Người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer

15:21, 20/08/2024

Thời gian qua, ông Thạch Thia Sê Rây ngụ ở ấp Đại Mong, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh được giới văn nghệ sĩ cũng như những người mộ điệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer biết đến và yêu mến.

Ông có biệt tài biểu diễn điêu luyện hầu hết các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm và là người tâm huyết truyền dạy các loại nhạc cụ truyền thống này cho thế hệ trẻ.

Ông Thạch Thia Sê Rây quê ở thị trấn Châu Thành (phum Kom Pong Chrey), tỉnh Trà Vinh, năm nay ngoài 60 tuổi, nhưng có hơn 45 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer.

Từ năm 19 tuổi, chàng thanh niên Thia Sê Rây tham gia Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh và có nhiều cống hiến cho sự phát triển của đơn vị này.

Đến năm 1989, ông lập gia đình và đến sinh sống tại ấp Đại Mong, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho đến nay.

Ông Thạch Thia Sê Rây (thứ tư từ trái sang) đang hòa nhạc cùng các nhạc công Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh
Ông Thạch Thia Sê Rây (thứ tư từ trái sang) đang hòa nhạc cùng các nhạc công Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh

Dù ở bất cứ nơi nào, tình yêu nghệ thuật truyền thống với ông không hề thay đổi. Suốt thời gian dài, ông đã giúp địa phương nơi ông sinh sống dàn dựng, tập luyện nhiều tiết mục tham gia dự thi tại các Hội diễn nghệ thuật Khmer trong tỉnh và khu vực Nam Bộ, đạt nhiều giải cao và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen.

Cụ thể, về giải thưởng cá nhân, ông giành Huy chương bạc ở Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1985 do Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng.

Còn giải thưởng tập thể, ông dàn dựng chương trình cho đơn vị huyện Tiểu Cần tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Khmer tỉnh Trà Vinh đạt giải nhất toàn đoàn 2 năm liền 2012 và 2013 cùng nhiều giải thưởng khác. Đó là những ghi nhận sự đóng góp của ông đối với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tự hào với những thành tích đạt được, ông Thạch Thia Sê Rây chia sẻ: “Từ thời niên thiếu tôi đã đam mê nghệ thuật truyền thống của dân tộc và tự mài mò học thổi sáo.

May mắn được người thầy ở gần nhà dạy đàn cò, đàn khưm… Từ đó tôi gắn bó hơn với âm nhạc. Dần dần được nhiều người biết đến, tôi rất tự hào được mời tham gia và dàn dựng chương trình văn nghệ ở nhiều hội thi, hội diễn và cũng đạt một số thành quả cao.

Với tôi, âm nhạc vừa là niềm đam mê vừa là nghề nghiệp mưu sinh. Cuộc đời tôi luôn gắn bó với âm nhạc”.

Ông Thạch Thia Sê Rây biểu diễn nhạc cụ Tà khê của dân tộc Khmer
Ông Thạch Thia Sê Rây biểu diễn nhạc cụ "Tà khê" của dân tộc Khmer

Ông Thạch Thia Sê Rây đang truyền dạy cho các em hòa âm các nhạc cụ dân gian dân tộc Khmer

Thời gian qua, nhiều chùa Khmer trong tỉnh đã mời ông đi dạy nhạc ngũ âm. Dù đã có tuổi nhưng không quản ngại đường xa, mưa nắng, ông chỉ mong được góp phần giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Ngoài ra, ông còn truyền dạy cách chơi nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc Khmer cho thế hệ trẻ như: đàn khưm, đàn tà khê, đàn cò, đàn gáo, trống tay, thổi sáo…

Trong đó, có nhiều học trò của ông có thể chơi thuần thục một số nhạc cụ và cũng tham gia trình diễn, biểu diễn ở các hội thi, hội diễn và đạt được thành tích cao.

Ông Thạch Thia Sê Rây biểu diễn thổi sáo
 
Anh Thạch Chom Rong đang chế tác cây sáo (Khlui)
Ông Thạch Thia Sê Rây biểu diễn thổi sáo

Anh Thạch Chom Rong là một trong những học trò đam mê nghệ thuật truyền thống, được thầy Thia Sê Rây tận tình dạy chơi một số loại nhạc cụ, kỹ năng, cách lấy hơi khi thổi sáo… và được đi biểu diễn nhiều nơi.

Khi được hỏi về người thầy của mình, anh ngưỡng mộ bày tỏ: “Tôi đã theo học nhạc từ năm 2014, ban đầu tôi chỉ học đàn cò, sau đó học thổi sáo... Tôi rất biết ơn thầy Thạch Thia Sê Rây đã hết lòng truyền dạy âm nhạc, vì thế tôi cố gắng học thật tốt.

Không chỉ riêng tôi, mà với tất cả các học viên khác đều được thầy nhiệt tình hướng dẫn các kỹ năng biểu diễn từng loại nhạc cụ khác nhau. 

Sau khi học xong tôi chuyển sang chế tác một số nhạc cụ, thầy Thia Sê Rây cũng góp ý chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ để nhạc cụ có âm thanh chuẩn hơn”.

Anh Thạch Chom Rong đang chế tác cây sáo (Khlui)
Anh Thạch Chom Rong đang chế tác cây sáo (Khlui)

Với tinh thần chịu khó học hỏi và đôi tay khéo léo, giờ đây anh Thạch Chom Rong còn chế tác được cây sáo “Khlui”, đờn cò, đàn chà pây đon veng và một số nhạc cụ khác, được nhiều người đặt hàng mua.

Khi chứng kiến những học trò của mình thành công, ông Thạch Thia Sê Rây không khỏi xúc động: “Tôi vui lắm, vì Chom Rong là một trong số học trò có năng khiếu âm nhạc, tiếp thu rất tốt.

Ngoài ra, cháu ấy còn chế tạo được nhiều loại nhạc cụ truyền thống, được nhiều nơi đặt hàng mua, cuộc sống cũng khấm khá hơn. Là người từng truyền dạy âm nhạc cho cháu, tôi rất hài lòng vì những kết quả tốt đẹp này”.

Ngoài ra, ông Thạch Thia Sê Rây còn tham gia sáng tác nhiều ca khúc dân ca, hát ru với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi tinh thần tuổi trẻ, sáng tạo…

Những nhạc cụ như đàn cò, sáo Khlui, srolay... do anh Thạch Chom Rong chế tác được nhiều người đặt mua
Anh Thạch Chom Rong tâm đắc với cây đàn chà pây đon veng do anh tự chế tác.
Những nhạc cụ như đàn cò, sáo Khlui, srolay... do anh Thạch Chom Rong chế tác được nhiều người đặt mua
Những nhạc cụ như đàn cò, sáo Khlui, srolay... do anh Thạch Chom Rong chế tác được nhiều người đặt mua

Nhìn nhận những đóng góp của ông Thạch Thia Sê Rây, ông Thạch Hoàng Nam, Phó Bí thư đảng ủy xã Phú Cần cho biết, tỉnh Trà Vinh nói chung và xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần nói riêng là nơi có đông bà con Khmer sinh sống, nên địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa của dân tộc Khmer. Trong đó, ông Thạch Thia Sê Rây nổi lên là nhân tố có những đóng góp tích cực.

Ông Thạch Hoàng Nam cho biết thêm: “Ông Thia Sê Rây có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn và phát huy văn hóa nghệ thuật Khmer.

Những năm qua, ông ấy đã giúp dàn dựng chương trình văn nghệ ở địa phương để tham gia biểu diễn các Hội thi trong tỉnh và khu vực và đạt được nhiều giải cao rất đáng ghi nhận. Đây là tấm gương cần được thế hệ trẻ noi theo”.

Theo Ngọc Tươi/VOV-ĐBSCL

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh