Mùa cá linh về

07:31, 08/09/2024

(VLO) Những ngày này, nước sông Tiền, sông Hậu trở nên đục ngầu. Theo dòng nước cuồn cuộn từ thượng lưu, dòng cá linh (CL) bơi về hạ nguồn, cũng là lúc dân ĐBSCL vào mùa đánh bắt CL.

Cá linh đầu mùa thường xuôi theo dòng nước về hạ lưu, vào kinh, rạch để tìm mồi thì có thể dùng hứng, vó, dớn hoặc đóng đáy để bắt.
Cá linh đầu mùa thường xuôi theo dòng nước về hạ lưu, vào kinh, rạch để tìm mồi thì có thể dùng hứng, vó, dớn hoặc đóng đáy để bắt.

CL có ý nghĩa kinh tế khá đặc biệt trong nghề cá ở vùng ĐBSCL. Sự xuất hiện nhiều hay ít của chúng trong năm báo hiệu sự được hay mất mùa cá, tôm trong vùng.

Theo các tài liệu nghiên cứu về thủy sản gần đây, vào mùa khô, CL sống trong các sông lớn, ao hồ ở vùng thượng nguồn sông Cửu Long, tập trung phần lớn ở Biển Hồ. Mùa đẻ chính là đầu mùa mưa tháng 5-6, bãi đẻ thường ở ngã ba sông, ven các cồn, nơi nước chảy, trứng CL trôi nổi.

Sau khi nở, CL bơi theo dòng lũ về hạ lưu vào sông ngòi, kinh, rạch, ruộng đồng và lớn lên. Càng xuống hạ nguồn, càng vào đồng xa, lượng CL ít dần cho đến khi gặp nước mặn.

CL xuất hiện ở các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… vào rằm tháng 7 âl. Lúc này, sông ngòi, kinh, rạch, đồng ruộng trong vùng đều đầy ắp nước.

Môi trường sống được mở rộng, nguồn thức ăn phong phú là điều kiện lý tưởng cho đàn CL sinh sôi, nảy nở. Nước lũ lên đến đâu, đàn cá theo đến đó. Sau khi lũ rút, cá ra sông lớn, rồi trở về thượng nguồn và năm nào cũng theo chu kỳ như vậy.

Dân đồng bằng sử dụng nhiều ngư cụ để đánh bắt CL, như vó, đăng mé, chài quăng, dớn, ghe hứng, lưới giăng hoặc đóng đáy trên các sông, rạch. Nhưng cũng tùy giai đoạn CL có kích cỡ khác nhau mà dùng ngư cụ đánh bắt phù hợp mới cho sản lượng nhiều.

Thời kỳ đầu mùa lũ, từ rằm tháng 7 đến cuối tháng 8 âl, CL còn non cỡ bằng đầu đũa. Cá thường xuôi theo dòng nước vào kinh, rạch nội đồng để tìm mồi thì người ta dùng hứng, vó, dớn hoặc đóng đáy để bắt.

Vào cuối mùa lũ, từ tháng 9 đến tháng 12 âl, CL theo lũ rút ra sông lớn, lúc này cá đã lớn, to bằng ngón trỏ, người ta dùng đáy, đăng mé, chài quăng, lưới giăng để bắt CL. Mùa khai thác CL kéo dài khoảng 3 tháng.

Những năm gần đây, nhờ các phương tiện giao thông phát triển, nhất là phương tiện giao thông thủy, nên lượng CL khai thác ở các tỉnh đầu nguồn được phân phối nhanh chóng về các tỉnh miền hạ lưu.

Nhiều ngư dân ở các tỉnh đầu nguồn còn biết cách rộng CL đầu mùa trong những ghe đục chở xuống các chợ ở các tỉnh hạ nguồn bán, nên có nhiều người mua được thứ đặc sản mùa nước nổi này đem về chế biến thức ăn.

CL được dân đồng bằng chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ở mỗi vùng có kiểu nấu ăn riêng, nhưng kho lạt và nấu canh chua là 2 món phổ biến nhất. CL cỡ nhỏ được ưa chuộng hơn, có giá bán đắc hơn cá cỡ lớn.

CL cỡ nhỏ dùng kho tương, kho khóm (kho lạt) ăn luôn xương hoặc được bầm nhuyễn, dồn khổ qua hay vò viên nấu canh chua. Loại cỡ lớn thì nấu canh chua hoặc kho nước dừa, kho lá dứa để nguyên con.

Đặc biệt, CL nấu canh chua với bông điên điển hoặc với bông so đũa ăn rất ngon. CL còn được làm mắm để nguyên con, ủ làm nước mắm hoặc được đóng hộp như cá mồi đóng hộp.

Nhiều năm nay, lượng CL tự nhiên giảm mạnh do môi trường sống của cá thay đổi và khai thác quá mức của con người với nhiều mục đích khác nhau. Ở Vĩnh Long, lượng CL non đầu mùa lũ chỉ thấy bán ở các chợ lớn nhưng số lượng hạn chế, còn tại các chợ ở miệt đồng thì ít thấy.

CL non được tiểu thương mua thu gom về bán lẻ tại các chợ, nhưng đâu phải ngày nào cũng có, chỉ có cá bán tập trung vào những con nước rằm hoặc 30 âl. Mỗi buổi chợ chỉ bán dăm ba ký CL lẫn lộn với các đồng.

Giá bán rất cao, từ 20.000-30.000 đ/100g, nhưng các bà nội chợ phải đi chợ sớm mới mua được vì có rất nhiều người mua. CL vào cuối mùa lũ chủ yếu do các ghe đục từ miệt trên (An Giang, Đồng Tháp) chở về, lượng cá bắt tại chỗ rất ít...

Nhằm bảo tồn và duy trì nguồn CL tự nhiên trước nguy cơ cạn kiệt, vào năm 2009, nhóm nghiên cứu Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ kết hợp với Sở KH-CN tỉnh An Giang, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi thành công giống CL ống.

Từ đó đến nay, có nhiều công trình, dự án nghiên cứu, thử nghiệm về sản xuất nhân tạo và nuôi CL được triển khai và áp dụng thành công, mở ra triển vọng mở rộng nghề nuôi CL ra đại trà trong ao, vuông, giúp bảo tồn và phát triển nguồn thủy sản đặc trưng lâu đời của miền sông nước.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh