Miền Tây vào mùa hoa đẹp nhất:
Kỳ cuối: Hoa kiểng hối hả đi chợ Tết

05:25, 23/01/2025

(VLO) Khi bài viết này đến tay bạn đọc, hàng trăm chuyến xe tải ngày đêm chộn rộn đã rời Làng hoa kiểng, cây giống Chợ Lách (Bến Tre) hối hả lăn bánh cho kịp đến các chợ hoa khắp mọi miền đất nước. Tết này làng nghề cung ứng cho thị trường hơn 12 triệu sản phẩm hoa kiểng, tuy thời tiết có phần “đỏng đảnh”, nhưng với kinh nghiệm và sự cần mẫn của nông dân, hoa nở đúng thời điểm cho người trồng hoa niềm vui lấp lánh.

Những ngày giáp Tết, “thủ phủ” hoa kiểng, cây giống Chợ Lách khoác chiếc áo mùa xuân rực rỡ.
Những ngày giáp Tết, “thủ phủ” hoa kiểng, cây giống Chợ Lách khoác chiếc áo mùa xuân rực rỡ.

Cho hoa nở… theo thị trường

Từ TT Chợ Lách theo cung đường đến làng hoa kiểng, những ngày giữa tháng Chạp, không khí lao động tất bật đầy hồ hởi của người trồng hoa vào độ nở rộ.

Trên ruộng cúc mâm xôi vàng ươm, người người tất bật buộc dây, bọc giấy bảo vệ cánh hoa. Trên đồng hoa vạn thọ, nông dân hối hả “lặt chèo”… Nhiều nhà vườn cho biết, Tết này trồng nhiều hơn so năm rồi.

Trên cánh đồng mai, vạn thọ và cúc mâm xôi rực vàng dọc QL57, chị Nguyễn Thị Nghĩa (ở xã Long Thới)- chủ vườn cho biết, năm nay chị trồng hơn 2.000 chậu cúc mâm xôi, gấp đôi năm ngoái và hơn 200 cây mai vàng.

Vừa qua rằm tháng Chạp, lái đã đặt mua hết vườn. Giá cúc mâm xôi 300.000 đ/cặp cỡ vừa, 500.000 đ/cặp cỡ lớn, cao hơn 80.000-200.000 đ/cặp so năm rồi; trong khi mai vàng giá vẫn “bình bình” như mọi năm.

Cách đó không xa, ruộng cúc mâm xôi của anh Chín Đời đang chuẩn bị cho hoa đi chợ Tết. “Lái đã đặt cọc hết. Năm nay tôi trồng 4.000 chậu, nhiều hơn năm ngoái 1.000 chậu, giá thương lái 170.000 đ/cặp, còn bán lẻ 200.000 đ/cặp”- anh Chín Đời vui vẻ, vừa vác cặp cúc lên vai.

Hàng triệu chậu hoa cúc chuẩn bị ra thị trường Tết.
Hàng triệu chậu hoa cúc chuẩn bị ra thị trường Tết.

Theo người trồng hoa, các loại hoa nở như cúc mâm xôi, vạn thọ, mào gà… lần lượt đi chợ Tết từ 19-22 tháng Chạp là xong. Cũng như mọi năm, thương lái đến tận ruộng mua khoảng 70-80%, số còn lại người dân vẫn giữ thói quen mang ra bán chợ Tết khắp các tỉnh, thành.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng cúc mâm xôi có sợi dây đỏ đặt làm dấu, chú Nguyễn Văn Lộc (ở xã Long Thới) cho biết: “Hơn 9.000 chậu cúc mâm xôi đã bán hết, giá 180.000 đ/cặp”.

Tuy nhiên, trước đó, chú Lộc tiết lộ nhiều nhà vườn thấp thỏm lo vì “đáng lẽ thời điểm này cúc nở đã rút đi Hà Nội hết, nhưng năm nay thời tiết thay đổi, lái “trở kèo” bỏ cọc hàng nở. Mấy rày ngoài Bắc nhiệt độ giảm xuống dưới 100C, thương lái trở lại ráo riết tìm hàng”.

Theo chú Lộc giải thích, thường thì theo đặt hàng của thương lái, nhà vườn sẽ canh hoa nở đúng dịp, nếu hàng đi Hà Nội thì tầm rằm tháng Chạp hoa nở đã “xuất vườn”; còn hàng đi các chợ miền Tây, miền Đông thì cho hoa nở chậm hơn vài ngày vì nhiệt độ ở miền Nam cao hơn.

Canh (hay xử lý) cho hoa nở theo đặt hàng của thương lái, thị trường là kinh nghiệm nằm trong lòng bàn tay của người trồng hoa. “Ăn thua lái đặt hàng, ví dụ lái kêu 20 tháng Chạp lấy hàng hoa nở 80% thì mình xử lý”- chú Hai Hải ở ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành, vừa nói và đưa chúng tôi thăm vườn hoa.

Đang thời điểm bận rộn, vừa ngơi tay lặt chèo cả trăm chậu vạn thọ “chỉ trồng cho vui, kiếm ít đồng mua thịt heo, hột vịt”. Mà “ăn tiền” là 1.200 gốc hoa giấy ngũ sắc, hồng gân… gốc bonsai, tạo hình dáng bay. Lái đã đặt mua, lối 19 tháng Chạp đã chở đi chợ Tết.

Hoa giấy với giá bán vài trăm đến hơn triệu 1 chậu, chỉ tính sơ sơ Tết này gia đình chú Hai Hải cũng bỏ túi vài trăm triệu tiền lời. “Nghề làm hoa kiểng vào mùa Tết cao điểm, tui ở ngoài vườn suốt ngày.

Tui kinh nghiệm hàng chục năm, ra Giêng thì đi mua gốc về tự ghép, dưỡng cây, canh hoa. Thương lái đặt gì mình làm nấy, từ phối màu cho cây ra hoa đẹp hay kích thước bao nhiêu tui cũng làm được hết”- chú Hai Hải nói.

Làng hoa rộn ràng livestream, đón khách

Với diện tích hàng ngàn hecta, những ngày giáp Tết, “thủ phủ” hoa kiểng, cây giống Chợ Lách (Bến Tre) khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ nhất trong năm. Hoa kiểng từ ruộng hoa lên xe ba gác kìn kìn chở đến điểm tập kết, xe tải hối hả “ăn hàng”, rồi tỏa đi khắp các vùng miền cả nước.

Hoa kiểng tấp nập lên xe đi tiêu thụ khắp các vùng miền cả nước.
Hoa kiểng tấp nập lên xe đi tiêu thụ khắp các vùng miền cả nước.

Ông Trần Hữu Nghị- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết, hoa kiểng ở Chợ Lách bán quanh năm, tính luôn hoa treo thì khoảng 20 triệu sản phẩm/năm.

Riêng Tết Nguyên đán năm nay có khoảng 12 triệu sản phẩm, tăng hơn 2 triệu sản phẩm so năm rồi. Trong đó, cúc và vạn thọ khoảng 4 triệu chậu, mai vàng (2 triệu cây), hoa giấy (2 triệu cây), còn lại tứ quý, bon sai và cây lá màu…

Theo ông Nghị, sản lượng và sức mua hoa, kiểng Tết năm nay tăng, một phần nhờ thời tiết khá thuận lợi, một phần nhờ sức hút và tác động của Lễ hội hoa kiểng “Sắc màu Chợ Lách” hồi đầu tháng 1/2025.

Đây là lần đầu tiên huyện Chợ Lách tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch kết hợp xúc tiến thương mại, dịch vụ, giải trí, nhằm tôn vinh nghề trồng hoa kiểng. Sự kiện thu hút khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tổng doanh thu dịch vụ thương mại và du lịch khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau lễ hội mới là “đỉnh điểm tiêu thụ” của hoa, kiểng Tết, dù giá cả có tăng hơn so năm rồi.

Huyện Chợ Lách có 10.500ha đất nông nghiệp, trong đó cây giống hoa kiểng có 3.300ha sản xuất tập trung. Hiện huyện đang xây dựng đề án xây dựng huyện thành trung tâm cây giống hoa kiểng quốc gia, với mục tiêu lồng ghép giữa sản xuất giống hoa kiểng hướng tới du lịch sinh thái cộng đồng.

“Chúng tôi hướng đến tích hợp đa giá trị chớ không chỉ đơn thuần bán cây giống, hoa kiểng”- ông Nghị nói và cho biết thêm: Giá trị sản xuất của ngành trồng trọt là 510 triệu/ha; riêng giá trị của ngành cây giống, hoa kiểng là khoảng 1 tỷ đồng/ha.

Toàn huyện có 31 làng nghề, trong đó có 5 làng nghề truyền thống. Không chỉ có trên 1.200 nghệ nhân, 14 nghệ nhân quốc gia, những người trồng hoa kiểng Chợ Lách cũng luôn nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

“Mỗi nhà vườn luôn luôn thay đổi để sản phẩm hoa kiểng của mình “phá thế” và ấn tượng nhất. Với tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm, từ nguyên liệu ban đầu là cây phôi, thô, được người dân mua phôi về để ghép, tạo dáng đã nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần”- ông Nghị giải thích.

Là vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, người trồng hoa kiểng Chợ Lách bán hàng ngay tại vườn, tại ruộng cho thương lái để “lấy vốn và chốt lời” và đi bán chợ Tết như là “kiếm thu nhập tăng thêm”. Chưa hết, họ còn nhạy bén tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá và bán sản phẩm hoa kiểng rất hiệu quả.

Ông Nghị cho biết: “Nhất là mùa cận Tết, người dân trồng hoa kiểng tăng bán online. Đặc biệt những bạn trẻ tổ chức livestream bán hàng tối ngày sáng đêm. Có những công xưởng livestream từ sáng tới tận giờ khuya, đạt doanh thu và sản lượng rất cao”.

Đúng là chưa đi chưa biết Làng hoa kiểng Chợ Lách, mà biết rồi lại càng muốn khám phá thêm nữa những cách thức và tìm tòi mới mẻ của người trồng hoa kiểng để không ngừng đa dạng sản phẩm, tăng cường tiếp cận khách hàng.

Xin mượn câu nói cửa miệng của người trồng hoa- như một lời giới thiệu đầy tự hào về xứ sở hoa kiểng với những sản phẩm đa dạng, chất lượng và độc đáo, để kết thúc ký sự này: Không đẹp bắt đền, phải là rất đẹp!

Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Chợ Lách là nơi cung cấp giống cây ăn trái do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam. Huyện Chợ Lách đã có đề án Làng văn hóa du lịch qua 4 xã Long Thới, Phú Sơn, Vĩnh Hòa và Vĩnh Thành, với diện tích khoảng 1.500ha. Trong đó, chia ra nhiều vùng: cúc Long Thới; hoa giấy Phú Sơn, Vĩnh Hòa; mai vàng Vĩnh Thành; tứ quý Vĩnh Hòa. Tuyến đường đi xuyên làng văn hóa du lịch với cảnh quan hiện hữu và đời sống người dân địa phương tạo thành tuyến đường xanh, rực rỡ sắc hoa trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh