. Trái cây thì chục có đầu là số trên 10. Tùy theo loại, chục 12, 14, có khi lên đến 16, 18. Thường thì dừa bán chục 12, cam bán chục 14, sa bô chục 16 và quýt, trầu bán chục 18. Mỗi nơi ở mỗi tỉnh miền Tây lại có cách tính chục không giống nhau, cũng xê dịch từ 12-18.
Chuối bán thì tính nải, buồng. Có nơi gọi là buồng chuối, cũng có nơi gọi là quày. Cách tính bán của người dân rất hào phóng, bán quày thì bỏ nải chót (không tính nải chót). Rau tính bó, tính lọn,… Còn có cách mua mão, bán mớ. Trái cây không cần cân, cứ hốt một nắm vậy là tính tiền. Con heo đánh tạ bán mão không cần cân.
![]() |
Chiếc cân đòn thường dùng để cân trọng lượng lớn như heo, khoai… |
Vùng đất được hình thành từ những trầm tích phù sa ngọt cổ, được bồi đắp dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, kéo theo sự hình thành những giồng cát chạy dọc theo ven bờ biển. Nơi phù sa ngọt lớn nhất cả nước do hệ thống sông Cửu Long bồi đắp nên. Hàng ngàn năm, ông bà ta chung sống với thiên nhiên, sống chan hòa bên những cánh đồng lúa, vườn cây, ven những dòng sông con rạch đã tạo nên nền văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn rất đặc trưng.
Theo thời gian những văn hóa truyền thống mai một. Dù biết rằng khó lòng mà cưỡng lại được, vì đó là quy luật tất yếu của cuộc sống nhưng sao lòng vẫn cảm thấy luyến tiếc, đôi khi hụt hẫng,... muốn lưu lại chút dư vị xưa còn vương vấn. Chẳng như cách cân, đo, đong, đếm đã thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người miền Tây với tính cách phóng khoáng, linh hoạt và trọng nghĩa tình vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin