Tầm nửa cuối tháng 7 âl cá linh non đã “lội” về đến các chợ ở Vĩnh Long, trong khi đó, miệt đầu nguồn sông Cửu Long vùng An Giang, Đồng Tháp bà con đã ăn cá linh non từ hồi nước son chuyển đậm màu, con cá chỉ mới bằng đầu đũa ăn cơm. Ông bạn đồng niên, cũng là người đồng hương miệt đầu nguồn, lại hú hí lên nhà làm… bữa linh non.
Cá linh non đầu mùa. |
Với anh, cá linh non không đơn thuần là một bữa ăn, nó là cả một vùng ký ức thường trực dội về trong thương nhớ. Anh nhắc về má của mình năm nay đã 84 tuổi rồi, nhưng vẫn giữ cái thói quen ủ mắm cá linh non đầu mùa từ hồi còn con gái. Những hũ mắm chỉ dùng loại cá linh non trong vòng 1 tháng tuổi đổ lại, quá lứa đó, cá không còn non nữa nấu nước mắm sẽ không đạt đủ phẩm chất.
Vậy là tầm nửa năm sau, nhà anh bạn sẽ nhận những thùng nước mắm cá linh non của má anh gởi xuống, anh lại chiết ra nhiều chai nhỏ, rồi hú hí bạn bè thân thiết gởi người một ít để dùng. Đương nhiên, tôi cũng luôn có vài chai nho nhỏ, mà thật đậm đà tình cảm quê nhà. Đó là những chai nước mắm dùng thật là… cẩn thận, rót ra cứ như đếm từng giọt chỉ vừa đủ để dùng khi có những món ăn ngon. Cái cách chấm nước mắm cũng thật… khẽ khàng, nhè nhẹ vừa chạm tí xíu cho có mùi hương là đủ rồi, nên những chai nước mắm cá linh non dùng rất lâu mới hết.
Đứa em trên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp nghề kinh doanh các sản phẩm, thức ăn từ Nhật Bản, sành ăn, rành chế biến các món shusi, sashimi… nhưng trong nhà lúc nào cũng có mấy chai nước mắm cá linh non từ An Giang gởi lên để ăn quanh năm. Chắc chắn một điều nếu thiếu món nước mắm sẽ khó thành bữa cơm ngon thuần Việt. Nhất là người miền Tây quê mình ai đã từng ăn nước mắm cá linh non, thì thiệt tình có thể mạnh dạn tuyên bố câu xanh rờn, chấp tất cả các loại… nước chấm quảng cáo mẫu mã đẹp lộng lẫy, sao mà qua được nước mắm xứ mình. Dù nó chẳng có màu bắt mắt, không có cái vỏ chai xinh xắn của các loại nước chấm công nghiệp, nhưng nó không những ngon, mà là thứ bổ dưỡng tuyệt vời của con nhà nghèo ngày xưa ấy. Không cần quảng cáo độ đạm, nhìn thế hệ tụi nhỏ nhà nghèo nông thôn xưa, hỏi có ai bị suy dinh dưỡng, còi xương đâu, cái chủ lực là lớn lên từ những món ăn đồng và những khạp mắm cá linh non đó.
Mấy tuần nay cá linh non theo các ghe đục miệt trên về phân phối cho các chợ vùng dưới này, những con cá linh non… thứ thiệt (khác với cá linh nuôi), thịt mềm đến cả xương đầu, gấp một đũa 4-5 con cho vào miệng mềm mụp, béo ngậy tưởng chừng tan chảy trong tận cùng niềm khoái cảm. Mà cũng mừng trong bụng là cá linh vẫn chưa bị tuyệt chủng, vẫn còn sinh sôi nảy nở dù không thể nào bằng được như hồi xưa. Cái thuở mà chỉ cất một vó trên con sông nhỏ gặp con nước cá chạy là cả giạ cá linh. Mấy bà, mấy chị vừa nặn ruột cá linh non nhảy xoi xói trong rổ mà ngâm ngợi: “Mắc như tôm bạc thẻ, rẻ như cá linh sình”. Giờ thì cá linh đã trở thành đặc sản, cùng với bông điên điển đúng mùa nước nổi, thêm mấy cọng bông súng đồng đã đủ để đắm chìm trong miên man miền nhớ.
Giờ thì chúng tôi cùng nhau tận hưởng cái hương vị đầu mùa nước nổi, cá linh non cũng xin đừng bày đặt chế biến cầu kỳ chiên xù, chiên bột mà tội nghiệp con cá linh, mà nhạt phai đi cái béo ngọt đậm đà nguyên sơ. Nồi nước giấm vừa lên tăm mẳn, trụng cá linh vào rồi vớt ra ngay, cũng xin… sương sương mấy ly rượu đế cho nó… ra chất đồng bằng. Và cứ thế, cá linh non lại ngược dòng về miền nhớ mông lung.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin