Thách thức an ninh nguồn nước ĐBSCL

05:36, 13/12/2024

(VLO) Theo Cục Thủy lợi (trực thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT), ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước (ANNN). Do đó, cần có chiến lược trong quan hệ quốc tế liên quan đến sông Mekong, đồng thời đề xuất những giải pháp lâu dài, bền vững thích ứng với những tác động từ thượng nguồn.

ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức an ninh nguồn nước, đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân.
ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức an ninh nguồn nước, đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Đảm bảo an ninh nguồn nước- vấn đề cấp bách

Đề án bảo đảm ANNN và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm: “Nước là tất yếu của sự sống, là nguồn lực của quốc gia, có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường.

Bảo đảm ANNN và an toàn đập, hồ chứa nước là vấn đề cấp bách, tất yếu khách quan; là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân”.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp-PTNT), thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có, các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.

Riêng với ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến ANNN. Những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.

Ông Vũ Minh Việt- Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức rất lớn từ thượng nguồn (nhất là hoạt động đầu tư các công trình trên dòng chính và sông nhánh Mekong khiến lượng nước và phù sa về đồng bằng suy giảm).

Nước biển dâng và tốc độ truyền triều gia tăng do khai thác cát khiến lòng sông bị mở rộng, tác động gia tăng úng ngập và xâm nhập mặn. Cùng với đó là hàng loạt hệ lụy như sạt lở bờ sông, bờ biển, mực nước sông Cửu Long bị hạ thấp, chất lượng nguồn nước suy giảm, gây khó khăn cho công tác cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, đảm bảo sinh kế của người dân và phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

GS.TS Đào Xuân Học- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho biết: Khi nói về ANNN, đầu tiên cần khẳng định rằng Việt Nam không phải là quốc gia có nguồn nước dồi dào, mà chỉ ở mức trung bình cao của thế giới. 63% lượng nước từ ngoài lãnh thổ đổ vào, nên chịu tác động rất lớn từ yếu tố thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế, đặc biệt là sông Hồng và sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, nước biển dâng cùng với hoạt động khai thác cát khiến lòng sông bị mở rộng, dẫn đến tác động triều tăng lên rất nhiều và đỉnh triều ngày càng tăng.

Chúng ta thấy rõ vấn đề ngập lụt ở các đô thị, làng ấp, vườn cây ăn trái, đường giao thông do lũ, do triều và do mưa lớn xảy ra rất nghiêm trọng. Tình trạng người dân khai thác nước ngầm, đặc biệt là ở ĐBSCL dẫn đến tình trạng sụt lún trở thành câu chuyện cấp bách hơn rất nhiều so với nước biển dâng.

Và điều đáng ngại nhất là chúng ta “có nước nhưng không dùng được” do ô nhiễm từ các khu công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề…

Cần chiến lược truyền thông bài bản, đa dạng và sáng tạo

Cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh nguồn nước.
Cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh nguồn nước.

Để ứng phó và thích ứng với những biến đổi của điều kiện tự nhiên và tác động của bàn tay con người, đảm bảo ANNN tại khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, mới đây, tại Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo ANNN vùng ĐBSCL”, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đã đề xuất 10 giải pháp, gồm: tăng cường trữ nước phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, hạn chế khai thác cát sỏi lòng sông để giảm sạt lở; phổ biến các mô hình sinh kế đa dạng, phù hợp với điều kiện tự nhiên; tăng cường áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước; sắp xếp, quản lý dân cư sống ven kênh rạch, bảo đảm hành lang công trình thủy lợi; giám sát, dự báo nguồn nước; hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống, nâng cao chất lượng vận hành hệ thống thủy lợi; cảnh báo lũ; cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển cùng với các giải pháp phi công trình khác như: bố trí lịch thời vụ, đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức…

Theo ông Đào Xuân Học, ĐBSCL là vùng đất mới và đang xảy ra hiện tượng sạt lở rất nhiều nên cần phải tăng cường cảnh báo cho người dân. Giải pháp kè ở ĐBSCL cần phải hạn chế, thay vào đó là né tránh là chính.

Nếu làm kè thì cũng chỉ nên làm kè sinh thái thôi, vì nguyên tắc anh làm kè cứng ở chỗ này thì dòng chảy sẽ lại tác động vào chỗ khác; bên này nước bắn vào không được thì nó bắn chéo sang bên kia. Trong một dòng sông có bên lở- bên bồi chính là do tác động tương hỗ với nhau.

“Cần truyền thông làm sao để người dân hiểu đúng vấn đề về nguồn nước. Tại vùng ngọt, tôi đồng tình với các giải pháp là nạo vét kênh mương để tăng khả năng dẫn ngọt và dùng các trạm bơm vừa và nhỏ với các vùng có địa hình cao không lấy được nước tự chảy.

Còn giải pháp cho vùng cao là xây dựng ao, hồ chứa, theo tôi cần phải bàn thảo thật kỹ, bởi lượng mưa ở Cà Mau là lớn nhất (3.400mm), còn ở những nơi khác chỉ 1.400mm và lượng bốc hơi của nó cũng gần tương đương như vậy.

 

Trong khi đó, lượng nước tập trung vào mùa mưa, còn mùa khô mấy tháng không có nước. Theo tính toán, lượng nước tưới cho 2 vụ lúa trong năm phải mất 1,3-1,5m nước rồi, thành ra nếu xây hồ để phục vụ tưới cho lúa thì rất khó khả thi”- ông Đào Xuân Học cho biết thêm.

Ông Vũ Minh Việt cũng cho rằng: Truyền thông đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thúc đẩy các hành động cụ thể nhằm bảo vệ nguồn nước tại ĐBSCL để thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị: “Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đảm bảo ANNN, an toàn đập và hồ chứa nước trong tình hình mới”.

Trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ANNN, truyền thông không chỉ là phương tiện để lan tỏa thông điệp mà còn là cầu nối giữa tri thức khoa học và hành động thực tiễn. Một chiến lược truyền thông bài bản, đa dạng và sáng tạo sẽ góp phần to lớn vào việc đảm bảo ANNN, thúc đẩy phát triển bền vững cho vùng đất chín rồng giàu tiềm năng này phát triển và bay cao.

Ông Đinh Thanh Mừng- Phó Trưởng Phòng ANNN- Cục Thủy lợi, cho biết, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc chính vào dòng Mekong. Thống kê cho thấy, từ 2011 về trước khoảng 4-5 năm xuất hiện 1 trận lũ vừa hoặc lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay lũ nhỏ liên tục xuất hiện. Trong tương lai 30-50 năm tới gần như số năm lũ lớn không đáng kể và gia tăng mạnh các năm lũ nhỏ và mất lũ. Vấn đề về đảm bảo ANNN là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL.

 

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh