Những chiếc rổ, rế, sàng... tre được bày bán. Người đàn ông đang giới thiệu sản phẩm của mình được làm ra từ bụi tre, khóm trúc quanh nhà. |
Nghề đan đát truyền thống mang đậm hơi thở hồn quê của vùng đất Nam Bộ. Những sản phẩm tuy đơn sơ, bình dị như đôi quang gánh, chiếc lọp, chiếc giỏ đựng cá, chiếc nơm, cái lờ… gợi nhớ ký ức xa xăm về miền quê xưa.
Chạy ngang con đường quen thuộc, tại sao mình phải ngó tìm? Tìm những chiếc rổ, rế, sàng, sề… được bày bán bởi vợ chồng già. Những cái rế nhỏ lớn nằm chồng lên nhau, cái sàng tròn dựng đứng kế bên những cái rế, những cái rổ tre nằm lăn lóc một bên.
Mấy tuần nay, tôi bắt gặp hình ảnh vợ chồng già bán rổ, rế, sàng, sề ven đường Nguyễn Huệ. Có hôm trống một chỗ của bà, chỉ có một mình ông ngồi bán. Có hôm ông không bày hàng ra bán đi ngang thấy thiếu vắng gì mà lòng trống không. Rồi trong trí phát họa cảnh, dưới bóng hàng tre mỡ bên bờ sông, vợ chú đang ngồi vuốt từng cọng nan, cọng đát. Còn chú, bàn tay chai sần đan, rồi đát chính xác từng cọng, nức vành tròn vo từng cái rổ để vài hôm lại đem bày bán giữa phố thị xôn xao.
Hôm lại bắt gặp hình ảnh chiếc xe đạp treo lỉnh kỉnh những rế, rổ tre rao bán trên đường. Bây giờ vẫn bắt gặp chiếc rổ tre, rế tre bán trên các cung đường, ở chợ, để biết rằng chiếc rổ tre vẫn được sử dụng dù không còn thân thiết như xưa. Ngày trước mỗi nhà ít nhất cũng hai ba chiếc rổ tre, ba bốn chiếc rế tre, chiếc sàng. Rổ tre đựng từng con cá, củ khoai, cọng rau…; xúc từng con hến, con tép,… Chiếc rế tre lấm lem lọ nồi.
Đôi khi bắt gặp hình ảnh chiếc xe đạp treo lỉnh kỉnh những rế, rổ tre rao bán quanh những con đường ở phố. |
Chiếc sề phơi từng con cá làm khô. Cái sàng theo nhịp tay sàng sảy hạt gạo rơi rơi. Rồi nhớ cái bụi trúc xanh cả bọn len lén chặt cái đọt để làm cần câu; những bụi tre gai kêu sau mỗi cơn gió thổi, tiếng kêu làm cả bọn sợ ma chạy hụt hơi mỗi lần đi ngang qua đó. Ngày ấy ở quê đâu đâu cũng bắt gặp những ngọn tre đưa mình theo gió. Những con đường mòn đều có bụi tre, khóm trúc. Men theo con sông với xóm đan hàng bằng tre nhộn nhịp và thanh bình.
Tre trúc gắn với đời sống người dân tự bao giờ. Từ truyền thuyết sự tích cây tre trăm đốt, tre làm vũ khí đánh giặc giữ bờ cõi,… Trúc chẻ tro bay hay trúc chẻ ngói tan, thể hiện sức mạnh to lớn, đè bẹp tất cả mọi lực lượng của đối phương. Rồi bắt gặp hàng rào bằng tre, cất nhà bằng tre, ngủ giường tre, những chiếc cầu tre lắt lẻo … Chái bếp ngày xưa với những rổ, rế, sề, lọp, lờ, nơm,… Tre gắn bó thân thiết trong sinh hoạt của người dân bao đời.
Nghề đan sản phẩm bằng tre một thuở “huy hoàng”. Cái thời xúc lúa từng thúng đem phơi, trái cây đựng bằng cần xé, nghề đặt lờ lọp nuôi sống cả gia đình… Nên nhà nhà đều xài đồ đan đát bằng tre.
Mùa bán rổ tre chạy nhất trong năm là mùa nước nổi, người ta mua về đựng cá mắm… Thúng bán chạy nhất là mùa thu hoạch lúa. Rế bán chạy nhất là vào tháng Chạp vì thay rế cho đẹp vào những ngày Tết.
Tre già măng mọc, những người xưa giờ muốn truyền nghề lại cho con cháu mình cái nghề đan tre để giữ gìn nét đẹp ngàn đời, lưu giữ hồn quê. Và cũng truyền cách dạy con “tre non dễ uốn”, “tre già khó uốn”.
Đúng vậy, không có gì là bất biến, không còn những cây trúc, cây tre chất thành từng đống lớn, đống nhỏ ven sông. Những làng nghề đan đát ven sông giờ vắng lặng không như ngày trước xuồng chở tre trúc, xuồng chở hàng đan đát nhộn nhịp cả khúc sông. Giờ nhà mái Thái, ngủ bằng nệm, hàng rào trụ đá, cầu bê tông…; gian bếp đầy tiện nghi, rổ nhựa, rổ inox,… chiếm chỗ những sản phẩm làm bằng tre.
Nhưng ở đâu đó sản phẩm tre vẫn còn đó vị thế cho riêng mình bởi mang nét bình dị và hồn quê không gì thay thế được. Làm sao quên cho được chiếc rổ tre một thời nắng mưa lam lũ.
Để bắt nhịp xu thế phát triển, tre làng tự làm mới mình để ra phố, xuất hiện ở nơi sang trọng như nhà hàng, khách sạn, quán ăn, hội chợ,... Sản phẩm vẫn mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần tinh tế và sang trọng. Vật phẩm tối giản với toàn tre được đan khéo léo. Những đường nét tự nhiên của tre, kết hợp với sự khéo léo của người nghệ nhân, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Những sản phẩm tuy đơn sơ, bình dị nhưng gợi nhớ ký ức xa xăm về miền quê Nam Bộ xưa. |
Nghề đan đát mang đậm hơi thở hồn quê của vùng đất Nam Bộ. Nét độc đáo góp phần phát triển loại hình du lịch làng nghề nên nghề truyền thống đan đát cần được bảo tồn và phát huy. Những sản phẩm tuy đơn sơ, bình dị như một đôi quang gánh, chiếc lọp, chiếc giỏ đựng cá, chiếc nơm, cái lờ… gợi nhớ ký ức xa xăm về miền quê Nam Bộ xưa, chất chứa nỗi niềm.
Cứ thế mỗi buổi sáng chạy ngang tôi lại ngó tìm hình ảnh ấy.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin