Cắn một chiếc bánh in vừa rời khuôn, mở miệng là bột phun ra như khói. Vị ngọt không gắt, hương không nồng, bột mềm như muốn tan ngay đầu lưỡi. Ít ai biết, để có được chiếc bánh bé xíu lọt thỏm trong lòng bàn tay ấy, người thợ phải dậy từ sớm tinh mơ, sên nhân, gõ khuôn bằng cả ký ức và thói quen được góp nhặt qua năm tháng.
![]() |
Mỗi tiếng gõ khuôn bánh in của cô Chín là một lần lửa nghề được giữ. |
Nhà cô Nguyễn Thị Chín (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) sáng nào cũng rộn ràng tiếng máy chạy, tiếng cười nói. Dừa có máy nạo, bột có máy xay, nhưng nhân thì vẫn tự nắn, bánh vẫn tự gõ. Cô Chín nghiêng khuôn, “cộp…cộp”- âm thanh khô giòn vang trên mặt bàn, nghe như tiếng vỗ tay chào đón mỗi chiếc bánh in ra dáng. Khuôn không còn là gỗ như xưa, mặt bánh in họa tiết hoa lá đủ kiểu, trông rất xinh xắn.
“Bánh này phải ăn ngay lúc vừa gõ xong thì mới thấy khói bột phun ra”- cô Chín nói, tay vẫn thoăn thoắt nặn mẻ bánh mới. Bột sẵn, nhân sên từ khuya. Mấy chị em trong xóm rảnh tay là ghé phụ: người gói bánh, người cân bột, người góp chuyện- từ trời nắng mưa tới chuyện cưới hỏi, giá vàng, phim Hàn… Công xá chỉ 2.000 đ/kg, ai cũng biết không đáng bao nhiêu. Nhưng người ta không đến vì tiền, mà vì tình. Vì thương cái nghề không ai dạy bằng sách vở, chỉ truyền bằng ký ức, từ tay bà sang tay má đến đời mình và đời sau nữa.
![]() |
Từ bàn tay bà sang tay mẹ đến tay đàn con, nghề làm bánh quê sẽ được giữ lửa. |
Giữa lúc rôm rả, cô Chín kể chuyện con trai vừa đi Nhật: “Thằng Út qua bên kia ngày nào cũng gọi về nói nhớ má nhiều”. Rồi cô ngó tôi, cười tủm tỉm, ngỏ ý chọc: “Chịu làm dâu nhà tui hông? Tui dạy hết mười mấy món bánh quê cho, làm bánh cực, nhưng có người nói chuyện thì vui lắm”. Lòng người miệt vườn là vậy- mộc mạc, hào sảng, thương ai rồi là sẵn lòng chỉ nghề, không giấu giếm.
Cô Chín ở tuổi 50, nụ cười đôn hậu, dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh tay lẹ mắt. Hơn 15 năm làm bánh in, cô đã học được cách tạo ra vị bánh của riêng mình: chiếc bánh nhỏ, mặt in hoa, vị ngọt thanh với 3 loại nhân chính- đậu xanh, dừa rám, khoai môn. Dừa lên giá, cô Chín cũng thở dài: “Bánh quê là vậy, giá không dễ tăng, người làm bánh chịu lời meo một chút”.
Cách đó không xa, chị của cô Chín- cô Nguyễn Thị Loan (hay gọi cô Sáu), hơn 20 năm làm bánh lọt, bánh đúc gân, bánh bông lan, bánh chuối, bánh thuẫn... đủ loại. Vừa tan buổi chợ sớm, lúc chờ chồng tới đón, cô thong thả kể chuyện nghề.
Bánh lọt cực nhất là lúc khuấy bột, lửa phải lớn, tay đảo liên hồi cho tới khi bột sánh lại, trong veo, nặng trịch. Ép bột qua khuôn lỗ, từng sợi bột rớt xuống thau nước đá, lạnh thì mới giữ được độ dai của bánh. Bánh đúc gân thì phải làm từ đêm hôm trước, bột lọc mịn, khuấy đều tay thì bánh mới có vị dai dai, sần sật đặc trưng ăn kèm với nước đường thắng tới vàng ruộm, ngọt lịm.
Trưa đứng bóng, chú Sáu tấp xe vào lề, gọi cô Sáu với giọng quen: “Nay bán hết sớm chắc cực hả mình?”. “Hổng cực hung, hết sớm còn kịp mua con cá lóc đồng, nấu canh chua cho mình”- cô Sáu cười nói. Giữa thời buổi người ta quen gọi nhau bằng đủ thứ tên, đủ thứ ngoại ngữ, bỗng tiếng “mình” của hai vợ chồng luống tuổi nghe mùi mẫn đến lạ. Nhìn cách cô Sáu chăm chút cho từng mẻ bánh ngọt, ân cần với chồng, đủ thấy cô vừa khéo tay, vừa khéo giữ nếp nhà ấm êm.
Chiếc bánh quê do những người phụ nữ miệt vườn làm ra không chỉ thơm, mà còn chín kỹ như cách các cô nâng niu đời mình- từ chuyện chợ búa đến chuyện chồng con, nhà cửa. Người giữ nếp nhà, người giữ vị bánh- mới hay, làm nghề cũng là một kiểu sống. Nghe chuyện của các cô, đâu chỉ thấy những mẻ bánh ngọt ngào, mà còn thấy cách người ta gắn bó với cái nghề đã theo họ mấy mươi năm.
Cái khó của làm bánh dân gian nằm ở chỗ tưởng đơn giản nhất- làm sao cho “tới”: biết lúc nào thừa thì bỏ, khi nào thiếu thì thêm, biết chừng mực để mọi thứ vừa đủ. Mỗi mẻ bánh là một lần thử sai và làm lại- học cách canh lửa, canh tay, học từ những lần bánh khô, bánh hỏng. Làm nhiều mới hiểu, cái “độ tới” không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu hay công thức, mà còn nằm ở sự chú ý và lòng kiên nhẫn của chính người thợ.
Nếu bánh hư rồi thì cũng không hẳn phải bỏ đi. Thường là ăn- để biết mình sai ở đâu và để nhớ, để lần sau đừng sai nữa. Cuộc sống cũng vậy. Có đôi khi vẫn phải “ăn” luôn cả cái sai để mà lớn lên.
Bài, ảnh: NÓN LÁ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin