Những “thủ phủ” hoa kiểng của miền Tây như Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Làng hoa Chợ Lách (Bến Tre), Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ (TP Cần Thơ) hay Làng mai vàng Phước Định (Long Hồ, Vĩnh Long)... đang vào mùa sôi động nhất. Trong tiết trời se lạnh những ngày giáp Tết, không khí làng hoa càng trở nên nhộn nhịp người mua kẻ bán, tấp nập du khách tham quan, chụp ảnh vui như trẩy hội.
Mời bạn đọc cùng du xuân giữa mùa hoa miền Tây đẹp nhất, khám phá bức tranh mùa xuân rực rỡ cùng sự chuyển động tích cực trong tư duy, cách làm ăn của người trồng hoa kiểng- đưa những làng hoa truyền thống trở thành điểm đến du lịch ấn tượng, độc đáo bậc nhất ĐBSCL. Hơn thế, hoa kiểng đang dần trở thành ngành kinh tế giá trị rất cao.
Kỳ 1: Từ làng hoa trăm năm đến ngành kinh tế giá trị cao
Làng hoa Sa Đéc vào xuân. Ảnh: TRẦN PHƯỚC |
Nép mình bên dòng sông Tiền yên ả, làng hoa trăm tuổi Sa Đéc (Đồng Tháp) không chỉ là nơi gieo trồng những mầm xanh tươi tốt mà còn lưu giữ chuyện đời, chuyện nghề của bao thế hệ. Từ làng nghề hoa kiểng truyền thống đến hành trình khai thác tiềm năng du lịch, phát triển ngành hàng hoa kiểng theo hướng đa giá trị và chuyên sâu.
Chăm chỉ, sáng tạo như người trồng hoa
Khi mặt trời vừa ló dạng, Làng hoa Sa Đéc thức giấc bên những tia nắng đầu ngày xuyên qua làn sương mai. Trên những con đường dẫn vào làng nghề, trăm hoa đua nhau khoe sắc vẽ nên bức tranh tràn đầy sức sống. Tiếng cười nói hòa cùng hương hoa lan tỏa trong gió xuân càng làm cho không khí nơi làng hoa thêm phần trong trẻo.
Theo nhiều tài liệu, Làng hoa Sa Đéc được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Trải qua nhiều thế hệ vun trồng và bồi đắp, đến nay Làng hoa Sa Đéc trải dài từ phường Tân Quy Đông, An Hòa đến xã Tân Khánh, Tân Quy Tây. Từ cái nôi trăm tuổi của Làng hoa Sa Đéc, người dân Tân Quy Đông đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn mang về những giống hoa kiểng mới từ khắp các nước. Qua bàn tay khéo léo và sự kiên trì, họ đã thuần dưỡng, lai tạo nên hơn 3.000 chủng loại hoa kiểng mang dấu ấn riêng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Tết này, Làng hoa Sa Đéc trồng 115ha hoa kiểng các loại. |
Có hơn 40 năm theo nghề làm hoa kiểng, chú Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha (70 tuổi, ở phường Tân Quy Đông) cho biết: “Tôi mê nghề, rồi đam mê làm hoa kiểng hồi nào không hay. Nghề này, đòi hỏi phải có sự mới mẻ, sáng tạo. Như ở Đà Lạt có giống hoa ôn đới, thì khi đem về Đồng Tháp, tôi tìm tòi làm sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới”.
Ban đầu chỉ làm hoa kiểng một khoảnh sân nhỏ, nay chú Kha mở rộng 2.000m2, với nhiều loại kiểng trồng quanh năm. Vụ Tết này, chú Kha “cập nhật thị trường” đưa ra hơn 9.000 chậu hoa các loại, như cúc Hà Lan, mâm xôi Hàn Quốc, mâm xôi Đài Loan… Hiện, đã bán ra hơn 90%. “Theo thị trường nhưng phải biết cái nào phù hợp để theo chứ không theo bất chấp. Quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo uy tín, chất lượng hoa, có như vậy khách hàng mới nhớ và tìm đến mình”- chú Kha nói chuyện làm ăn.
Bà con làng hoa Phường Tân Quy Đông cung ứng khoảng 20.000 giỏ hoa các loại/ngày. Ông Dương Hữu Nghĩa- Chủ tịch UBND phường, cho biết tính đến tháng 11/2024, phường có 319,2ha với gần 2.000 hộ trồng và sản xuất hoa kiểng quanh năm, chủ yếu là các loại kiểng công trình, riêng mùa Tết sẽ có thêm cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, hoa hồng, tứ quý…
Nghề trồng hoa kiểng giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương, các hoạt động dịch vụ khác như cung cấp vật tư nông nghiệp, sản xuất cây giống, vận chuyển sản phẩm hoa kiểng... góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.
“Khuyến khích người dân tìm tòi, nghiên cứu thêm nhiều giống hoa, kiểng mới để đa dạng mặt hàng. Phường Tân Quy Đông đã định hướng và xác định hoa, cây kiểng là ngành kinh tế mũi nhọn”- ông Dương Hữu Nghĩa cho hay.
Trong khi đó, theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, hiện có hơn 978ha trồng hoa kiểng, với trên 4.000 hộ, tăng 1.000 hộ so với năm 2022, chiếm khoảng 50% số hộ sản xuất nông nghiệp. Thành phố còn có 190 cơ sở, 13 doanh nghiệp; 17 HTX, hội quán, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa kiểng.
Ông Võ Minh Thông- Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Giá trị sản xuất hoa kiểng năm 2024 ước khoảng 3.300 tỷ đồng, chiếm 79,32% giá trị sản xuất nông nghiệp, gấp 3,83 lần so với giá trị trồng trọt cây hàng năm, tăng 269,26% so với năm 2015 (907 tỷ đồng). Riêng hoa kiểng phục vụ Tết năm nay khoảng 115ha, gồm cúc các loại, hạnh, hoa hồng, mai, cát tường, vạn thọ, lan… Trong đó, cúc mâm xôi khoảng 75.000 chậu, cúc Đài Loan 100.000 chậu, mâm xôi màu 100.000 chậu. Giá bán năm nay so với năm trước không tăng nhiều.
Phát triển kinh tế ngành hoa kiểng
Đến làng hoa những ngày Tết, du khách không chỉ thỏa sức “check in”, rinh những chậu hoa yêu thích về nhà mà còn lắng nghe những câu chuyện làng nghề, thưởng thức món ăn đặc sản đồng bằng. Từ đài ngắm hoa cao hàng chục mét, có thể thấy toàn cảnh làng hoa, những con rạch nổi tiếng như Sa Nhiên, Cai Dao, Tứ Quý… không chỉ mang phù sa ngọt lành bồi đắp cho đất đai màu mỡ mà còn là mạch nguồn giao thương, chuyên chở hoa kiểng, vật tư trồng hoa. Cùng chúng tôi chìm đắm trong không gian rực rỡ, chị Nguyễn Thị Cẩm Thu, du khách từ huyện Chợ Mới (An Giang), bày tỏ: “Từ đài ngắm hoa, cả làng hoa như một bức tranh xuân thu nhỏ”.
Chú Trần Hữu Tài- chủ Khu Du lịch Vườn kiểng Ngọc Lan “rất hãnh diện là người con của Làng hoa Sa Đéc”, đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây đài ngắm hoa này. Từ 2.000m2 ban đầu ở khóm Tây Mỹ chủ yếu trồng hoa đi chợ Tết, chú Tài mua thêm 12.000m2 ở khóm Sa Nhiên để mở rộng diện tích trồng hoa, kiểng quanh năm. Đồng thời, đầu tư hàng trăm triệu đồng thiết kế thành vườn hoa, vườn cổ tích mộng mơ, bắt đầu mở cửa đón khách du lịch. Hiện vườn trồng và bán ra khoảng 3.000 chậu hoa kiểng/tháng, riêng dịp Tết thêm 5.000- 7.000 chậu hoa kiểng các loại...
Chú Trần Hữu Tài “khoe” vườn kiểng ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. |
“Từ nông dân cục mịch, chỉ trồng rồi đi chợ nên khi chuyển qua làm du lịch không dễ dàng, phải chuyển đổi tư duy”- chú Tài bộc bạch và “bật mí” đã mon men tới nhiều lớp tập huấn, đi đó đây “học” làm du lịch… Để “làm du lịch phải hướng đến chuyên nghiệp hóa, thường xuyên đổi mới sản phẩm. Như điểm du lịch của tui, phải nắm bắt thị hiếu, nhu cầu và xu hướng du lịch để đầu tư, đổi mới hàng năm”- chú Tài nói từ thực tiễn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, chú ấp ủ dự định chuyển sang sản xuất hữu cơ vừa để tạo cảnh quan, vừa cung cấp nguyên liệu sạch để chế biến các món ăn từ hoa phục vụ du khách.
Cùng với nỗ lực, sáng tạo của người trồng hoa, ông Võ Minh Thông cũng cho biết, trong những năm qua, bên cạnh hạ tầng giao thông đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, từ các nguồn vốn huy động, địa phương đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh hoa kiểng gắn với phát triển du lịch.
Du khách nô nức về miền Tây, check in mùa hoa trái đẹp nhất. |
Với người dân Sa Đéc, đặc biệt là ở Tân Quy Đông, hoa kiểng không chỉ là nghề nuôi sống gia đình mà còn là niềm tự hào, là mối liên kết bền chặt giữa người với đất và hoa. Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế hoa kiểng gắn với phát triển du lịch đã mở ra cơ hội gắn kết cộng đồng, vừa giữ gìn giá trị truyền thống vừa nâng cao giá trị thương hiệu hoa kiểng Sa Đéc.
Tết đến gần, Làng hoa Sa Đéc càng thêm náo nhiệt. Những con rạch nhỏ vẫn miệt mài mang phù sa vun bồi cho đất, cho hoa:
“Rạch Sa Nhiên chở nặng phù sa,
Ngọn Tứ Quý vun bồi thêm đẹp”
Cùng với định hướng và giải pháp phát triển ngành hàng hoa kiểng giai đoạn 2022-2025; ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm hoa kiểng... TP Sa Đéc cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm từ hoa dược liệu, liên kết cung cấp giống cây trồng, sản xuất hoa kiểng theo hướng xuất khẩu. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu phát triển ngành hàng hoa kiểng thành ngành hàng chiến lược cấp tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị tăng cao. Trong đó, phát triển du lịch gắn với phát huy thế mạnh nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng. |
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
>> Kỳ 2: Nắng xuân trên Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin