Sứ mệnh với di sản văn hóa nông nghiệp ĐBSCL

16:03, 03/02/2025

Di sản văn hóa nông nghiệp đồ sộ tiền nhân đã gầy dựng ở vùng đất phương Nam, với khởi nguồn trên nền văn minh lúa nước; đó hoàn toàn không chỉ là câu chuyện làm nông, mà đó là một tiến trình kỳ vĩ của lịch sử văn hóa, là kết tinh của hàng triệu triệu giọt mồ hôi, máu và nước mắt trong công cuộc chạm mặt vừa đấu tranh, vừa cải tạo trên vùng đất mới.

Trao giải Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRẢNG
Trao giải Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRẢNG

Và như sự “lựa chọn” của lịch sử, Vĩnh Long luôn mang trên mình sứ mệnh thiêng liêng trong suốt tiến trình đó từ buổi… bình minh thời mở cõi cho đến hôm nay. Bởi một lý do, vùng đất này là trung tâm, là nơi hội tụ của những dòng chảy di sản văn hóa, lịch sử; còn giờ đây là trọng trách bảo tồn và phát huy giá trị di sản của đồng bằng.

Nền văn minh lúa nước không chỉ là chuyện làm nông


Cần lắm việc khôi phục cho được hồn cốt, diện mạo di sản văn hóa trong suốt chiều dài đất nước, mà vùng đất phương Nam là “mảnh ghép” cuối cùng mà các bậc tiền nhân đã đặt nét bút tài hoa để vẽ nên trọn vẹn dáng hình Tổ quốc hôm nay. Đó cũng là tâm nguyện đậm chất nhân văn và tầm nhìn vượt trước của Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn đau đáu thuở sinh thời: “Để có được ĐBSCL thành khoảnh như ngày hôm nay, thì công sức và sự sáng tạo của nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và sự đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, phải có một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của họ và cũng để giáo dục con cháu sau này”.


Xây dựng một Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL (gọi tắt là Bảo tàng) là tâm huyết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long không ngừng trăn trở và đã bắt đầu “phôi thai” ý tưởng, rồi ra chủ trương lập đề án xây dựng ngay từ năm 2007. Cùng với rất nhiều khó khăn phải vượt qua, thì rất cần sự cẩn trọng bởi đó không là “câu chuyện” của riêng tỉnh Vĩnh Long, mà cao cả hơn là trách nhiệm với cả đồng bằng, là sứ mệnh thiêng liêng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nông nghiệp của vùng đất này trải mấy trăm năm sẽ được tiếp nối, lưu truyền cho mãi đến mai sau.

Những cánh đồng lúa thơm đặc sản của đồng bằng kết tinh từ bao giọt mồ hôi của nông dân xứ này. Ảnh: PHAN TRƯỜNG SƠN
Những đổi thay trên “cánh đồng chó ngáp”- sức sáng tạo của con người xứ đồng bằng với những công trình ngọt hóa vùng nhiễm mặn, khô cằn. Ảnh: PHAN TRƯỜNG SƠN


Đó cũng là trọn vẹn ý tứ, di nguyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà chúng tôi không thể nào quên, khi có lần được nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường nhắc về kỷ niệm đặc biệt khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng đích thân đến tận nhà ông để đặt vấn đề xây dựng Bảo tàng; qua đó, thể hiện tầm nhìn, sự trăn trở, nặng lòng với xứ sở và sự am hiểu sâu sắc về di sản văn hóa của vùng đất này. “Phải hiểu cho được ý tứ sâu xa của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bảo tàng không chỉ là câu chuyện làm nông, không chỉ là công việc sưu tầm những hiện vật nông cụ về rồi bày ra đó thôi đâu”- ông Trương Ngọc Tường nhấn mạnh.


Theo đó, một Bảo tàng chính là thực hiện sứ mệnh cao cả, thể hiện khát vọng của người đồng bằng trong bao nhiêu năm qua. Nhưng làm thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, thể hiện trọn vẹn hồn cốt, diện mạo và thật sự hấp dẫn để kể lại câu chuyện về nền văn minh lúa nước rực rỡ với hôm nay và cả mai sau, đó là vấn đề rất quan trọng.

Nhà trưng bày nông ngư cụ huyện Vũng Liêm. Ảnh: NGỌC TRẢNG
Nhà trưng bày nông ngư cụ huyện Vũng Liêm. Ảnh: NGỌC TRẢNG


TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) đã nói một cách hình tượng, dễ hiểu, rằng: Để hiểu trọn vẹn tiến trình lịch sử vùng đất đồng bằng này, hình dung như một bàn tay năm ngón, thì trong đó nền văn minh lúa nước là “ngón tay” quan trọng, như trục xương sống bên cạnh bốn nhánh còn lại là: điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, lịch sử khẩn hoang và nền văn hóa tổng hợp.


Bởi chính nền văn minh lúa nước đã hình thành nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, độc đáo; đó là gia tài vô giá mà các thế hệ tiền nhân đã gầy dựng nên nhưng đang có nguy cơ chìm khuất theo thời gian, chìm dần vào sự lãng quên của thế hệ trẻ hôm nay. Mà thế hệ trẻ nếu không có sự am hiểu sâu sắc, trọn vẹn thì làm sao có thể trân trọng, yêu thương, thì nói gì đến chuyện giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản đó cùng song hành với thời đại hướng về phía tương lai.


Bảo tàng đáp ứng khát vọng hôm nay và kỳ vọng tương lai


Sau năm 2008, khi lấy ý kiến xây dựng Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Vĩnh Long đã định hình một quần thể các kiến trúc mang tính kết nối các không gian lịch sử văn hóa xoay quanh, mà cho đến hôm nay chỉ còn dang dở dự án Bảo tàng.


Tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Dự án Bảo tàng nằm trong danh mục các công trình thiết chế văn hóa cơ sở của cả nước được ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đầu tháng 6/2024, nhân kỷ niệm 16 năm ngày mất Thủ tướng Võ Văn Kiệt, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp tạp chí Kiến trúc- Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng, nhằm chọn được phương án tối ưu nhất làm cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng công trình.


Được phát động vào đầu tháng 6/2024, Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng do UBND tỉnh Vĩnh Long và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Vĩnh Long phối hợp cùng tạp chí Kiến trúc- Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm lựa chọn phương án tối ưu nhất để đầu tư xây dựng một Bảo tàng làm cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Những cánh đồng lúa thơm đặc sản của đồng bằng kết tinh từ bao giọt mồ hôi của nông dân xứ này. Ảnh: PHAN TRƯỜNG SƠN
Những cánh đồng lúa thơm đặc sản của đồng bằng kết tinh từ bao giọt mồ hôi của nông dân xứ này. Ảnh: PHAN TRƯỜNG SƠN


Ngày 19/10/2024, Hội đồng thi tuyển Ý tưởng quy hoạch và phương án thiết kế Bảo tàng, đã họp phiên tập trung, nghe các đơn vị tư vấn thuyết trình và tiến hành xét chọn các phương án dự thi. Tại buổi làm việc này, ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đã nhấn mạnh về sự kỳ vọng đầu tư xây dựng dự án trở thành công trình điểm nhấn của Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung, trở thành điểm kết nối các tuyến du lịch của Vĩnh Long với các vùng lân cận.

Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất quan tâm đến việc xây dựng bảo tàng ở ĐBSCL. Chỉ đến bây giờ, với sự giúp đỡ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cuộc thi mới được tổ chức, tiến gần hơn đến sự hiện thực hóa dự án này. Bước đầu, với những phương án dự thi, đã tiếp cận được mục tiêu xây dựng Bảo tàng. Tin rằng với buổi làm việc hôm nay của hội đồng sẽ chọn được phương án xuất sắc nhất cho Bảo tàng. 


Và tại lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024, những ý tưởng quy hoạch và phương án thiết kế Bảo tàng tối ưu nhất đã được xướng tên và trao giải. Như vậy, là sau hơn 17 năm “diện mạo” một công trình văn hóa lịch sử quan trọng dần hiện ra, đáp ứng bao khát vọng, chờ mong, cũng là thể hiện tấm lòng, sự yêu quý của người dân Vĩnh Long, người dân đồng bằng này đối với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ “kể chuyện” cho thế hệ mai sau về những mùa nước nổi miền Tây xưa. Ảnh: PHẠM ĐỨC TÀI
Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ “kể chuyện” cho thế hệ mai sau về những mùa nước nổi miền Tây xưa. Ảnh: PHẠM ĐỨC TÀI


Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, cho rằng, Bảo tàng sau khi hoàn thành sẽ mang đến cho du khách không chỉ cơ hội tham quan mà còn trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí liên quan đến sản xuất và văn hóa nông nghiệp của vùng. Bảo tàng cũng sẽ trở thành điểm kết nối với các bảo tàng khác trong khu vực.


Ngoài việc là nơi tham quan, Bảo tàng còn tổ chức các hội thảo chuyên đề về nông nghiệp, các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục. Bảo tàng sẽ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để sưu tầm hiện vật và tài liệu. Đồng thời, đây cũng là nơi quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của vùng thông qua việc tổ chức hội chợ và sự kiện. 

NGỌC TRẢNG 
 
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh