Miền Tây vào mùa hoa đẹp nhất:
Kỳ 2: Nắng xuân trên Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ

05:47, 21/01/2025

(VLO) Giữa lòng Tây Đô gạo trắng nước trong, Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) duyên dáng tô điểm, mang Tết về với phố phường. Tại làng nghề gần trăm năm tuổi ấy, người dân đang tất bật chăm hoa, tỉa kiểng, trong khi dòng người ghé thăm ngày một tấp nập, người chọn hoa, người ngắm cảnh, mang theo niềm vui háo hức về mùa xuân mới.

Vụ Tết năm nay, các hộ trồng hoa dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 287.000 giỏ hoa.
Vụ Tết năm nay, các hộ trồng hoa dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 287.000 giỏ hoa.

Mùa xuân giữa miền hoa thơm, trái ngọt

Những ngày giữa tháng Chạp, con đường nhựa dẫn vào làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ được cải tạo, nâng cấp thông thương cho người dân mua bán hoa kiểng. Hai bên đường nào là hoa giấy, cúc mâm xôi tím, vạn thọ vàng… đua nhau khoe sắc. Càng đi sâu vào làng nghề, sắc hoa càng bừng sáng, từng góc nhỏ như đong đầy hơi thở mùa xuân, khiến lòng người thêm rộn ràng, nôn nao.

Người trồng hoa nâng niu từng nhánh hoa, gửi gắm vào đó cả tấm lòng.
Người trồng hoa nâng niu từng nhánh hoa, gửi gắm vào đó cả tấm lòng.

Theo nhiều người gắn bó lâu đời với làng hoa, Làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ có bề dày lịch sử hơn 80 năm. Tên gọi của làng nghề được lấy từ hai con rạch Phó Thọ và Bà Bộ, gắn liền với lịch sử vùng đất này.

Có gần 50 năm gắn bó với nghề trồng hoa, cô Đỗ Thị Thảo (khu vực Bình An, phường Long Hòa) tâm tình: “Trồng hoa không chỉ là nghề kiếm sống mà còn gắn với truyền thống. Gia đình tôi 3 đời theo nghề này. Tuy trồng hoa mỗi năm mỗi khác, thăng trầm nhưng không bỏ nghề được. Thường ngày tôi trồng bông cúng rằm, dịp Tết thì trồng nhiều loại hơn”.

Nối nghiệp cha làm nghề hoa kiểng gần 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Giang (khu vực Bình An) cho hay, mỗi chậu hoa đẹp mang ra chợ, người trồng phải tốn bao mồ hôi, công sức và trải qua quá trình lao động cần mẫn. Mỗi loài hoa là một cách chăm sóc khác nhau.

Người trồng phải biết rõ từng loài, nắm bắt được diễn biến của thời tiết để chăm sóc, nâng niu cho phù hợp. Ðiều khó nhất là người trồng chăm thế nào để hoa nở đẹp nhất vào dịp Tết Nguyên đán, dù thời tiết có thất thường.

Cạnh đó, chú Nguyễn Văn Có- cha của anh Giang, cũng đang tỉ mỉ chăm chút từng chậu hoa để chờ đem ra chợ Tết. Chú Có tâm sự: “Theo nghề mấy chục năm nay, giờ già nên giao lại cho con chứ quyết không bỏ nghề. Trồng hoa này vì đam mê, thấy hoa nào mới, loại nào đẹp là đem về trồng. Tết mà, thiếu hoa là không được!”.

Đến thăm vườn của chú Nguyễn Văn Dành (Ba Dành, khu vực Bình An), điểm độc đáo, thu hút nhất chính là những cây kiểng, bonsai đủ các loại: nguyệt quế, mai trắng, sung… từ vài chục đến cả trăm năm tuổi.

Chú Ba Dành cho hay: “Làng hoa đã tồn tại hơn 80 năm. Gia đình tôi đã 3 đời theo nghề trồng hoa. Năm nào chúng tôi cũng bổ sung thêm nhiều chủng loại mới làm phong phú làng hoa, phục vụ bà con”.

Chú Đoàn Hữu Bốn- Giám đốc HTX Hoa kiểng Bình An, kiêm Phó Chủ nhiệm Làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ, cho hay: “Năm 2011 thành lập làng nghề này, hai bên đường trồng hoa rất nhiều, thời điểm nhiều nhất là gần 400 hộ trồng, trong đó có 10 hộ chuyên kiểng, những hộ còn lại xen canh kiểng và hoa.

Thịnh nhất là năm 2012-2013. Trước đây, làng hoa chuyên trồng các loài hoa và cây cảnh bản địa như mai vàng, cúc vạn thọ, ngọc nữ, thược dược,... Ðến nay, nhiều giống mới được nhập về, màu sắc phong phú như cát tường, dạ yến thảo...”.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện của những người chăm hoa, mến kiểng. Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ ngày nay còn mang đến sự đa dạng, hài hòa giữa hương hoa và trái ngọt.

Người trồng hoa phải biết rõ từng loài, nắm bắt được diễn biến của thời tiết để chăm sóc phù hợp.
Người trồng hoa phải biết rõ từng loài, nắm bắt được diễn biến của thời tiết để chăm sóc phù hợp.

Trong khi các hộ dân đang miệt mài chăm sóc hoa kiểng đón Tết, thì cách đó không xa, vườn quýt Ba Muôi (phường Long Tuyền) lại mở ra một không gian xanh mát, trĩu trái.

Đây không chỉ là nơi để du khách tham quan, chụp ảnh, mà còn mang đến trải nghiệm hái quýt đầy thú vị. Với diện tích 7.000m², vườn quýt mở cửa đón khách với giá vé 50.000 đ/người, du khách có thể tự tay hái trái chín vàng rực với giá 80.000 đ/kg.

Những ngày cuối tuần, vườn đón hơn 200 lượt khách, không khí rộn ràng tiếng nói cười xen lẫn mùi hương thoang thoảng của quýt chín, tạo nên sức hút khó cưỡng trong mùa Tết.

Vun đắp cho làng nghề đô thị

Làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ sở hữu nét duyên riêng khó lẫn, đó là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của người đô thị và sự chân chất, thật thà của người nông dân miền Tây.

Những nụ cười đón khách đon đả, người dân nơi đây chẳng ai giấu nghề, không ham bán đắt, gần gũi đến khó quên. Trong vụ hoa Tết này, làng hoa cung ứng khoảng 287.000 giỏ hoa các loại, tăng khoảng 1.000 giỏ so với năm trước.

“Những năm gần đây, ngoài các loại hoa quen thuộc, các giống cúc mới như cúc Đài Loan, cúc Hàn Quốc với màu sắc và kiểu dáng đa dạng cũng được bà con trồng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhờ kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, cây xum xuê hơn, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt là tìm thêm những giống hoa mới, như trước đây làng hoa chỉ có cúc mâm xôi Hàn Quốc màu tím, hồng, năm nay có thêm màu vàng, màu đỏ, tím sen…

Nhờ chăm chỉ và biết thay đổi để thích ứng thị trường, phần lớn người dân ở làng hoa có thu nhập khá so với các mô hình trồng trọt khác. Không ít nhà vườn đã làm giàu được nhờ những cây kiểng có giá trị nghệ thuật cao”- chú Đoàn Hữu Bốn nói chuyện làm ăn mà như tâm sự, bởi để tồn tại và phát triển làng hoa đang đối mặt nhiều thách thức.

Theo UBND quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), để bảo tồn và phát triển sản xuất bền vững làng nghề hoa kiểng kết hợp du lịch sinh thái, thời gian qua, quận đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các hộ dân được tập huấn, tổ chức sản xuất bài bản, còn đi tham quan, học tập các mô hình hay tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Du khách đến tham quan làng hoa kiểng mê mẩn chụp ảnh, đắm chìm vào không gian rực rỡ.
Du khách đến tham quan làng hoa kiểng mê mẩn chụp ảnh, đắm chìm vào không gian rực rỡ.

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa và chuyển dịch lao động nông thôn vào các khu công nghiệp nên lao động làng nghề biến động. Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít; các làng nghề chưa gắn với các tour du lịch để tăng cường giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm...

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho làng nghề hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ đổi mới công nghệ, tạo nhiều sản phẩm mới, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Ông Võ Thanh Hoàng- Trưởng Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy, cho hay: “Địa phương tiếp tục duy trì, bảo tồn làng nghề, chú trọng sản phẩm đặc trưng của Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ như: phát triển các loại bonsai, cây kiểng và hoa chậu.

Đây là hướng đi phù hợp với xu hướng đô thị hóa, giúp việc vận chuyển và chăm sóc hoa kiểng linh hoạt, thuận tiện, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Khuyến khích bà con trong làng nghề khai thác tiềm năng phát triển du lịch, nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương”.

Tới đây, theo lộ trình đô thị hóa, diện tích làng nghề sẽ bị giảm thêm. Những giải pháp trên đây là hướng đi đầy lạc quan, đã và đang tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân, không chỉ giúp tăng thu nhập, nâng chất lượng cuộc sống mà làng nghề còn tạo điểm nhấn độc đáo cho đô thị.

>>Kỳ 3: Về làng mai vàng “bạc tỷ” Phước Định

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh